“Báo cáo Phát triển Thế giới 2013: Việc làm” vừa được Ngân hàng Thế giới chính thức công bố. Theo ông Martin Rama, Giám đốc của Báo cáo này, hiện đang có trên 620 triệu thanh niên không làm việc, cũng không đi học.
Theo tính toán, chỉ để giữ cho tỷ lệ việc làm không thay đổi, trong vòng 15 năm nữa cần phải tạo ra khoảng 600 triệu việc làm trên toàn thế giới. Không đơn thuần là đem lại thu nhập, việc làm còn là nền tảng căn bản cho phát triển, mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn nhiều so với thu nhập đơn thuần. Việc làm có vai trò quan trọng trong quá trình giảm nghèo, giúp các thành phố vận hành và giúp lớp trẻ tránh được bạo lực…
Không đơn thuần là đem lại thu nhập, việc làm còn là nền tảng căn bản cho phát triển, mang lại nhiều lợi ích to lớn
Tuy nhiên. qua phân tích 800 cuộc khảo sát và điều tra dân số, các tác giả Báo cáo đặc biệt lưu ý rằng, trên thế giới ước có trên 3 tỉ người đang làm việc, nhưng có gần một nửa trong số đó làm việc trong khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ của gia đình, công việc không thường xuyên hoặc theo thời vụ mà trong đó, mạng lưới an sinh rất mỏng manh, đôi khi thậm chí không có, còn thu nhập thì thấp.
Tại các nước đang phát triển, thời gian làm việc rất dài nhưng thu nhập vẫn không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Có thể thấy, chất lượng việc làm – chứ không chỉ số lượng – là một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Trong số những khuyến nghị dành cho các chính phủ, Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chính phủ các nước phải kết hợp tốt với khu vực tư nhân, nơi tạo ra 90% tổng số việc làm. Phải tìm ra cách tốt nhất giúp các doanh nghiệp và nông trại nhỏ phát triển”. Mặc dù vậy, để đảm bảo chất lượng của việc làm thì sự thấu hiểu về những thách thức cụ thể đặt ra cho từng vùng hoặc từng nước là rất quan trọng.
Có đến 6 trong sô 7 người tại Đông Âu và Trung Phi làm công ăn lương trong khi 4 trong số 5 người tại khu vực Châu Phi Hạ Xahara là nông dân. Có nhiều phụ nữ hơn nam giới làm những công việc không được trả lương hoặc lương thấp hơn tại các nước thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó tại các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình, phụ nữ thường tìm được nhiều việc làm công ăn lương hơn (tuy thu nhập của họ vẫn thấp hơn nam giới)…
Nhân khẩu học và các đặc điểm chính của từng loại hình quốc gia khác nhau cũng cần được nhận diện. Chú ý vào các đặc điểm chính của từng loại hình quốc gia khác nhau sẽ giúp xác định rõ hơn những loại việc làm đóng góp nhiều nhất cho phát triển trong từng trường hợp cụ thể. Đơn cử, một nước có nhiều thanh niên thất nghiệp phải đặt trọng tâm ưu tiên vào nâng cao tay nghề; còn tại các xã hội đang già hóa thì ưu tiên lại là áp dụng thời gian công tác dài hơn và các chính sách an sinh xã hội phù hợp với hoàn cảnh kinh tế…
Theo VietQ