Ma lực của tin đồn và cách biến nó thành cơ hội

Trong kỷ nguyên Internet, tin đồn trở thành công cụ truyền “mốt” và ngày càng tung hoành mạnh mẽ với sức lan tỏa khủng khiếp hơn bao giờ hết.
Tin đồn ra đời cùng thời kỳ của Kinh thánh và đến ngày nay, điều khác biệt duy nhất so với trước đây là nhân loại có truyền thông kỹ thuật số, hỗ trợ lan truyền tin đồn nhanh hơn và phạm vi rộng hơn. Không khó để bắt gặp chuyện các phương tiện truyền thông, các phát ngôn viên đưa ra “nhận định”, “tiết lộ”, “nghi án” khiến dư luận quan tâm, lo ngại, sửng sốt, để rồi sau đó, là “điều tra”, “kết luận”, “đính chính” thậm chí là “phản bác” thông tin đưa ra ban đầu.

Tin đồn là gì?

“Tin đồn là sự suy xét một sự vật / sự việc trong quá khứ, trong hiện tại và tương lai” – Robert L.Dilenschneider (Trong cuốn PR theo kiểu Mỹ).

Tin đồn có thể chính xác có thể không. Nghiên cứu của nhà tâm lý học Nicholas DiFonzo chỉ ra rằng, rất nhiều tin đồn liên quan đến công việc hóa ra lại là sự thật.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ một cán bộ của Bộ Thông tin – Truyền thông, đến 46% thông tin được đưa ra trên các phương tiện truyền thông là sai sự thật. Đây là một con số thực sự khủng khiếp nếu tính về thiệt hại gây ra nếu những thông tin này được sử dụng.

Trong những tình huống ngày càng biến động và mơ hồ, thì tin đồn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và càng có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn. Bất kỳ ai cũng có thể bị cuốn vào vòng xoáy ma lực của tin đồn, đây là điều phổ biến đối với toàn nhân loại và càng có nhiều người không biết sự thật thì tin đồn càng phát triển mạnh.

Tin đồn tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, có thể xuất hiện từ một cuộc nghiên cứu nhạy cảm để lấy thông tin, các phóng sự điều tra theo nguồn thông tin, sự rò rỉ thông tin nhằm điều tra phản ứng của công chúng trước một ý tưởng, những nỗ lực nhằm gây tổn hại cho địch thủ hay những âm mưu lũng đoạn thông tin để tư lợi – thường là về tài chính.

“Tác dụng” của tin đồn
Điều không thể phủ nhận, dù đúng hay sai, tin đồn đã trở thành công cụ khá hữu dụng trong nhiều trường hợp để người ta đạt được những mục đích nhất định.

Thu nhận thông tin về cách mọi người đón nhận một kế hoạch: Đây là cách thường được các nhà lãnh đạo áp dụng một cách bí mật nhằm điều tra ý kiến của công chúng, mức độ ủng hộ và lường trước thái độ trước khi đưa ra một quy định mới hay bổ nhiệm ai đó. Thủ thuật này được gọi là “tiết lộ thông tin” – một hành động chuẩn mực trong công việc liên quan đến sự nhẹ dạ của con người, các quan điểm nhìn nhận và sự chú ý của giới truyền thông.

Đối phó với đối thủ cạnh tranh: Đây là cách được áp dụng như một vũ khí chiến lược nhằm “đâm sau lưng” đối thủ. Những tin đồn này có thể đúng hoặc không đúng nhưng thường sẽ gây tổn hại đến hình ảnh của đối thủ.

Tạo ảnh hưởng hoặc điều khiển các sự kiện nhằm tư lợi cá nhân: Kỷ nguyên Internet trở thành môi trường cực kỳ thuận lợi để tiếp tay lan truyền tin đồn. Chúng ta có thể thấy rõ các chiều hướng hoạt động của thị trường chứng khoán trước các tin đồn, việc hô hào về một tin tức liên quan đến một công ty sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán của công ty đó. Cho đến khi mọi chuyện sáng tỏ, những kẻ phao tin có thể đã kiếm chác được từ tin đồn nói trên.

Các thủ thuật đối phó với tin đồn

Công việc đối phó với tin đồn mang nhiều tính nghệ thuật hơn là lý thuyết suông. Nó đòi hỏi người đối phó phải tỉnh táo và khéo léo để lật ngược tình thế bất lợi mà tin đồn gây ra.

Cách hữu hiệu để ngăn chặn tin đồn là “đi trước đón đầu” hoặc “lấp đầy thông tin”. Thủ thuật này đòi hỏi bạn phải loải bỏ mọi nguy cơ có thể phát sinh tin đồn , bằng cách cung cấp thông tin cụ thể và những bài phân tích chi tiết cho tất cả các khách hàng/đối tác và phải dự đoán trước được các mối quan tâm.

Những tin đồn “tốt”: đây là những kiểu tin đồn mang lại ưu thế cho tổ chức, có thể ở dạng suy đoán trong các phòng họp hay bảng thông báo về hoạt động bảo trợ của tổ chức đó. Thông thường, các công ty thường cố tình để “rò rỉ” thông tin nhằm nâng cao danh tiếng. Trường hợp này, thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt.

Những tin đồn có thể gây hại cho tổ chức:
Chuẩn bị kế hoạch ứng phó: Bản kế hoạch này phải được lên cùng khi lên kế hoạch tổng thể cho trường hợp xảy ra khủng hoảng, phân công cụ thể người phát ngôn, đề ra quy trình phê duyệt các hoạt động liên quan đến pháp lý và cách thức, thời điểm công bố thông tin, thông điệp sẽ được truyền đi…

Thu thập và công bố thông tin xác thực một cách nhanh chóng và toàn diện: Trong trường hợp chưa thể xác thực ngay được, các phát ngôn viên của công ty cần sớm đưa ra lời ngỏ ý về việc sẽ công bố thông tin xác thực sớm nhất trong thời gian có thể.

Sử dụng chủ nghĩa biểu tượng: Thông qua những con số và so sánh cụ thể, song hành với hành động là một biện pháp hữu hiệu.

Cứu cánh từ bên thứ ba: Hãy tìm đến sự ủng hộ của bên thứ ba và đảm bảo việc điều tra (nếu có) từ một bên thứ ba phải thực sự có uy tín.

Những kẻ tung tin đồn có động cơ gì?

Jim Wieghart đã kết luận: “Khi tin đồn kéo dài dai dẳng, chúng ta phải tự hỏi: ‘Những người tung ra tin đồn thực sự muốn gì?’. Hãy tỉnh táo và đặt những câu hỏi sau đây khi phải đối mặt với tin đồn kéo dài dai dẳng:

Có phải vì chúng ta chưa đưa ra câu hỏi chính xác về việc chúng ta đang quan tâm nên không có câu trả lời đầy đủ cho vấn đề?

Mục tiêu của những kẻ tung tin đồn có liên quan đến vật chất không, ví dụ như việc làm, trở thành thành viên ban quản trị hay dàn xếp tài chính?

Khi số lượng tin đồn gia tăng có dẫn đến một vụ kiện bất lợi nào cho công ty không?

Những kẻ phao tin đồn liệu có lôi cả giới truyền thông vào cuộc không?

Biến tin đồn thành cơ hội

Ứng phó khéo léo với tin đồn không chỉ hóa giải những nguy cơ mà tin đồn có thể gây ra, đồng thời giúp cá nhân, tổ chức nổi danh nhanh hơn bao giờ hết.

Ví dụ kinh điển trong trường hợp này là Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton, trong khoảng thời gian cuộc hôn nhân của bà với nguyên Tổng thống Bill Clinton liên tục bị soi mói. Chính nhờ cách cư xử luôn bình tĩnh và giữ phong thái của một người bạn đời tận tụy, bà đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ từ phía công chúng. Điều quan trọng nhất ở đây là phẩm giá.

Lời khuyên hữu ích khi đối mặt với những tin đồn

Không bao giờ phản ứng lại gay gắt, điều này chỉ tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ công kích.

Mài giũa thông điệp trả lời và không ngừng lặp lại, củng cố thông điệp này trước công chúng.

Thể hiện lòng trắc ẩn với những kẻ công kích như một cách xoa dịu và giảm bớt sức mạnh của họ.

Ghi tên tất cả những người liên quan vào cùng một tờ giấy nhớ.

Chia sẻ những trải nghiệm và bài học rút ra từ những tình huống này cho đối tác/khách hàng của mình.

Cuối cùng, trước những sóng gió của tin đồn có thể ập đến doanh nghiệp bất cứ lúc nào, Adam Smith nhắc nhở chúng ta rằng, tính trung thực là chính sách tốt nhất, đặc biệt trong kinh doanh. Khi trung thực trong kinh doanh, bạn sẵn sàng bình tĩnh đương đầu với tin đồn thất thiệt và tìm cách ứng phó khôn ngoan nhất với những kẻ phao tin.

Theo Nhuongquyenvietnam