Kinh nghiệm từ những người mua nhượng quyền thương mại (franchise) cho thấy, một thương hiệu nổi tiếng chưa đảm bảo cho sự thành công của thương vụ franchise.
Mua nhượng quyền cũng cần có chiến lược
Hàng năm, các thương vụ nhượng quyền ở khắp nơi trên thế giới đã tạo ra hàng chục triệu việc làm và đạt doanh thu hàng ngàn tỷ USD. Chỉ tính riêng tại Mỹ, năm 2011, ngành công nghiệp này đã tạo ra gần 18 triệu việc làm và có doanh thu 2,1 ngàn tỷ USD. Thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: KFC, Lotteria, Lee’s Sandwiches, Jollibee, BBQ, Pizza Hut, Bud San Francisco… tất cả đều thông qua hình thức nhượng quyền thương mại. Và đến năm 2014, theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải tháo gỡ hoàn toàn các rào cản trong thị trường bán lẻ thì cơ hội nhượng quyền thương hiệu có thể còn phát triển mạnh mẽ hơn.
Bà Nguyễn Phi Vân, người đã mua nhượng quyền thương mại thương hiệu Gloria Jean’s Coffees cho biết, sức hấp dẫn của việc mua nhượng quyền nằm ở những lợi ích như không phải mất nhiều tiền bạc, thời gian, tâm trí để xây dựng thương hiệu; có sẵn một mô hình kinh doanh thành công để áp dụng, đồng thời thừa hưởng kinh nghiệm, bí quyết tổ chức kinh doanh của bên nhượng quyền và thụ hưởng hiệu ứng chuỗi của hệ thống. Thế nhưng, cũng theo bà Nguyễn Phi Vân, để đưa thương hiệu ở nước ngoài vào hoạt động tại thị trường Việt Nam là việc không đơn giản. Chẳng hạn, Gloria Jean’s Coffees quá nổi tiếng tại Úc, chỉ cần bỏ vốn mua thương hiệu, sau đó mở cửa hàng hoạt động là yên tâm có doanh thu tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm bê nguyên mô hình tại Úc áp dụng cho Việt Nam đã mang đến kết quả không như kỳ vọng. Gloria Jean’s Coffees vẫn chưa thể tăng độ bao phủ thị trường như mong muốn dù lượng khách có tăng. Bà Vân kết luận, chỉ có thể áp dụng nguyên mẫu đối với những thương hiệu thật phổ biến trên khắp thế giới, còn thương hiệu chỉ được nhận biết tại một khu vực thì lại khác.
Sau 6 năm trải nghiệm với kinh doanh nhượng quyền thương mại, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ: công ty nhượng quyền chỉ bán cách quản lý kinh doanh, vì thế, việc xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, phù hợp với thị trường phải do chính người mua nhượng quyền quyết định. Một kinh nghiệm khác là phải có chiến lược mua nhượng quyền. Bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Công ty An Phước, quyết định mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin trong giai đoạn công ty gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng gia công cho Nhật – nguồn thu chính của công ty không còn, những đơn hàng nhỏ lẻ sang châu Âu thì không đáng kể. Giao dịch với Pierre Cardin trong thế bị động nên An Phước phải chấp nhận các điều khoản khắt khe, thậm chí bị ép như bản quyền chỉ ký 2 năm, mỗi lần tái ký phải tăng giá 20%.
Nhưng chính những điều học được từ bên nhượng quyền Pierre Cardin đã mang lại thành công bất ngờ với chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho An Phước. Bà Nguyễn Thị Điền chia sẻ: “Tôi chỉ chọn mua những mẫu cổ điển của Pierre Cardin vì không bao giờ lỗi mốt và mua những kiểu áo quần dành cho giới doanh nhân, văn phòng trong tầm tuổi từ 35 – 40 tuổi. Đây là giai đoạn định hình của con người, cần sang trọng, nhưng không thay đổi nhiều như giới trẻ và rất trung thành với thương hiệu”. Mặt khác, song song với việc mua nhượng quyền, bà Điền còn phát triển mẫu riêng của An Phước, đứng chung với thương hiệu Pierre Cardin trong cùng một cửa hàng. Đây cũng là một chiến lược giúp thương hiệu An Phước được nhìn nhận tương đương với Pierre Cardin tại Việt Nam.
Hiểu biết trước khi ký
Cho dù nhà nhượng quyền có mô hình kinh doanh tốt, thương hiệu mạnh cũng không chắc chắn là sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng
Ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn nhượng quyền Best Fortune gợi ý các bước đi mà một doanh nghiệp cần phải xem xét trước khi muốn kinh doanh nhượng quyền: Trước hết, nếu có ý định mua nhượng quyền, cần xác định rõ lĩnh vực lựa chọn và tự tin sẽ thành công. Một số chủ thương hiệu luôn yêu cầu bên dự định mua nhượng quyền cam kết phải toàn tâm toàn ý dành đầy đủ thời gian và năng lực công việc điều hành ít nhất trong 3 năm đầu. Một số hệ thống nhượng quyền cung cấp thời gian đào tạo ban đầu từ vài tuần lễ đến vài tháng. Những năm đầu tiên là thời gian khó khăn nhất để hiểu hết toàn bộ hệ thống hoạt động như thế nào, cũng như cách đưa cơ sở kinh doanh đi vào ổn định. Nếu chỉ dành một nửa thời gian cho công việc kinh doanh nhượng quyền ban đầu thì sự sao nhãng này có thể là nguyên nhân của thất bại.
Có những người thích chọn thương hiệu trong ngành nghề mình khá am hiểu vì nghĩ sẽ dễ dàng vận hành kinh doanh. Và bên nhượng quyền cũng thích chọn bên nhận nhượng quyền có kinh nghiệm trong ngành. Nhưng như vậy cũng có thể “vướng bẫy”, bởi những người có kinh nghiệm thường làm theo ý riêng và dễ vi phạm những điều đã cam kết giữa hai bên. Do đó, dù bên nhận nhượng quyền đã có kinh nghiệm vẫn phải lắng nghe bên nhượng quyền vì họ đã gây dựng mô hình thành công trước.
Một kinh nghiệm để tránh…chia tay sớm giữa bên mua và bên bán nhượng quyền đó là khi đã đi vào hoạt động thì người mua quyền thương mại phải thống nhất với bên nhượng quyền kế hoạch mở rộng thị trường hoặc có bổ sung thêm sản phẩm hoặc dịch vụ mới để có phương án điều chỉnh nếu có xung đột xảy ra. Bên mua nhượng quyền cần quan tâm tới kế hoạch tăng trưởng của chủ thương hiệu.
Theo luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nhượng quyền Thương mại Việt Franchise, thường thì hợp đồng được làm theo mẫu do bên chuyển nhượng thiết kế sẵn theo chuẩn chung thống nhất tất cả thị trường. Bên nhận nhượng quyền đừng chấp nhận hết, cần thương thảo các điều khoản dễ gây rủi ro, thiệt hại cho mình. Vì nếu xảy ra mâu thuẫn, xung đột kinh doanh giữa hai bên hay có thay đổi về chính sách, bên nhận nhượng quyền dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát, dẫn đến thiệt hại khôn lường.
Theo Minh Phương