Hàng Việt “thua” hàng Trung Quốc ở nông thôn, vì sao?

“Người nông thôn không cần biết đến chủ trương nào cả, họ chỉ cần nhìn thấy hàng hóa và sản phẩm là họ mua. Cứ đưa hàng Việt chất lượng và giá phù hợp về nông thôn đi, dần dần họ sẽ sử dụng thành quen” – bà Vũ Kim Hạnh cho biết. 

Nông thôn là thị trường của hàng Trung Quốc
Bên lề buổi tọa đàm “Để người Việt gần hơn với hàng Việt”, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: “Việc các doanh nghiệp Việt Nam xưa nay quen với việc xuất khẩu và buôn bán trong đô thị nên không hiểu được nhu cầu, thói quen sử dụng của người tiêu dùng (NTD) nông thôn. Sự bỏ ngỏ của các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đối với thị trường vùng nông thôn vừa là thiếu sót, vừa là thiếu trách nhiệm trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trên thực tế, lâu nay nông thông được cho là thị trường của hàng Trung Quốc. Về vấn đề này, bà Hạnh nhìn nhận: “Tôi e rằng nếu chúng ta không tổ chức những phiên chợ hàng Việt ở nông thôn một cách nghiêm túc, thật chuyên nghiệp và chỉn chu mà để tái diễn những hình ảnh không hay như trò chơi trúng thưởng, cờ bạc, hàng ngoại nhập tràn lan trong các phiên chợ hàng Việt tại nông thôn như năm vừa qua thì lợi bất cập hại.
Theo tôi, các chuyến hàng Việt đưa về nông thôn không chỉ đơn thuần là kích cầu, cũng không phải là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng mạng lưới phân phối mà phải tạo được hiệu ứng lan tỏa về hình ảnh hàng Việt Nam đối với NTD nông thôn”.
“Sau gần 3 năm hoạt động, đã có 65 phiên chợ hàng Việt ở 23 tỉnh/thành trên cả nước. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt tham gia phân phối đạt 56,229 tỷ đồng và 995.000 lượt NTD đến chợ. Đối với thị trường nông thôn, chúng tôi đã bắt được tín hiệu ban đầu về sự đón nhận hàng Việt của NTD. Nếu như các doanh nghiệp có sự chẩn bị, đầu tư đầy đủ và chăm chút hơn cho thị trường nông thôn với những sản phẩm có chất lượng, giá cả phải chăng thì tôi tin chắc rằng hàng Việt sẽ đẩy lùi được hàng Trung Quốc và hàng ngoại nhập khác” – bà Hạnh khẳng định.
Liên quan đến hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A chia sẻ: “Mấy hôm trước, tôi đến siêu thị Nguyễn Kim mua một chiếc điện thoại hiệu Nokia khá ưng ý, nhưng sau đó lần mò ra thì tôi phát hiện thấy chiếc điện thoại Nokia đó dán mác “made in China”. Sự vô lí này thúc giục tôi tiếp tục tìm hiểu và nhận thấy rằng dù là điện thoại mang thương hiệu Philips, Nokia, Samsung hay Ipad… thì cũng đều xuất xứ từ Trung Quốc, bởi vì có tới 40% sản phẩm điện thoại trên thế giới được sản xuất ở Trung Quốc”.
Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc về Việt Nam từ 2007 đến tháng 4/2011 là 12, 7 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu là các loại hóa chất, linh kiện điện tử, ti vi, máy móc, thiết bị phụ tùng, phân bón, sắt thép, vải và xăng dầu…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cung cấp những con số “khủng” để chứng minh về sức tăng trưởng của hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam: Trong 4 tháng đầu năm 2010 tổng giá trị nhập khẩu hàng Trung Quốc là 1,7 tỷ USD và 4 tháng đầu năm 2011 là 1,95 tỷ USD.

Mấu chốt nằm ở thu nhập
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thừa nhận: “Hiện nay việc xác định thế nào được coi là hàng Việt và thị trường nông thôn vẫn chưa thực sự được chú trọng. Dù thời gian qua, những hoạt động đi vào thị trường nông thôn đã được triển khai rất nhiều song có thể thấy con số 80% thị trường nông thôn rộng lớn vẫn chưa được khai thác hết. 
Đây là bài toán không dễ đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực của toàn xã hội, sự chung tay của cả doanh nghiệp, nhà quản lý và các hiệp hội. Sau nhiều chương trình phân phối hàng về nông thôn, chúng tôi nhận thấy, vì sao nhu cầu của bà con nông dân là rất lớn, song, họ vẫn chưa thể tiếp cận với hàng Việt nhiều hơn, chính là bởi, thu nhập của họ vẫn còn quá thấp”.
Về vấn đề giải pháp, bà Loan cho hay: Gia tăng thu nhập cho bà con là một trong những yếu tố cần thiết để người dân nông thôn tiếp cận được với hàng Việt nhiều hơn. Nếu không có tiền, bà con không thể có phương tiện thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Cần khôi phục hệ thống hợp tác xã thương mại – trước đây là những hệ thống chân rết xuống tận các phường, xã. Do đó, vai trò của Liên minh hợp tác xã cũng rất quan trọng trong chương trình này”. 
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Cần tập trung xây dựng một chiến lược cho hàng hóa Việt Nam, chiến lược ấy không mang tính đối phó do khủng hoảng kinh tế dẫn tới xuất khẩu suy giảm phải quay về thị trường nội địa mà hướng tới tạo lập một không gian đầy đủ cho tự do kinh doanh, sản xuất, cho sáng tạo để thị trường sẽ dẫn dắt doanh nghiệp tồn tại và phát triển, trên nguyên tắc thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu của NTD Việt Nam”.
Trong nền kinh tế thị trường lĩnh vực phân phối là sự kết nối sống còn giữa nhà sản xuất và NTD, hoạt động của lĩnh vực này ảnh hưởng mạnh đến NTD. Hiệu quả của mức độ cạnh tranh giữa các nhà phân phối sẽ dẫn tới việc giảm giá bán hàng hóa có lợi cho tiêu dùng xã hội, giảm được sự méo mó trong cơ cấu giá hàng hóa lưu thông trên thị trường.
“Trong lúc thu nhập của đại bộ phận NTD Việt Nam còn thấp thì họ rất quan tâm đến yếu tố giá cả hàng hóa, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng đầu tư chiều sâu tiết kiệm sản xuất nâng cao năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm, chú trọng phân khúc thị trường theo sức mua có khả năng thanh toán. Cần tiêu chuẩn hóa hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, nâng tầm dần đến tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế” – ông Phú nhấn mạnh.

Theo Marketingchienluoc