Khởi đầu với rất nhiều biệt đãi về đất đai và vốn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã mau chóng bành trướng trên rất nhiều ngành. Và tái cơ cấu là hậu quả mà cả nền kinh tế phải xông vào “dọn dẹp” cho các tập đoàn.
Tập đoàn kinh tế: Việt Nam so với thế giới
Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước được bắt đầu ở Việt Nam vào năm 2005 với sự ra đời của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản và Tập đoàn Dệt may. Từ đó đến nay, mặc dù vẫn trong giai đoạn “thí điểm”, đã có tổng cộng 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập. Những tập đoàn này ngay lập tức trở thành những doanh nghiệp lớn nhất, đóng vai trò “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế. Nhiều văn kiện và phát biểu chính thức của Chính phủ nhấn mạnh rằng khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nói riêng, là công cụ để điều tiết vĩ mô, bình ổn kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Để hiểu rõ hơn về vị thế của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, bài viết đặt các tập đoàn này – phần chóp của những đỉnh cao chỉ huy trong nền kinh tế Việt Nam – trong mối quan hệ so sánh với các tập đoàn kinh tế (tư nhân và nhà nước) trong một số nền kinh tế khác ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh. Một tiêu chí so sánh đáng chú ý là mức độ đa dạng hóa của các tập đoàn.
Phạm vi bao phủ của các tập đoàn trong nền kinh tế có thể được đo lường bằng mức độ đa dạng hóa (hay phân tán) của tập đoàn, được tính bằng số ngành 2 chữ số theo hệ thống phân ngành kinh tế chuẩn Liên Hiệp quốc (ISIC) mà tập đoàn có hoạt động. (Theo ISIC, có tổng cộng 99 ngành 2 chữ số). Theo tiêu chí này, các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam có mức độ đa dạng hóa cao nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ được so sánh. Một tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam trung bình hoạt động trong 6,4 ngành 2 chữ số, trong khi con số này ở quốc gia có mức độ đa dạng hóa thứ nhì là Chile cũng chỉ là 5,1 ngành. Đáng lưu ý là hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam đều hoạt động trong các ngành rủi ro cao như bất động sản, tài chính, ngân hàng, tức những ngành không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của các tập đoàn.
Không chỉ trong những lĩnh vực hiển nhiên có tính đầu cơ và tìm kiếm đặc lợi như vừa kể trên, các tập đoàn kinh tế nhà nước còn sẵn sàng nhảy vào những lĩnh vực mà mình không hề có chuyên môn cũng như lợi thế so sánh. Ở thời kỳ mở rộng mạnh mẽ nhất, Vinashin từng có tới trên 400 chi nhánh, sản xuất từ sản phẩm tiêu dùng đến công nghiệp nặng. Hệ quả là nếu chỉ tính các chi nhánh mà các tập đoàn nhà nước sở hữu trên 50% thì trung bình một tập đoàn nhà nước của Việt Nam đã có tới gần 30 chi nhánh. Con số này còn nhiều hơn số chi nhánh của các chaebol (tập đoàn đa ngành, thường thuộc sở hữu gia đình) Hàn Quốc thời cực thịnh trước khủng hoảng tài chính châu Á và cao hơn 4 lần so với các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Trung Quốc.
Biệt đãi
Bằng cách nào mà các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam phát triển theo chiều rộng một cách nhanh chóng đến thế?
Về nguồn gốc hình thành, sự ra đời và mở rộng của các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam không có tính hữu cơ (tức lĩnh vực mới gần gũi với hoạt động kinh doanh cốt lõi và nhằm khai thác những thế mạnh sẵn có) hay nhằm giảm rủi ro (thông qua việc đa dạng hóa sang các lĩnh vực ít rủi ro hơn), mà chủ yếu do ý chí có tính chủ quan về chính sách của Chính phủ.
Về động cơ hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước, các văn bản chính thức của Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần rằng sự ra đời và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước nhằm phục vụ cho việc (1) quản lý vĩ mô, bình ổn kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; (2) công nghiệp hóa và thu hẹp khoảng cách công nghiệp với các quốc gia phát triển thông qua lợi thế kinh tế nhờ quy mô và (3) chuẩn bị đối diện với thách thức cạnh tranh hậu WTO. Tuy nhiên, đằng sau cả 3 động cơ này là một chủ trương xuyên suốt, đó là luôn luôn coi khu vực kinh tế nhà nước – mà trong lĩnh vực kinh doanh là doanh nghiệp nhà nước – đóng vai trò chủ đạo, chủ lực và chi phối trong nền kinh tế.
Với nguồn gốc, động cơ hình thành và phát triển như thế, các tập đoàn kinh tế nhà nước được hưởng rất nhiều biệt đãi của Chính phủ. Các tập này có thể mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động là nhờ vào nguồn tín dụng dồi dào với chi phí thấp, hoặc thông qua tín dụng nhà nước, thông qua các hình thức bảo lãnh tín dụng công khai hoặc ngầm ẩn. Số liệu về đòn bẩy nợ của các tập đoàn nhà nước cho thấy, vào năm 2005, trước khi các tập đoàn kinh tế nhà nước ra đời, tỉ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu trung bình của các tổng công ty mà sau này trở thành tập đoàn chỉ là 2,6. Tuy nhiên, đến năm 2010, khi Việt Nam ra khỏi bất ổn kinh tế vĩ mô, tỉ lệ này ở 12 tập đoàn kinh tế nhà nước không những không giảm mà còn tăng lên tới 3,2.
Nếu so sánh động thái này với các chaebol của Hàn Quốc trước và sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, có thể thấy 2 bức tranh rất khác nhau. Ở Hàn Quốc, bình quân tỉ lệ nợ so với vốn chủ hữu của 30 chaebol lớn nhất đã giảm rất mạnh từ 8,2 vào tháng 5.1997 xuống chỉ còn 1,5 vào năm 2006. Nguyên nhân là Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thức một cách sâu sắc rằng các chaebol là một nguyên nhân, thậm chí là nguyên nhân chủ chốt, dẫn đến cuộc khủng hoảng ở quốc gia này. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã buộc các chaebol phải tái cấu trúc toàn diện, trong đó một yêu cầu kiên quyết là giảm đòn bẩy nợ
Sự khác biệt về chiều hướng đòn bẩy nợ trước và sau khủng hoảng ở các tập đoàn của Hàn Quốc và Việt Nam nằm ở chỗ, nếu như ở Hàn Quốc các chaebol được coi là nguyên nhân của vấn đề thì dường như ở Việt Nam các tập đoàn kinh tế nhà nước lại được coi là giải pháp (thậm chí là cứu cánh). Do đó, sau đợt bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2008, thay vì phải thu hẹp phạm vi và quy mô, các tập đoàn kinh tế nhà nước lại được ưu ái tăng thêm nguồn lực để tiếp tục mở rộng. Số liệu thống kê cho thấy nếu như vào năm 2005, tổng dư nợ của 8 tổng công ty (sau này trở thành tập đoàn, gồm Dầu khí, Bưu chính Viễn thông, Điện lực, Than và Khoáng sản, Hóa chất,Công nghiệp Tàu thủy, Dệt may và Cao su) chỉ tương đương khoảng 21% GDP thì đến năm 2010, tổng dư nợ đã lên tới 36,5% GDP.
Tái cơ cấu: Bắt đầu từ việc xác định lại vai trò
Sau một phần tư thế kỷ kể từ Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác, trong đó quan trọng nhất là nền kinh tế trở nên rất mở và cơ cấu sở hữu đã thay đổi một cách cơ bản. Sự bừng nở của khu vực kinh tế dân doanh và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giúp tỉ lệ đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP lên tới gần 70%. Điều này có nghĩa là không thể dùng “hệ điều hành” cũ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cho một nền kinh tế mới.
Nhà nước cần phải xác định lại vai trò của mình, trong đó cần kiên định với nguyên tắc Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn và/hoặc không thể thực hiện. Đồng thời, cần thấu hiểu rằng thị trường là một thể chế song hành khách quan chứ không đơn thuần nằm dưới và chịu sự chi phối có tính tùy định của Nhà nước. Chỉ trên cơ sở phân nhiệm mạch lạc giữa Nhà nước và thị trường, Nhà nước mới có thể quyết định nên và không nên làm gì.
Trên cơ sở xác định lại vai trò của Nhà nước, cần xác định lại vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng chính là giải pháp gốc rễ nhất để giải quyết mọi vấn đề.
Chính phủ luôn khẳng định rằng, ở Việt Nam doanh nghiệp nhà nước là công cụ để Chính phủ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ góc độ lý thuyết cũng như thực tiễn, những lập luận này là không có cơ sở.
Về mặt lý thuyết, công cụ điều tiết vĩ mô và bình ổn kinh tế trong nền kinh tế thị trường là chính sách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu. Doanh nghiệp nhà nước là một tác nhân thị trường như muôn vàn doanh nghiệp khác, chịu tác động chứ không phải là một bộ phận của các chính sách điều tiết vĩ mô. Tất nhiên sẽ có người lập luận rằng với tư cách là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, số liệu thực tế lại không cho thấy điều này. Ngược lại, cái giá phải trả cho việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ bình ổn giá là rất lớn.
Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước chiếm vị trí độc quyền hoặc gần như độc quyền, không chịu áp lực cạnh tranh và do vậy kém hiệu quả.
Thứ hai, giá cả bị bóp méo, khiến việc phân bổ nguồn lực trở nên kém hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, giá cả sau một thời gian bị dồn nén buộc phải bung ra, từ đó tạo ra nhiều cú sốc lớn trong nền kinh tế.
Thứ ba, để neo giá nhằm kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp nhà nước hoặc yêu cầu Chính phủ phải trợ cấp và gánh những khoản bù lỗ khổng lồ hoặc chuyển gánh nặng sang vai doanh nghiệp khác và người tiêu dùng bằng những đợt tăng giá liên tiếp, như được minh chứng trong ngành điện lực và xăng dầu.
Không nên nhầm lẫn việc các doanh nghiệp nhà nước không tăng giá hay tăng giá ít như là đóng góp của họ. Bởi về bản chất, đây là trợ cấp của Nhà nước chứ không phải là công của doanh nghiệp nhà nước. Đấy là chưa kể cũng chính tình trạng trợ cấp này đã làm méo mó tín hiệu giá cả, khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ thấp thâm dụng năng lượng (do giá năng lượng được trợ cấp).
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh