Quản lý bằng phục vụ

Nhiệm Chính Phi, người sáng lập và cũng là CEO của Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei. Ông là niềm tự hào của nhiều doanh nhân trẻ tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này. Để quản lý một tập đoàn khổng lồ với hàng ngàn nhân viên, ông có một triết lý thật đơn giản: Quản lý = Phục vụ
Thế nào là trách nhiệm và sứ mệnh của một người quản lý?
“Cha đẻ của quản lý hiện đại” Peter F. Drucker cho rằng, người quản lý phải nắm vững phương hướng hoạt động của công ty đó, phải tìm hiểu tỉ mỉ sứ mệnh, định hướng mục đích cũng như nguồn vốn sẵn có của công ty. Từ đó những cống hiến của họ mới hiệu quả thiết thực. Cũng từ đây, ông đưa ra một định nghĩa: người quản lý là người cống hiến và trách nhiệm với những kết quả đạt được cuối cùng của công ty.

Đương nhiên, Nhiệm Chính Phi cũng có đồng quan điểm với Peter F. Drucker.

Trong bài “Lá cờ đỏ Huawei có thể tung bay bao lâu?”, Nhiệm Chính Phi chỉ rõ, công ty lựa chọn nhân tài quản lý tuân theo một quy tắc đó là trách nhiệm với xã hội (theo nghĩa hẹp). Giới hạn trong nghĩa hẹp là bởi Nhiệm Chính Phi cho rằng Huawei không cần người quản lý trách nhiệm với xã hội theo nghĩa rộng như một chính trị gia tài năng.

(Theo nghĩa hẹp) trách nhiệm với xã hội không phải lấy tất cả việc của thiên hạ để nhận trách nhiệm về mình, cũng không phải lấy chuyện buồn của thiên hạ làm chuyện buồn của mình. Nói đến trách nhiệm với xã hội ở đây là nói đến xã hội nội bộ trong công ty. Một nhân viên ưu tú sẽ cảm thấy trách nhiệm và sứ mệnh của mình rất lớn, hơn thế nữa họ sẽ cảm nhận những thành tựu sẽ đạt được trước những mục tiêu sắp tới của công ty. Lấy mục tiêu đó làm động lực làm việc, tập trung sức lực phục vụ để sớm hoàn thành. Và việc phục vụ đó chính là trách nhiệm với xã hội theo nghĩa hẹp.

Nhiệm Chính Phi đưa ra một định nghĩa cực kỳ đơn giản cho người quản lý công ty: quản lý = phục vụ. Người quản lý là người phục vụ hết mình để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, là người thúc đẩy nhân tài trong công ty phát huy tài năng và tiềm lực phục vụ.

Theo Hoàng Oanh