Những lỗi nghiêm trọng trong lý lịch xin việc

Việc cập nhật lý lịch đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc tìm việc của bạn. Tuy nhiên, không ít người xin việc xem nhẹ điều này và chỉ chuẩn bị bản lý lịch sơ sài vào phút cuối.
Để có cơ hội tìm được được chỗ làm mong ước, bạn cần tránh tám điểm sai sót sau đây khi viết lý lịch:
1. Thiếu thông tin liên hệ
Ngay cả ở đại học, lắm lúc thầy cô vẫn dặn dò sinh viên: “Đừng quên ghi tên mình ở đầu trang bài thi” vì đôi lúc họ gặp một bài làm hoàn chỉnh mà chẳng biết của ai. Rối rắm với đám kiến thức trong đầu, sinh viên ấy đã quên cả việc ghi tên mình, chuyện căn bản cần làm trước tiên.
Tương tự, người tuyển dụng lắm lúc nhận được một bản lý lịch đầy ấn tượng, có tên họ nhưng chẳng để lại địa chỉ email hay điện thoại khiến họ không biết liên lạc với ai. Tuy thế, khác với người thầy, người tuyển dụng sẽ không bỏ thời gian tìm cách liên lạc với ứng viên.
2. Phạm lỗi chính tả
Hãy tưởng tượng bạn đang tiếp một vị khách mới gặp lần đầu. Khách ngồi đối diện với bạn, thao thao bất tuyệt về gia đình, học vấn, công việc, chợt bạn nhìn thấy một mẩu trứng rán còn dính vào môi khách. Mẩu trứng rán hẳn làm bạn xao lãng, không còn để ý đến những gì khách đang nói.
Tương tự, lỗi chính tả trong bản lý lịch bộc lộ nhiều sơ suất của bạn, chẳng hạn như không biết tham khảo từ điển, hấp tấp không kiểm tra lại những gì đã viết hay thiếu hiểu biết về phép xã giao trong kinh doanh.
Những sơ suất trên sẽ khiến nhà tuyển dụng không tập trung vào bản lý lịch của bạn vì đầu óc mãi nghĩ ngợi điều này điều nọ về bạn và cơ may có được việc làm của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
3. Quá nhiều / quá ít thông tin
Nhà tuyển dụng phải xem xét hàng chục, có khi hàng trăm bản lý lịch gởi đến. Do vậy đừng trộn lẫn các thông tin cần thiết với các thông tin không quan trọng. Ví dụ, đừng liệt kê các công việc bạn làm cách đây cả mười năm nếu chúng chẳng hỗ trợ gì các mục tiêu công việc hiện tại, đặc biệt nếu bảng lý lịch thiếu chỗ.
Điều ngược lại cũng không hay chút nào. Nếu bị rút gọn quá mức, bản lý lịch sẽ có nhiều điều chưa rõ cũng như để lộ nhiều câu hỏi không có câu trả lời.
Đừng hi vọng được mời phỏng vấn nếu bản lý lịch của bạn chỉ liệt kê chức vụ mà chẳng đề cập gì những trách nhiệm bạn từng đảm đương hay bạn không làm nổi bật các kỹ năng nghề nghiệp của mình. Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không có kinh nghiệm gì để kể và chỉ xem qua hồ sơ của bạn cho có mà thôi.
4. Hình thức màu mè, rối rắm
Hồ sơ xin việc thường được nộp trực tiếp hay bằng đường thư tín, vì vậy các chuyên gia khuyên ứng viên không nên sử dụng các loại giấy màu sắc sặc sỡ hoặc trang trí với những hình ảnh không phù hợp tính chất công việc.
Người xin việc cũng nên cẩn thận không lạm dụng các mẫu chữ kiểu cọ, hoa hòe khi viết lý lịch. Nếu máy vi tính của người tuyển dụng không có những chương trình tương tự như máy của bạn, bảng lý lịch trang trí kiểu cọ ấy sẽ biến thành một đám ký tự hỗn độn.
Hãy trình bày giản dị, nội dung đâu ra đó để bảo đảm người tuyển dụng đọc được bản lý lịch của bạn.
5. Nói dối
Khi chuẩn bị bản lý lịch, bỗng nhiên bạn thấy vị trí mình định xin vào quá cạnh tranh và nảy ra ý muốn làm gì đó để nổi bật hơn những ứng viên khác. Thế là bạn đột ngột tăng một năm làm trợ lý trưởng phòng thành hai năm làm phó giám đốc nhân sự.
Vấn đề ở đây là nhà tuyển dụng dễ dàng nhận ra sự thiếu thành thật của bạn. Hơn nữa, khi nói dối về kinh nghiệm làm việc, bạn sẽ đụng chạm đến nhiều người khác. Người phỏng vấn có thể hỏi qua những vị sếp cũ của bạn, đồng nghiệp hay khách hàng trước kia của bạn, có nghĩa bạn phải chuẩn bị một loạt bằng chứng để thuyết phục lời nói dối đầu tiên của mình.
6. Thiếu tập trung
Thông tin nào trong bản lý lịch cũng phải thể hiện bạn là ứng viên thích hợp nhất đối với vị trí đang tuyển. Bất luận sử dụng phương thức nào, một bảng tóm lược mục tiêu hay nghề nghiệp và tiếp theo sau là quá trình học vấn hoặc kinh nghiệm công tác, bạn cũng cần chứng tỏ mình viết bảng lý lịch này chỉ dành riêng cho vị trí tuyển dụng đó.
Người tuyển dụng sẽ đánh giá thấp khi nghĩ rằng bạn viết cả trăm bản lý lịch giống nhau để gởi đến bất kỳ công ty nào có vị trí trống.
7. Chăm chăm vào lợi ích bản thân
Bản lý lịch đề cập về bạn nhưng không phải để gởi cho bạn. Hãy tự hỏi xem người tuyển dụng muốn tìm kiếm ứng viên ra sao cho chức vụ đang trống, sau đó tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó.
Nếu đưa ra mục tiêu ở đầu trang, đừng nói bạn muốn có một công việc lương cao, bổng lộc nhiều. Thay vì thế hãy thuyết phục vì sao tài năng của bạn sẽ mang lại lợi ích cho công ty, những điều người khác không thể làm được.
8. Không còn chỗ trống
Một bản lý lịch dày đặc chữ với chữ sẽ khiến người đọc thấy ngán ngẩm và mỏi mắt. Hãy chừa chỗ trống giữa các phần, đồng thời sử dụng các loại dấu chấm hoa thị đầu dòng để người đọc không bị rối lên với những đoạn văn dài dường như không có chỗ kết.

Theo Tuổi Trẻ / Career Builder