Nhà quản trị trọng nhân tài sẽ chiến thắng

Nhà nghiên cứu người Mỹ Alvin Toffer từng khẳng định: “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất, chỉ có trí tuệ con người khi sử dụng không những không mất mà còn lớn lên”. Doanh nghiệp (DN) nếu tận dụng và phát huy được trí tuệ con người sẽ tạo nên sự khác biệt, dễ dàng bứt phá trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay.
Một khi bài toán nhân lực được giải, DN sẽ có thêm sức mạnh, tạo nên sự khác biệt, gia tăng năng lực cạnh tranh
Vấn đề là DN phải giải bài toán nguồn nhân lực như thế nào?

Giữ chân người lao động
Một thực tế làm không ít DN “đau đầu”, đó là tình trạng “nhảy việc” của người lao động. Tác hại trước mắt là khiến DN mất một khoản chi phí cho việc tuyển dụng và đào tạo. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty May mặc Đại Việt chia sẻ: “Thường chỉ có 40% lao động được tuyển dụng trụ lại sau thời gian đào tạo.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến DN vì mất chi phí dạy nghề, lương và cả phí sinh hoạt cho người lao động”. “Nhảy việc” còn gây nên những xáo trộn tình hình nhân sự, dẫn đến sản xuất – kinh doanh không ổn định và cuối cùng là ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của công ty.
Theo phân tích của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo và Thông tin nhu cầu nhân lực TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến “nhảy việc”: Đầu tiên là do chênh lệch về tiền lương trong một khu vực hoặc mỗi ngành nghề. Kế đến có thể là do điều kiện làm việc ở môi trường khác tốt hơn. Bên cạnh đó là những vướng mắc với DN hoặc là do nhu cầu phát triển nghề nghiệp của người lao động. 
Kết quả khảo sát thực trạng quản trị DN Việt Nam năm 2011 cho thấy: Chi phí cho nhân sự ở các DN chiếm tỷ lệ rất thấp trong doanh thu và giá thành, chỉ dưới 5%, đồng thời, năng suất lao động bình quân của người lao động về doanh thu và lợi nhuận cũng tương đối thấp, trong khi đó, tiền lương luôn tăng nhanh. Đây sẽ là gánh nặng đối với DN, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế khó khăn, lạm phát đang tăng cao như hiện nay.
Phải nhìn thẳng vào một thực tế là vấn đề “nhảy việc” của người lao động phần lớn xuất phát từ chính DN, mà ở đây là chính sách lương bổng và môi trường làm việc. Do đó, để giữ chân người lao động, cần tạo môi trường làm việc tốt để họ có được thu nhập hợp lý nhằm ổn định cuộc sống và phát triển được nghề nghiệp.

Một trong những biện pháp được nhiều DN áp dụng là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động tốt hơn, có chế độ lương bổng, ngày nghỉ hợp lý và đặc biệt là xây dựng mối quan hệ bền vững giữa chủ và thợ. Chính sách này tỏ ra khá hiệu quả với các DN nhỏ và vừa, như ở Công ty Pouchen (Q. Bình Tân, TP.HCM).

Trước đây, bình quân mỗi tháng, Công ty có khoảng 1.600 công nhân nghỉ việc, nhưng đã giảm đáng kể từ khi áp dụng chính sách mới.

“Tìm ngọc trong đá”
“Một người lo bằng cả kho người làm” – câu ngạn ngữ này khá phù hợp trong quản trị DN bởi một tập thể mạnh cần có người tài để dẫn dắt đi đúng hướng. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn phải cắt giảm nhân lực và tiết kiệm chi phí như hiện nay, một người giỏi sẽ bằng cả “một kho” người bình thường.

Nhà quản lý giỏi không những có khả năng lãnh đạo mà còn biết tổ chức đội ngũ chuyên gia, giúp gia tăng năng suất công việc. Đồng tình với nhận định này, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân Pace, cho biết, nếu có được người tài, DN sẽ giải quyết được khó khăn nhanh chóng, ngược lại, sẽ càng tạo thêm khó khăn.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như ngày nay, các DN Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với cả thế giới. Trong cuộc đua khá khốc liệt này, DN cần “quốc tế hóa trình độ về nhân lực”, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình.
Các DN thường “săn đầu người” để gia tăng sức mạnh nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chi phí cho những nhân lực chất lượng cao thường không nhỏ, cộng thêm tình trạng khan hiếm người tài trong khi các DN “cạnh tranh” để thu hút họ.

“Một trong những biện pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng đó là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động tốt hơn, có chế độ lương bổng, ngày nghỉ hợp lý và đặc biệt là xây dựng mối quan hệ bền vững với người lao động”.

Cuộc đua này dễ làm các DN nhỏ và vừa “hụt hơi” khi phải cạnh tranh mức phí với các DN lớn cũng đang “đi săn”. Giải pháp này cũng không mang tính lâu dài vì khả năng nhân lực chất lượng cao thay đổi việc làm khi có những đề nghị tốt hơn không phải là không có.
Về lâu dài, DN cần có chiến lược nhân sự rõ ràng và phải đào tạo họ trong nhiều năm. Theo ông Giản Tư Trung, giải pháp “Tìm ngọc trong đá” sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao.

Trước tiên, DN cần tìm được những ứng viên tiềm năng thông qua các chương trình như quản trị viên tập sự để tuyển những sinh viên xuất sắc, sau đó là tổ chức đào tạo cho đội ngũ này hướng tới vị trí quản lý. Phương pháp này cũng thường thấy ở các tập đoàn đa quốc gia.

Các DN Việt Nam nếu áp dụng được chiến lược này, chắc chắn sẽ tạo được sự ổn định và sức mạnh từ chính đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong cuộc đua với các công ty nước ngoài.

Theo Nhuongquyenvietnam