Tìm cách giải bài toán phân phối hàng Việt

Khi người tiêu dùng tiếp nhận thông tin hàng hóa qua các phương tiện truyền thông và có ý định mua thì câu hỏi đầu tiên của họ là “hàng bán ở đâu?”.
Điều đó cho thấy, ngoài sản phẩm tốt và truyền thông tốt, doanh nghiệp (DN) phải xây dựng được hệ thống phân phối tiện lợi cho người mua. Đây là một câu hỏi khó cho các DN sản xuất hàng Việt, đặc biệt là các DN nhỏ.
Không thể phủ nhận, 2-3 năm trở lại đây, hàng Việt đang “phủ sóng” rộng trên khắp thị trường từ thành thị đến nông thôn, đi kèm với nó là những chiến lược truyền thông khá bài bản.
* Thua về phân phối
Tuy nhiên, điều này mới chỉ diễn ra khá thuận lợi ở các DN lớn, có thế mạnh về vốn và kinh nghiệm, còn mạnh về phân phối nhất vẫn là các thương hiệu nước ngoài. Qua khảo sát tại nhiều chợ trên các địa bàn nông thôn Đồng Nai như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán…, người viết nhận thấy rõ điều này. Theo đó, hàng chục nhãn hàng từ hóa mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sữa… bày bán tại các chợ truyền thống nông thôn đang là sân chơi của những đại gia thương hiệu ngoại như: Procter & Gamble (P&G), Unilever, Pepsi, Coca – Cola, Kirin, Unza, Dutch Lady, Ajinomoto…
Nhiều tiểu thương cho biết, chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp là những điểm mạnh của các nhãn hàng này và thực tế là hiện tại, đa số tiểu thương các chợ truyền thống đang bán đến 70% hàng hóa có thương hiệu ngoại (phần lớn nhà máy đặt ở Việt Nam). Điều dễ nhận biết nhất là hàng hóa của họ vô cùng tiện lợi, dễ mua với những gói dầu gội, gói bột nêm, kem dưỡng da, cà phê, sữa tắm… giá chỉ 500 đồng và bán rất chạy. Mặc dù những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất của Việt Nam như: Vinamilk, Kinh Đô, Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát… đã mở rộng mạng lưới phân phối của mình một cách tích cực và rộng khắp, song nhìn chung nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng khác của Việt Nam vẫn loay hoay với việc thiết lập một mạng lưới phân phối riêng của mình. Về mặt chăm sóc đại lý và các tiểu thương bán hàng, hàng hóa “thuần Việt” cũng chưa thể sánh ngang với hàng của các tập đoàn nước ngoài đóng tại Việt Nam mà tiêu biểu là 2 tên tuổi “khổng lồ” Unilever và P&G.

* Đầu tư cho lâu dài
Tuy khó, song nhiều DN sản xuất hàng Việt khi được hỏi đều khẳng định, muốn có chỗ đứng lâu dài trên thị trường, không cách nào khác là phải nghĩ cách đầu tư, cải thiện khâu phân phối hàng hóa. Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F ban đầu khá vất vả với khâu xây dựng hệ thống phân phối cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến của mình, đến nay nhãn hàng D&F đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn như: Big C, Co.op Mart, Metro, Lotte, Citimart… Song ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy nhận xét, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm là một trong những thách thức lớn nhất của DN bên cạnh những khó khăn khác như sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đầu tư truyền thông…
Chợ truyền thống hiện vẫn đang chiếm ưu thế trong phân phối hàng hóa nói chung, đặc biệt ở địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, tiếp cận và xây dựng hệ thống phân phối bài bản ở các chợ là điều không dễ với nhiều DN.
Theo đó, các yếu tố như thời gian, tiền bạc và kinh nghiệm khi muốn xây dựng khâu phân phối chuyên nghiệp là những đòi hỏi lớn nhất cho các DN sản xuất hàng Việt Nam nói chung. Trong đó, yếu tố chi phí là khá nặng nề, bởi với một DN có thị phần chưa lớn như D&F, xây dựng hệ thống cửa hàng riêng phải rất cẩn trọng vì phải đầu tư khá tốn kém. “Mặc dù vất vả, nhưng muốn tồn tại lâu dài, DN nhất thiết phải quan tâm xây dựng tốt khâu phân phối. Hiện tại, ngoài hệ thống siêu thị, D&F còn phải đầu tư cho hệ thống 4 cửa hàng riêng, ngoài ra phải nhắm đến những đầu mối phân phối khác trong tương lai để mở rộng thị phần” – ông Phương nói.
Tương tự, nhãn hàng Lothamilk (Bò sữa Long Thành) hiện cũng đang tích cực mở rộng khâu phân phối trên 3 phương diện: siêu thị, khách hàng hợp tác (đại lý) và hệ thống cửa hàng riêng. Theo đó, cả 3 mảng phân phối này đều được quan tâm ngang bằng nhau vì mỗi mảng có một thế mạnh riêng trong việc tiếp cận khách hàng. Đại diện Lothamilk cho biết, ngoài việc cung ứng hàng liên tục, chăm sóc kỹ lưỡng hệ thống phân phối cũng hết sức quan trọng do mặt hàng sữa đòi hỏi phải luôn tươi mới, sạch bằng cách rà soát hàng ngày lượng hàng bày bán tại các đầu mối phân phối, kịp thời tiếp ứng hàng mới. Hiện tại, nhãn hàng sữa này đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phía Nam, miền Trung và một số tỉnh miền Bắc.

Theo Vi Lâm