Cách đây ba năm, khi khởi động chương trình Internet trường học bằng cách đưa ADSL miễn phí tới gần 30.000 trường trên cả nước, không nhiều người tin Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ kiên định với chương trình này.
Vì, với kinh phí lên tới hơn 300 tỷ đồng/năm, số tiền phải bỏ ra là quá lớn, mà hiệu quả đầu tư cho việc quảng bá thương hiệu trước mắt sẽ không thể bằng được việc chi số tiền đó cho hoạt động quảng cáo.
“Nếu chi 300 tỷ đồng một năm cho quảng cáo thì hình ảnh của Viettel sẽ phủ sóng ở mọi nơi, với tần suất dày đặc. Mức độ nhận biết thương hiệu trong tâm trí khách hàng của Viettel chắc chắn sẽ ở mức cao hơn rất nhiều so với việc bỏ số tiền đó để thực hiện chương trình xã hội như Internet trường học”, một chuyên gia về thương hiệu có tiếng đã bình luận như vậy khi Viettel khởi động chương trình này.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2010, tập đoàn này đã hoàn thành việc đưa Internet băng rộng tới gần 30.000 trường học trên cả nước. Đây được coi là thành tích ngoạn mục của một chương trình xã hội với ngành công nghệ thông tin và viễn thông, khi Viettel đã đưa được Internet băng rộng đến cả những huyện, xã cực kỳ khó khăn.
Tập đoàn này cũng tiếp tục chiến lược phủ sóng di động tại tất cả các huyện nghèo trên cả nước, trong đó có những nơi còn chưa có điện. Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) là một nơi điện lưới quốc gia chưa phủ tới nhưng sóng di động của nhà mạng này đã tràn ngập ở nơi đây. Dù hơn 50% số dân vẫn nằm trong diện hộ nghèo, nhưng điện thoại di động ở đây đã được người dân dùng phổ biến.
Ở địa phương này, nếu xét về mức độ nhận biết thương hiệu, Viettel có lẽ đạt mức độ “cực cao”, bởi người dân ai cũng biết đến chương trình giảm nghèo mà tập đoàn này thực hiện, và cũng bởi Viettel là hãng viễn thông đầu tiên đem di động giá rẻ đến với dân nghèo.
Tuy nhiên, cũng không có nhiều chuyên gia về marketing đánh giá cao hiệu quả về nhận biết thương hiệu Viettel tại những vùng này, bởi chi phí bỏ ra lớn và những khách hàng yêu thích thương hiệu Viettel ở đây cũng quá… nghèo. Dù yêu thích đi nữa, nhưng họ cũng không rủng rỉnh tiền chi dùng cho viễn thông, hầu giúp Viettel có lãi.
Năm 2009, khi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng, các chương trình quảng bá thương hiệu thông qua quảng cáo bị Viettel thu hẹp, chỉ làm những hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn tiếp tục triển khai một số chương trình xã hội lớn và bổ sung thêm chương trình 30A của Chính phủ (giảm nghèo nhanh, bền vững) tại 3 huyện cực nghèo gồm Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đắc Rông (Quảng Trị) với kinh phí lên tới 46 tỷ đồng.
Nên xét về tổng thể, việc Viettel tiếp tục đầu tư những khoản ngân sách lớn cho các chương trình xã hội, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nghe có vẻ giống một hành động “ngược dòng”.
Việc cắt giảm ngân sách marketing so với các đối thủ trong bối cảnh thị trường viễn thông cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu xảy ra, có thể sẽ khiến Viettel gặp bất lợi trong việc duy trì và tăng độ nhận biết thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Song, lãnh đạo của Viettel có những suy nghĩ và cách lý giải riêng của họ.
Thiếu tướng Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốcViettel, nói: “Viettel hoạt động có lãi lớn trong những năm vừa qua là do sự ủng hộ của cả xã hội. Bởi vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm quay trở lại làm cho xã hội tốt lên, và đó chính là sự đầu tư cho tương lai”.
Ông Tính đúc kết: “Với khách hàng, Viettel mong chạm được vào trái tim của họ bằng những chương trình xã hội có ý nghĩa, hơn là thông qua quảng cáo”.
Câu hỏi được đặt ra ở đây, là marketing hướng vào trái tim có hiệu quả hơn trí não hay không? Huyền thoại đương đại về marketing của thế giới là Phillip Kotler nói rằng, tiếp thị là trận chiến trong tâm trí người tiêu dùng, mặc dù cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện để xác minh về hiệu quả của marketing với trái tim và marketing nhằm xâm chiếm trí não.
Dù sao thì sau hết, bất chấp mọi luận cứ cao siêu, nếu có ngày càng nhiều doanh nghiệp làm marketing “với trái tim”, thì đơn giản là những người nghèo, những số phận kém may mắn trong xã hội, sẽ ngày càng đón nhận thêm cơ hội.
Theo Marketingchienluoc