Nhiều SV cho rằng chuyên viên PR là những người thời thượng, hào nhoáng, tiền rủng rỉnh trong túi và luôn tất bật với những chuyến bay đi khắp nơi để tổ chức những sự kiện lớn.
Nhưng chuyên viên Nguyễn Thanh Sơn lại cho rằng “Nghề PR thu nhập khá cao nhưng chịu áp lực công việc chỉ sau… lính cứu hỏa, tỉ lệ nghỉ việc là 50%.”
Buổi gặp gỡ diễn ra chiều 2/12 giữa những chuyên viên PR (quan hệ công chúng) tên tuổi và SV ĐH Kinh tế TP.HCM.
Nhiều SV kinh tế, đặc biệt là chuyên ngành marketing, đã đến tham dự cuộc chuyện trò này. Khách mời là hai chuyên viên PR: Nguyễn Thanh Sơn – giám đốc điều hành và Lâm Viết Hùng – chuyên viên tư vấn cao cấp Công ty Ogilvy PR (VN) khu vực phía Bắc.
Nhiều SV cho biết nghề PR hấp dẫn họ vì đang là một nghề mới mẻ và thời thượng. Anh Lâm Viết Hùng (từng là SV thủ khoa tốt nghiệp K21 marketing ĐH Kinh tế TP.HCM) nhìn nhận: “Nhiều SV hay bị ảnh hưởng bởi trào lưu, như mấy năm trước nghề marketing là rất hot, nay chuyển sang PR. Nhưng các bạn cần thấy rõ những gì đằng sau ánh hào quang để không thất vọng, để những khi bị khách hàng xúc phạm bạn có thể nhẫn nhịn vượt qua mà thay đổi tình hình.”
“Có những khách hàng gọi điện cho bạn vào 9 giờ đêm chỉ để cằn nhằn rằng bản thông cáo báo chí bạn vừa viết bị thừa một… dấu phẩy – Anh Sơn ví dụ – Chính vì vậy bạn phải trở thành chuyên gia, bạn phải giỏi hơn khách hàng ở lĩnh vực của mình, nếu không sẽ bị khách hàng điều khiển. Nhiều SV chúng tôi gặp không đủ kiên nhẫn bỏ ra một vài năm tìm kiếm kinh nghiệm để trở thành chuyên gia.”
Anh Hùng và anh Sơn nhận định ở VN, PR là một nghề tương lai rộng mở, ít nhất là trong 30 năm nữa vì còn nhiều lĩnh vực đang bỏ ngỏ như nghiên cứu, dự báo, tư vấn, phát triển thương hiệu và một phần quan trọng nữa là truyền thông đối nội. “27% doanh thu của một tập đoàn truyền thông lớn là từ nghiên cứu” – anh Sơn cho biết.
Vậy SV phải làm sao để trở thành chuyên viên PR? Ông Sơn đưa ra ba chữ I: insight (sự thấu hiểu), idea (ý tưởng sáng tạo), influence (gây được sự ảnh hưởng). Còn anh Hùng: “Bạn hãy quan hệ công chúng bằng tấm lòng chứ không phải bằng kỹ xảo.” Đây cũng là chuyện đạo đức nghề nghiệp vì quan trọng là bạn xây dựng những giá trị vô hình cho khách hàng chứ không chỉ là giúp họ bán được nhiều hàng.
Đến đây thì chính SV đã tự trả lời cho câu hỏi trên. Một bạn khẳng định: “Chuyên viên PR như vậy vừa là chiến binh, vừa là nghệ sĩ. Là chiến binh vì bạn phải thường xuyên chịu sức ép nên phải rèn luyện tranh đấu liên tục. Là nghệ sĩ vì bạn phải khéo léo xây dựng những mối quan hệ, ứng xử tình huống và làm thương hiệu thăng hoa”.
Và SV sẽ hướng đến nghề PR trong tương lai theo cái cách: “không làm việc cho các công ty, khách hàng, chỉ làm việc cho các thương hiệu mà thôi” – như lời anh Nguyễn Thanh Sơn nói.
Theo TTO