Những ai từng tới Philippines, chắc chắn đều có dịp vào thăm các trung tâm mua sắm nổi tiếng của Tập đoàn bán lẻ SM Prime Holdings hoặc nghe về danh tiếng “vua” bán lẻ Henry Sy.
Không chỉ được biết tới với khối tài sản 2,7 tỷ USD và vị trí Chủ tịch của Tập đoàn bán lẻ SM Prime Holdings, Henry Sy còn là một trong những doanh nhân kiểu mẫu hàng đầu Philippines với sự hội tụ đầy đủ những đức tính cao đẹp hiếm thấy trên thương trường.
Khởi đầu trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, bằng nghị lực phi thường cùng khả năng tính toán tài tình, từ một lái buôn vô danh, Henry Sy đã làm một cuộc “cách mạng” tại thị trường bán lẻ của Philippines và bước lên đỉnh cao của sự nghiệp.
Bước vào thương trường với một cửa hiệu nhỏ bán lẻ giầy thời trang, bằng ý tưởng “sẽ nhân rộng các cửa hiệu để tạo thành một hệ thống lớn”, sau hơn 6 thập kỷ lao động không biết mệt mỏi, Henry Sy đã xây dựng thành công tập đoàn bán lẻ SM Prime Holdings.
Tới nay, SM Prime Holdings là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của châu Á và thế giới, bao gồm một mạng lưới 33 trung tâm bán lẻ hoạt động ở Philippines, Trung Quốc và đảo Guam. Và theo số liệu thống kê tháng 1 năm 2008, số lượng khách tới các trung tâm thương mại của SM Prime Holdings trung bình là 2 triệu lượt người mỗi tuần.
Doanh nhân với nhiều đức tính đẹp
Vào đầu năm 2008, không chỉ người dân Philippines mà cả báo giới quốc tế đều dồn hết sự chú ý vào trung tâm thương mại lớn thứ 6 thế giới SM Mall of Asia, nơi tổ chức buổi lễ vinh danh “anh hùng” của “ông trùm” bán lẻ Henry Sy mang tên “Giấc mơ”.
Một điều khá đặc biệt là nhân vật trung tâm của buổi lễ phải ngồi trên xe đẩy để tiếp khách vì đôi chân đã quá mỏi mệt sau hơn 60 năm liên tục sải bước trên thương trường. Mặc dù buổi lễ được tổ chức tại một trung tâm thương mại SM Mall of Asia nhưng mục đích hoàn toàn không phải để quảng cáo hay quảng bá hình ảnh của Tập đoàn SM Prime Holdings mà là để tỏ lòng kính phục của gia đình, giới doanh nhân, người dân Philippines đối với Henry Sy cũng như cuộc đời và sự nghiệp đầy hiển hách của ông.
Với tổng số khách mời lên tới 1.500 người, trong đó có sự tham dự của hầu hết những doanh nhân hàng đầu Philippines và châu Á như SGV Founder Washington SyCip, Manuel V. Pangilinan, Senen Mendiola, Eduardo Yu, Jaime Augusto Zobel de Ayala, Oscar Lopez, Ramon del Rosario Sr và Lucio Tan, buổi lễ đã phần nào cho thấy uy tín và tầm ảnh hưởng của Henry Sy tại Philippines.
Bên cạnh tài năng và những thành công to lớn của cá nhân mình, “Vua bán lẻ” Henry Sy còn là một nhà quản lí xuất chúng, một hình mẫu về đức tính cần cù, sáng tạo và tinh thần vượt khó.
Tháng 1 năm 1999, Henry Sy được tổ chức Makati Business Club bầu chọn là “Nhà quản lí của năm” và tặng danh hiệu “Tiến sỹ danh dự” của Trường De La Salle University-Manila. Đặc biệt, những thành quả mà ngày nay ông có được từ hai bàn tay trắng trước đây đã để lại cho thế hệ đi sau những bài học kinh nghiệm quý giá.
Nói tới những thành công của Henry Sy, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ tới sự nghiệp kinh doanh hay những hoạt động mang tính cộng đồng hơn là cuộc sống gia đình của ông. Cuộc sống vất vả và những năm tháng khó nhọc đã giúp Henry Sy trở thành một người cha mẫu mực cùng một phương pháp giáo dục con cái đáng phải học tập.
Mặc dù nắm trong tay khối tài sản khổng lồ nhưng ông không bao giờ tạo cho các con những ý nghĩ về sự hưởng thụ hay ỷ lại, mà thay vào đó là làm việc trong những môi trường làm việc như bao người khác. Henry Sy luôn tôn trọng thiên hướng nghề nghiệp của các con và không bao giờ ép buộc phải theo nghiệp kinh doanh của gia đình.
Tất cả những người con của Henry Sy là Tessie, Elizabeth, Henry Jr., Hans, Herbert và Harley ngay khi tốt nghiệp đều được ông nhận vào làm việc như bất kỳ một nhân viên bình thường nào tại doanh nghiệp để trải nghiệm và thấy được giá trị của lao động.
Tham vọng của một cậu bé nghèo
Mặc dù thành công tại Philippines nhưng Henry Sy lại là niềm kiêu hãnh của không chỉ người dân Philippines mà của cả người dân Trung Quốc. Sinh ngày 25/12/1924 tại Phúc Kiến, Triết Giang, Trung Quốc, khi còn nhỏ, Henry đã sớm thể hiện những tố chất thông minh hơn hẳn những người bạn cùng lứa trong cả học tập lẫn những cuộc chơi.
Ước mơ lớn nhất của cậu bé khi đó là trở thành một thương gia để có thể thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Henry Sy từng tâm sự “Không có một tham vọng nào khác, tôi chỉ mơ ước trở thành một một thương gia ngay từ khi còn là một cậu bé”.
Vì lẽ đó mà khi mới tròn 12 tuổi, Henry Sy một mình trên chiếc thuyền vượt biển sang Carlos Palanca, Quiapo, Manila, Philippines – nơi bố cậu đang bán hàng tại một cửa hiệu nhỏ để giúp việc. Khi gặp bố, Henry Sy đã òa lên khóc vì tận mắt chứng kiến cuộc sống quá vất vả của ông.
Cho đến bây giờ, Henry Sy vẫn còn nhớ như in buổi tái ngộ đầy cảm động đó: “Tôi đã khóc khi thấy điều kiện sống quá chật vật của bố. Hàng ngày, ông đều phải dậy từ rất sớm đi mua hàng ở một số nơi, sau đó về bán lẻ cho tới tận tối khuya và sau đó ngủ luôn tại quầy tính tiền. Chính những nỗi khó khăn, cực nhọc đó của ông đã giúp tôi học được bài học quý giá đầu tiên về đức tính cần cù, tiết kiệm và kỷ luật trong công việc”.
Bất chấp những khó khăn tại môi trường sống hoàn toàn xa lạ, càng làm việc, Henry Sy càng bị những công việc kinh doanh nhỏ tại cửa hiệu cuốn hút. Cậu luôn tập trung học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm từ người cha và sau đó áp dụng luôn cho công việc tại cửa hiệu. Một thời gian sau đó, Henry Sy quyết định nhập một số loại giày về bán lẻ trên vỉa hè tại Azcarraga.
Với suy nghĩ “cần phải tích cực lao động và tạo được những nguyên tắc cho bản thân mới có thể thay đổi được mọi thứ”, Henry Sy vừa bán hàng vừa tranh thủ thời gian đi học thêm tiếng Anh. Sau thế chiến thứ II, công việc kinh doanh mặt hàng giày có xu hướng phát triển mạnh, nhờ vậy, từ khoản tiền tiết kiệm được, Henry Sy quyết định đầu tư toàn bộ vào mở rộng kinh doanh bằng cách sang Mỹ nhập một số loại giày giá rẻ về bán.
Ngoài cửa hiệu là địa điểm bán chính thức, Henry Sy còn mang giày tới các nhà ga, bến xe để bán lẻ. Vì thế, lượng hàng bán ra tăng nhanh và những khoản lợi nhuận cũng lớn dần theo. Tới năm 1958, từ số vốn tích lũy được cộng thêm khoản tiền đi vay của Ngân hàng China Bank, Henry Sy đã mở cửa hiệu giày đầu tiên mang tên Shoemart tại Avenida Rizal. Là người hiếu học, Henry Sy từng đăng ký vào học tại khoa kinh tế của Trường đại học Far Eastern, tuy nhiên, do quá bận rộn với công việc kinh doanh nên ông đã phải bỏ dở việc học tập.
Với tham vọng nhân rộng và xây dựng chuỗi các cửa hiệu bán lẻ, với Shoemart, Henry Sy tập trung vào đẩy mạnh mặt hàng giày đồng thời cho nhập thêm quần áo về bán. Cùng với đó, ông còn đầu tư mua thêm cửa hiệu mới để mở rộng mạng lưới phân phối.
Tới năm 1970, Henry Sy đã có trong tay tổng cộng 4 cửa hiệu bán lẻ giày và quần áo thời trang. Nhằm tạo ra sự thu hút đặc biệt đối với khách hàng và sự khác biệt với những cửa hiệu khác, Henry Sy chủ động xây dựng các cửa hiệu của mình theo mô hình hiện đại cùng một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp trong khâu phục vụ khách.
Nhờ đó, thương hiệu Shoemart ngày càng được người tiêu dùng biết tới là một địa chỉ bán lẻ tin cậy hàng đầu tại Manila. Tới năm 1972, với mục tiêu “Sẽ làm thay đổi cách mua sắm của người dân”, Henry Sy tiến tới thành lập doanh nghiệp bán lẻ Shoemart và chính thức mở đầu cho chiến dịch xâm chiếm thị trường bán lẻ trong và ngoài nước.
Thành công từ ý tưởng “điên rồ”
Bước vào thập niên 80, mặc dù tình hình chính trị trong nước vẫn còn nhiều bất ổn song mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, kéo theo nhu cầu mua sắm ngày một lớn hơn. Phát hiện thấy tiềm năng khai thác rất lớn đó, Henry Sy nghĩ ngay tới việc xây dựng hẳn một trung tâm thương mại đầu tiên tại Philippines.
Khi biết về ý tưởng đó của Henry Sy, nhiều người đã cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ và sẽ thất bại vì đất nước đang bất ổn cả về chính trị lẫn kinh tế, cộng thêm nhu cầu của người dân chưa cần tới sự xuất hiện của một trung tâm thương mại. Tuy nhiên, bằng ý chí quyết tâm và những dự đoán rất chính xác của mình, Henrry Sy vẫn quyết định thực hiện; và tới năm 1983, trung tâm thương mại đầu tiên mang tên SM City – North EDSA đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Trái ngược hẳn với những dự đoán ban đầu của nhiều người, ngay khi khai trương, SM City – North EDSA đã thu hút được một lượng khách khổng lồ tới mua sắm, giải trí và trở thành một hiện tượng tại thị trường bán lẻ Philippines.
Sau thành công ban đầu tại trung tâm thương mại đầu tiên, Henry Sy tiếp tục chuẩn bị cho chương trình nhân rộng mạng lưới các trung tâm thương mại ra các tỉnh thành của Philippines. Nhằm tạo nguồn lực cho chiến lược dài hạn của doanh nghiệp, Henry Sy đã thành lập Tập đoàn bán lẻ SM Group và tiến hành các chương trình thu hút vốn đầu tư có sự tham gia của hàng loạt các tên tuổi lớn gồm: Watsons Personal Care Stores Inc, Hutchison- Whampoa Ltd, International Toy World, Ace Hardware Philippines, Star Appliance Center, Surplus Shop, Sports Central, Baby & Co và Home World.
Từ cuối thập niên 80 đến nay, lần lượt các trung tâm thương mại SM City Sta. Mesa, SM Megamall, SM City Cebu, SM City Southmall, SM City Bacoor, SM City Iloilo, SM City Manila, SM City Pampanga và SM City Bicutan… đã được xây dựng và đi vào hoạt động tại hầu hết các tỉnh thành lớn của Philippines, từ Manila, Bulacan, Laguna, Cavite, Batangas, Quezon, Pampanga, Baguio, Angeles, Cebu, Iloilo tới Davao, Bacolod và Cagayan de Oro. Năm 2008, SM Group dự tính sẽ tiếp tục khai trương 5 trung tâm thương mại mới là SM Marikina, SM Baliuag, SM Rosales, SM Nagtahan, SM Vito Cruz.
Mặc dù không có được điều kiện học tập bài bản về quản lí kinh doanh như nhiều doanh nhân khác nhưng trên cương vị người đứng đầu Tập đoàn SM Group, Henry Sy lại chứng minh được tài năng xuất chúng về phương pháp quản lí doanh nghiệp. Chính ông đã trực tiếp tuyển về cho doanh nghiệp những nhà quản lí tài năng như Teresita, Hans, Herbert, Elizabeth và Harley.
Cùng với đó, khi các trung tâm thương mại được khai trương, để tạo lập sự đa dạng, cuốn hút đối với khách hàng, bên cạnh lĩnh vực bán lẻ, Henry Sy còn tập trung vào phát triển các loại hình dịch vụ như tài chính, giải trí, du lịch. Nhờ đó, các trung tâm mua sắm của SM Group đã thu hút dược ngày càng đông khách hàng trong và ngoài nước. Henry Sy cũng là một trong những người có nhiều đóng góp nhất cho chiến lược phát triển lĩnh vực du lịch của Philippines.
Khép lại những thành công thị trường nội địa, Henry Sy còn tiếp tục hướng sang khai thác thị trường Trung Quốc. Bằng chiến lược đầu tư tổng thể, theo kế hoạch, tới tháng 9 năm 2009, SM Group sẽ đồng loạt hoàn thành 4 dự án trung tâm thương mại tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, khi tiến vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, SM Group sẽ gặp phải sự cạnh tranh trực tiếp của các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới là Walmart, Carrefour và Metro. Đây sẽ là một thử thách không nhỏ đối với SM Group. Tuy nhiên, với một người luôn coi “Tâm điểm kinh doanh là trở ngại và sức ép cạnh tranh” như Henry Sy thì trong thời gian tới, nhiều khả năng SM Group sẽ lại trở thành đối thủ đáng gờm nhất của những tên tuổi lớn trên.
Theo Mạnh Tuấn