Những chiếc ví, túi xách sành điệu và thời thượng làm bằng da trăn, có trang trí phụ tiết bằng da cá sấu… hiệu Gucci với giá vài ngàn USD luôn là sự săn đón của những khách hàng đẳng cấp, giàu có.
Đẳng cấp đến từ… da trăn
Những chiếc ví, túi xách sành điệu và thời thượng mang cái tên Gucci được bán với giá vài ngàn USD luôn là sự săn đón của những khách hàng đẳng cấp, giàu có. Giá cao nhưng vẫn có thể hấp dẫn được người tiêu dùng! Đó chính là một nghệ thuật và là kết quả của một chiến lược sản phẩm tốt.
Kể từ khi chuyển sang điều hành Gucci vào năm 2009, vị CEO Patrizio Di Marco đã nhấn mạnh ý tưởng của mình là phải tập trung vào việc sử dụng công nghệ thủ công và nguyên liệu quý hiếm để làm ra sản phẩm trước những nghi ngại cho rằng sự độc đáo của thương hiệu này đã giảm sút. Thêm vào đó, quyết định quan trọng của vị lãnh đạo này là tăng trung bình 30% giá bán cho các sản phẩm túi xách. Và chính điều này đã làm gia tăng doanh thu cũng như lợi nhuận của hãng cho dù cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc đã tác động nhiều đến hành vi người tiêu dùng.
Di Marco có nói trong một buổi phỏng vấn tại Paris rằng, điều quan trong là phải làm tất cả những gì có thể để giữ gìn cũng như củng bố lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của mình.
Hiện, thiết kế lô gô gồm hai chữ G của Gucci trở nên cuốn hút bởi chính sự giản dị của nó. Từ những chiếc túi xách được làm bằng da trăn, có trang trí thêm các phụ tiết bằng da cá sấu…cho đến những chiếc ví được đính đá đang trở thành những sản phẩm mê hoặc các khách hàng giàu có nhất, đam mê nhất mặc dù giá cho mỗi sản phẩm thì không hề nhỏ, thường là hàng ngàn, thậm chí là nhiều ngàn USD. Có khoảng 5% khách hàng tại Florence – trụ sở của hãng mang đến một phần không nhỏ đối với doanh thu của hãng.
“Đến với Gucci, nếu như bạn nhìn vào giá sản phẩm và sau đó nhìn vào sản phẩm, bạn sẽ nhận ra rằng chúng hoàn toàn xứng đáng. Chúng tôi đang cố gắng làm tốt nhất có thể để phục vụ các thượng đế của mình.”
Chiến lược tăng giá: Thành công và những con số
Doanh thu của hãng đã tăng lên 19% đạt kỷ lục 4,16 tỷ USD năm 2011 mặc dù doanh thu quý cuối chỉ tăng với tỷ lệ 12%- khá khiêm tốn so với các hãng cùng tập đoàn PPR. Tuy nhiên theo dự đoán của các chuyên gia thì việc tăng mức giá trung bình này sẽ giúp cho lợi nhuận của Gucci liên tục tăng và tăng đến 31,8% vào năm 2013.
Gucci sẽ vẫn duy trì được sức hút của mình trong năm nay như trong hai năm qua. Các sản phẩm làm bằng da chiếm 56% tổng doanh thu của hãng.
Gucci đang chủ trương đặt mục tiêu tăng tỷ lệ doanh thu bán hàng từ hình thức bán lẻ lên 74% . Nhiều hãng thời trang cao cấp cũng định hướng tập trung vào thị trường bán lẻ.
Tăng giá đi cùng với những sản phẩm đẳng cấp, cộng với chiến lược phân phối tích cực sẽ giúp cải thiện lợi nhuận của Gucci. Tuy nhiên sự thay đổi này cần phải có thời gian vì thực chất nhận thức của khách hàng không phải là cái gì đó dễ thay đổi trong ngày một ngày hai, Di Marco cho biết.
Thị trường châu Á lên ngôi
Châu Âu không còn là một bức tranh hoàn hảo của thế giới. Và với Gucci cũng vậy. Tại Ý, trước những diễn biến xấu về tình trạng nợ chính phủ, tháng 12 vừa qua, thủ tướng Mario Monti đã đưa ra chính sách kiểm soát gắt gao dòng lưu chuyển tiền mặt để tránh tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp, qua đó cải thiện tình hình tài chính công. Họ áp dụng quy định cấm giao dịch vượt quá 1.000 Euro và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của Gucci trong tháng 12 năm trước và tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, số lượng khách hàng tiềm năng nhất của Gucci vẫn thường xuyên lui tới cửa hàng để tìm kiếm sản phẩm cho mình vẫn rất ổn định. Điều này chỉ ra một thực tế là nỗ lực trong việc gắn bó hơn nữa với khách ruột là một chiến lược không tồi. Hơn nữa, sự gia tăng về số lượng du khách từ Trung Quốc, Nga và các nước khác cũng góp phần đáng kể thúc đẩy doanh thu của hãng.
Trong thời gian qua, Trung Quốc được xem là một thị trường khá tiềm năng cho các dòng sản phẩm cao cấp trong đó có lĩnh vực kinh doanh thời trang. Tại nước này, tình hình kinh doanh của Gucci sẽ khá sáng sủa trong năm nay.
Sau một thời gian thâm nhập vào thị trường này, hãng đã liên tục mở rộng phạm vi hoạt động. CEO Di Marco cho biết, “có lẽ chúng tôi cần suy tính và hoàn thiện lai tổ chức”. Thị trường lao động tại Trung Quốc chưa được phát triển nên có lẽ Gucci cũng phải mất công sức và thời gian để đào tạo một số lượng lớn nhân viên gồm 1.500 người.
Hãng sẽ tiếp tục mở thêm 45 cửa hàng vào năm nay. Trong số đó có 20 cửa hàng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản. Nhiều cửa hàng sẽ được mở tại các thành phố loại hai và loại ba. Nhiều dự án tái cấu trúc và đổi mới sẽ được thực hiện tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
“Thách thức đối với chúng tôi là phải làm sao để có thể duy trì sức mạnh cạnh tranh của mình khi khởi đầu một đơn vị kinh doanh mới”.Năm 2011, Gucci đã mở 59 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng trên thế giới lên con số 376 với 9.000 nhân viên.
Theo Hùng Ninh