Thương mại điện tử Việt Nam chưa cất cánh, vì sao?

Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử lớn ở châu Á với lượng người tiêu dùng trẻ đông đảo, nhưng thị trường này vẫn còn đang “say giấc”, bài viết mới đây trên tờ Bangkok Post của Thái Lan cho hay.
Theo bài báo, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy việc sử dụng Internet và thương mại điện tử trong suốt thập niên vừa qua, đã giúp “dân số” lĩnh vực này tăng lên. Việc mua bán trực tuyến đã trở nên phổ biến trên các mảng hàng hóa và dịch vụ như vé máy bay, tour du lịch, đặt phòng khách sạn, hàng điện tử, điện thoại di động, máy tính, sách vở, hoa và nước hoa.
Việc thanh toán và vận chuyển cũng đã trở nên thông thoáng hơn, đáp ứng được nhu cầu của người mua, dù khá nhiều người trong đó vẫn còn chưa có thẻ tín dụng. Các hình thức thanh toán ở Việt Nam hiện khá đa dạng, từ chi trả trực tuyến, chuyển khoản ngân hàng cho tới trực tiếp trao tiền khi nhận hàng từ tay người bán.
Hiện ở Việt Nam, một phần ba dân số đang sử dụng Internet và khoảng 60% trong đó lên mạng tìm kiếm thông tin về các sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Quá trình thâm nhập của Internet ở Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, với tỷ lệ trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2000 đến 2010 là 20%.
Bangkok Post dẫn kết quả một cuộc thăm dò do Bộ Công Thương tổ chức gần đây cho thấy, trong số 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc tham dự điều tra, có tới 60% đơn vị chấp nhận phương thức kinh doanh B2B (trong đó 95% chấp nhận đơn đặt hàng trực tuyến). 1/3 số doanh nghiệp nói rằng, thương mại điện tử chiếm từ 15% trở lên tổng thu nhập của họ.
Hiện giao dịch thương mại điện tử chiếm 2,5% GDP của Việt Nam, tương ứng với gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt tới 6 tỷ USD vào năm 2015, báo trên cho hay.
Tuy nhiên, Bangkok Post nhận định, bất chấp tiềm năng lớn như vậy, tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam đang bị kiềm chế. Sự thiếu tin tưởng vào việc mua bán trên mạng cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến đã trở thành thách thức chính khiến thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thể nào thực sự cất cánh.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các yếu tố từng kìm hãm thương mại điện tử vài năm trước, như hạ tầng công nghệ thông tin, khung pháp lý, đã được khắc phục. Các rào cản hiện nay là lòng tin của người tiêu dùng, về bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ người tiêu dùng, về giải quyết tranh chấp trong giao dịch mua bán trực tuyến.
Mặc dầu việc thanh toán hiện có thể đã trở nên dễ dàng nhờ sự hợp tác giữa các trang thương mại điện tử và các ngân hàng, song chúng vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ ở Việt Nam.
Nói là vậy, Bangkok Post cho rằng, nhiều công ty, tập đoàn lớn nước ngoài đã nhìn ra cơ hội kinh doanh to lớn trong ngành công nghiệp mới nổi này ở Việt Nam, quốc gia có gần 90 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang ngày một tăng trưởng. Các hãng toàn cầu như Google, Alibaba, Rakutan, eBay và Amazon đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ tại thị trường Việt Nam.
Tháng 6/2012, Google đã trở thành một thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Hãng dự kiến sẽ xây dựng quan hệ kinh doanh trực tuyến với các thành viên khác. Google cho biết hãng kỳ vọng thu được 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường Việt Nam, hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Alibaba và eBay cũng đã chọn đại diện chính thức của họ tại Việt Nam. eBay mua 20% cổ phần trong Peacesoft Solution, đơn vị sở hữu trang chodientu.com, còn Alibaba lại chọn Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB làm đại diện ở Việt Nam. Hai đại gia khác là Amazon và Rakuten cũng đang tiến gần tới việc thiết lập quan hệ đối tác hoặc mua cổ phần trong các hãng thương mại điện tử Việt Nam.

Theo Nhuongquyenvietnam