Tìm tòi suy nghĩ mỗi ngày để có kết quả cao

Ông Inamori là nhà sáng lập Tập đoàn Kyocera nổi tiếng thế giới. Ông là một doanh nhân được nhiều giải thưởng quốc tế và cũng là người sáng lập ra giải thưởng Kyoto, được đánh giá là không thua kém giải Nobel. Ông là một doanh nhân mà cả thế giới ngưỡng mộ và kính phục.
Sau đây là một trong những lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp

Người tài hay mắc bệnh chủ quan, hay có xu hướng thấy trước những trở ngại khó khăn, họ ghét kiểu đi chậm, chắc của loài rùa, thích những bước nhảy nhanh như thỏ. Cũng bởi do quá sốt ruột với thành công, không ít người tài bị hụt chân ở nơi mà họ không ngờ tới.

Từ trước đến nay, có rất nhiều người giỏi giang, đầu óc nhanh nhạy vào làm việc tại Công ty Kyocera. Nhưng rồi phần lớn trong số đó bỏ đi vì cho rằng không có tương lai ở công ty này. Những người ở lại là những người bình thường, có phần chậm chạp và cũng không có khả năng để tìm nơi làm mới.

Nhưng mười năm sau, hai mươi năm sau, những người chậm chạp ấy đầu trở thành những nhân vật chủ chốt, lãnh đạo các phòng ban. Tôi chứng kiền rất nhiều trường hợp như vậy.

Điều gì đã khiến những người bình thường như họ trở thành xuất sắc?

Đó là khả năng âm thầm nỗ lực không biết mệt mỏi hoàn tất từng công đoạn, từng việc của họ. Nói cách khác, là khả năng sống hết mình cho từng ngày, tích lũy thành tựu từng ngày. Họ tiến bộ từng bước từng bước, từng ngày từng ngày một cách nỗ lực nghiêm túc, cẩn thận, không chọn con đường dễ dàng.

Khả năng biến giấc mơ thành hiện thực, hoàn tất ý tưởng đã biến những người vốn bình thường trở thành những người phi thường.

Bền bỉ là sức mạnh nhưng không có nghĩa là cứ lặp đi lặp lại công việc một cách thụ động. Bền bỉ khác với lặp đi lặp lại. Hôm nay phải làm tốt hơn hôm qua. Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay. Ngày kia phải làm tốt hơn ngày mai. Tinh thần tìm tòi sáng tạo sẽ làm gia tăng tốc độ đến với thành công.

Có lẽ tôi cũng mắc bệnh của người làm kỹ thuật, luyện cho mình thói quen trăn trở, đòi hỏi ở mình: Như thế mà chấp nhận được hay sao? Có thể làm tốt hơn không? Với sự trăn trở đòi hỏi không ngừng như vậy, chúng ta sẽ tìm ra vô số khía cạnh sáng tạo trong những công việc nhỏ nhoi hàng ngày.

Tôi lấy ví dụ đơn giản: Việc quét dọn vệ sinh, từ trước đến nay các nhân viên vẫn dùng cây chổi cọ nhà thì sẽ thế nào? Hoặc chấp nhận tốn tiền một chút mua máy dọn vệ sinh, kết quả sẽ ra sao? Điều tôi muốn nói ở đây là thường xuyên suy nghĩ các thao tác sao cho hợp lý, bắt đầu công việc từ đâu để gọn gàng và dứt điểm. Có như vậy, công việc mới hiệu quả, kể cả thời gian và chất lượng. Giữa người bắt tay vào công việc với tinh thần tìm tòi cải tiến, dù công việc nhỏ đến mấy, và người chỉ biết dập khuôn, về lâu về dài, giữa hai người sẽ có một khoảng cách xa đến kinh ngạc. Một người có thể trở thành giám đốc công ty còn người kia vẫn chỉ là công nhân quét dọn mà thôi.

Hôm qua đã nỗ lực tìm tòi suy nghĩ, hôm nay lại nỗ lực thêm. Hôm qua đã tiến, hôm nay cố gắng tiến thêm một chút nữa. Siêng năng chịu khó suy nghĩ để hôm nay tốt hơn hôm qua, dần dần sẽ tạo ra bước nhảy vọt.

Bí quyết của thành công là không đi lại những con đường đã quá quen thuộc.

Theo Hoàng Oanh