Logistics Việt Nam – “xây” thương hiệu

Chi phí logistics thuộc hàng cao nhất thế giới nhưng lại do nhân sự thiếu và chất lượng thấp. Thương hiệu vẫn là dấu hỏi. Nhưng từ lâu trên thế giới đây là một lĩnh vực rất phát triển với nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế VN trong những năm qua cùng với tổng kim ngạch XNK năm 2011 vượt mức 200 tỉ USD đang là tiền đề để ngành logistics phát triển, nhưng thực tế cho thấy, các DN logistics VN chưa tận dụng tối đa được lợi thế này. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn TS Đặng Vũ Thành – Tổng giám đốc Cty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans) xung quanh vấn đề này.
– Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên là do nhiều DN logistics VN chưa chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?
Hiện nay các tập đoàn quốc tế về logistics hầu như đã có mặt tại VN dưới nhiều hình thức. Họ mang đến kinh nghiệm hàng trăm năm cùng năng lực quản trị logistics tầm cao nên có thể chiếm lĩnh nhanh các thị trường mới nổi như VN. Các Cty đa quốc gia có ưu thế lớn ở hệ thống mạng lưới toàn cầu nên sức cạnh tranh và thương hiệu của họ mạnh hơn rất nhiều.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng nhiều DN VN chưa chú trọng trong đầu tư thương hiệu nên chưa tạo được sự quan tâm của khách hàng. Chúng ta cần xây dựng chiến lược thương hiệu với lộ trình dài hạn hơn mới có thể khẳng định được vị thế trên thị trường và tăng tỉ trọng nội địa trong việc đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trong nước.
– Logistics là một ngành kinh doanh đặc thù và còn non trẻ ở nước ta, có phải điều này gây ra những khó khăn trong việc khẳng định thương hiệu, thưa ông ?
Ngành dịch vụ logistics VN đã phát triển từ rất lâu nhưng chưa được chú trọng nên đến nay vẫn được đánh giá là ngành non trẻ. Các Cty đa quốc gia với bề dày kinh nghiệm về logistics đã “đổ bộ” vào VN khi nền kinh tế phát triển, điều đó tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ cho các DN Việt.
Thực tế là khi các thương hiệu logistics toàn cầu gần như đều đã có mặt tại VN thì nhiều thương hiệu Việt mới chú trọng đầu tư. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, khẳng định thương hiệu Việt không phải việc dễ dàng không chỉ trong ngành logistics mà ngay cả trong các lĩnh vực kinh doanh khác cũng vậy.
Tuy nhiên tính đặc thù của ngành logistics là liên kết quốc tế nên chúng ta có thể tận dụng một phần vị thế thương hiệu của nước ngoài để phát triển thương hiệu của chính mình. Chúng ta cần tận dụng tốt các cơ hội liên kết hơn là xét đến việc chúng ta còn quá non trẻ trong ngành dịch vụ này.
– Với kinh nghiệm của mình, ông có thể cho biết tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và đâu là giải pháp để xây dựng, phát triển thương hiệu cho ngành logistics VN và cho các DN dịch vụ logistics VN trong thời gian tới ?
Cần xây dựng chiến lược thương hiệu với lộ trình dài hạn hơn mới có thể khẳng định được vị thế trên thị trường và tăng tỉ trọng nội địa trong việc đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trong nước
Thương hiệu không chỉ là biểu tượng mà là “linh hồn” của DN và nó quyết định cảm nhận của khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, cổ đông về DN. Không chỉ trong ngành dịch vụ logistics mà các ngành khác cũng vậy.
Đối với các DN dịch vụ logistics, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay là việc làm hết sức cần thiết để khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Ngành logistics VN cần khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các DN thông qua việc tham gia trực tiếp và góp phần gia tăng chuỗi giá trị của các DN. Làm được như vậy khách hàng mới tin tưởng và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi còn các vấn đề logistics thì giao lại cho các DN logistics thực hiện. Về lâu dài hình ảnh thương hiệu Việt mới khẳng định được vị trí và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
– Sotrans là một trong những Cty hàng đầu của ngành logistics về giao nhận kho vận và dịch vụ kho. Ông có thể chia sẻ chiến lược giúp Sotrans có được thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế ?
Để có được thương hiệu mạnh trên thị trường, chúng tôi xây dựng chiến lược thương hiệu với việc phát triển có lộ trình từ ngắn hạn đến dài hạn.
Đối với từng giai đoạn chúng tôi có kế hoạch hoạt động và truyền thông rõ ràng. Giai đoạn đầu chúng tôi xây dựng thương hiệu thông qua việc khẳng định chất lượng dịch vụ của Sotrans trên thị trường và sau đó chúng tôi sẽ tận dụng các cơ hội liên kết quốc tế để phát triển thương hiệu. Tuy nhiên điểm mấu chốt của xây dựng thương hiệu phải bắt nguồn từ chất lượng dịch vụ mà Sotrans mang đến cho khách hàng. Cũng chính nhờ việc quan tâm hàng đầu đến chất lượng mà thương hiệu của Sotrans đã có được vị thế trên thị trường trong nước và từng bước khẳng định ra thị trường quốc tế.
Hiện Sotrans đã liên kết với hơn 20 hãng tàu lớn trên thế giới như CMA-CGM, Maersk line, Hapag Lloyd, Hyundai, APL, Evergreen… và các cảng lớn như SPCT, Tân cảng Cát Lái, VICT. Sotrans đã có hơn 1.000 khách hàng thân thiết, trong đó nhiều Cty đa quốc gia và các DN xuất khẩu lớn như Diethem, Cummins, Bia VN Angifish An Giang, Kimexco, Xi măng Hà Tiên…
– Xin cảm ơn ông !

Theo Thanh Thủy