Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng xem bạn sẽ phục vụ khách hàng của mình như thế nào. Bạn muốn tổ chức của mình tạo ra ý nghĩa gì? Nhiều người coi điều này là câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao” hoặc một thông báo sứ mệnh của tổ chức.
Tạo ra một thông báo sứ mệnh là nhiệm vụ đầu tiên doanh nhân phải hoàn thành. Tuy nhiên, đây lại thường là một quá trình gian nan, mệt mỏi và đôi khi không hiệu quả. Điều này càng không thể tránh khỏi khi một nhóm nhiều người được giao nhiệm vụ để tạo nên một cái gì đó có thể làm cho một số đông người hơn (bao gồm cả nhân viên, cổ đông, khách hàng và đối tác) hài long.
Điểm yếu cơ bản nhất của thông báo sứ mệnh là mọi người muốn nó phải hoàn mỹ và toàn diện. Kết quả là nó trở thành một trò đùa dài dòng, tầm thường, nhàm chán và vô dụng. Trong cuốn sách Sách về thông báo sứ mệnh, Jefferey Abrams đã đưa 301 ví dụ về thông báo sứ mệnh cho thấy các công ty đang viết những thứ giống y hệt nhau. Cụ thể, đây là một phần trong danh sách những từ thường xuyên xuất hiện trên các thông báo sứ mênh của các công ty trong cuốn sách của Abrams:
· Tốt nhất: 94 lần
· Cộng đồng: 97 lần
· Khách hàng: 221 lần
· Tuyệt hảo: 77 lần
· Người đứng đầu: 106 lần
· Chất lượng: 169 lần
Thay vì tạo ra một thông báo sứ mệnh và những rắc rối để tạo ra nó, bạn hãy tạo ra một câu thần chú cho tổ chức của mình. Có thể định nghĩa thần chú là:
Một câu nói ngắn gọn được nhắc đi nhắc lại khi cầu nguyện, khi ngồi thiền, khi niệm chú, giống như câu thần chú của một vị thánh, một lời khấn mầu nhiệm hay một chữ, một phần của Kinh Thánh chứa đựng những quyền năng bí ẩn.
Câu thần chú như vậy mới tuyệt vời làm sao! Liệu có bao nhiêu thông báo sứ mệnh khuấy lên được những sức mạnh và xúc cảm như vậy?
Sự hấp dẫn của thần chú là mọi người đều chờ đợi nó sẽ ngắn gọn và đi vào lòng người. (Câu thần chú ngắn nhất thế giới là một từ trong tiếng Hindu, Om). Có thể bạn sẽ không bao giờ phải viết câu thần chú đó ra, công bố trong những bản báo cáo hàng năm, hay in nó trên những áp phích quảng cáo. Thực tế, nếu bạn định đưa câu thần chú này ra bằng những cách trên thì đó chưa phải là câu thần chú phù hợp.
Dưới đây là năm ví dụ minh họa cho sức mạnh của một câu thần chú phù hợp:
· Thành tích thể thao đích thực (Authentic Athletic Performance) (Nike)
· Giải trí gia đình (Fun Family Entertainment) (Disney)
· Đáng từng giây phút (Rewarding Every Moment) (Starbucks)
· Suy ngẫm (Think) (IBM)
· Chiến thắng là tất cả (Winning is Everything) (Vince Lombardi’s Green Bay Packer)
Hãy so sánh câu thần chú của Starbucks “Đáng từng giây phút” với thông báo sứ mệnh của công ty, “Đưa Starbucks trở thành nhà cung cấp sản phẩm cà phê tuyệt hảo nhất thế giới đồng thời giữ vững các nguyên tắc trên con đường phát triển”. Cái nào dễ nhớ hơn?
Hãy tưởng tượng ai đó hỏi bố mẹ bạn hay người đón tiếp tại quầy lễ tân nơi bạn đang làm việc về công việc tổ chức bạn đang làm. Liệu có thể là gì tốt hơn câu thần chú gồm sáu từ “Thành tích thể thao đích thực”?
Theo Vân Anh