Tổng quan về phân tích chiến lược, mục đích yêu cầu, qui trình, công cụ phổ biến trong phân tích chiến lược.
Trong giai đoạn chu kỳ thị trường Việt Nam những năm 2010-2012, tức là giai đoạn sau tăng trưởng nóng, chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp từ chỗ đang được ca ngợi như là những điển hình thành công với những kế hoạch và dự án phát triển rất triển vọng, bổng dưng ngã bệnh, gặp khó khăn đến độ không thể tự khắc phục được và phải chấp nhận nhường quyền sở hữu, hoặc chia sẻ quyền kiểm soát công ty với đối thủ hoặc các đối tác khác.
Điều gì đã xãy ra với các công ty, tập đoàn nầy? Tại sao chỉ sau một thời gian ngắn các ông chủ vốn rất đam mê và tâm huyết ấy lại dễ dàng chịu nhường những đứa con tinh thấn, nhường sự nghiệp của mình cho người khác? Nguyên nhân thì có thể có nhiều nguyên nhân và mỗi doanh nghiệp thì có thể đã gặp mỗi hoàn cảnh khó khăn riêng. Tuy nhiên, trong vô vàn những lý do rất riêng ấy chúng ta nhìn thấy một điểm chung dưới góc độ chiến lược: Hầu hết các doanh nghiệp nầy đã không có một chiến lược cụ thể.
Những hoạt động mở rộng danh mục, những dự án đầu tư mới kể cả về mở rộng và đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, mở rộng thị trường, mở rộng thương hiệu, mở rộng năng lực sản xuất thông qua việc tự đầu tư, thâu tóm, sáp nhập hoặc liên kết… một cách dễ dãi, thậm chí vô tội vạ vừa qua chủ yếu là do áp lực sau một giai đoạn phát triển nóng (thừa vốn, nhu cầu duy trì tốc độ tăng trưởng, chạy theo các doanh nghiệp khác) chứ không phải là kết quả của một quá trình phân tích và hoạch định chặc chẻ, khoa học.
Quản trị hiện đại (quản trị chiến lược) không có chỗ cho phong cách quản lý doanh nghiệp tùy hứng đầy rủi ro như trên. Các CEO của những công ty quản trị chiến lược nếu muốn dẫn công ty đi đâu thì cũng phải có lý lẽ, có chiến lược, có kế hoạch chặc chẻ và những ý đồ nầy ít nhất phải thuyết phục được những người khác trong ban lãnh đạo công ty.
Tất nhiên là không phải tất cả cách doanh nghiệp quản trị chiến lược đều thành công, nhưng người ta tin rằng quản trị chiến lược có thể giảm được những rủi ro cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu trước khi đầu tư mở rộng công suất nhà máy mà các vị trong ban lãnh đạo doanh nghiệp chịu khó thu thập thông tin phân tích chu kỳ thị trường ngành để biết ngành kinh doanh của mình đang ở giai đoạn nào và kế đến sẽ là giai đoạn nào thì hẳn đã phải cân nhắc kỹ về quyết định đầu tư và qui mô đầu tư khi biết rằng cung đang vượt cầu. Hoặc nếu phân tích môi trường vĩ mô và vi mô từ đó suy ra những tác động có thể có của những thay đổi về môi trường kinh doanh thì hẳn đã phải cân nhắc kỹ hơn khi biết mình sẽ sớm phải cạnh tranh với những đối thủ giá rẻ đến từ khu vực….
Phân tích chiến lược là gì?
Phân tích chiến lược là hàng loạt những công việc phân tích sử dụng nhiều công cụ, cách tiếp cận khác nhau nhằm dự báo, xác định xu hướng của thị trường, vị trí của một doanh nghiệp, một ngành hàng so với những yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp, ngành hàng về lâu dài.
Phân tích những gì?
Nội dung phân tích chiến lược tùy thuộc vào yêu cầu đầu ra. Chẳn hạn, đối với chiến lược cấp ngành (chiến lược kinh doanh) thì chiến lược kinh doanh, chiến lược cạnh tranh sẽ là những nội hàm chủ yếu. Còn đối với chiến lược cấp công ty thì chủ yếu sẽ là chiến lược phát triển, danh mục và chiến lược quản lý.
Như vậy có thể nói là công việc phân tích chiến lược bao gồm tất cả những khía cạnh có liên quan nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đầu vào hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định chiến lược ngành và chiến lược công ty như trên.
Theo Đỗ Hòa