Tận dụng những đồ cũ đã sử dụng nhưng còn mới, nhiều người đã nghĩ ra cách cho thuê lại đồ với mục đích tăng thu nhập và tạo điều kiện cho nhiều người được sử dụng.
Tiết kiệm thời khó
Mang bộ cầu tuột Vtech về nhà, chị Bùi Ngọc Anh (ngõ 898 đường Láng, Đống Đa) mở ra, lắp vào để cho cu Bin trèo lên nghịch. Nhìn thấy cầu tuột, chưa cần bố mẹ bảo, Bin đã vội leo lên cầu thang, tụt xuống và cười khanh khách. Chị Ngọc Anh cho hay, bộ cầu tuột này chị thuê lại với giá chỉ 80.000 đồng/tuần hoặc 220.000 đồng/tháng, đặt cọc gần 3 triệu đồng.
“Đây là lần thứ ba mình thuê đồ cho cu Bin chơi. Hầu hết các đồ chơi đi thuê lại đều đã được sử dụng nhưng vẫn còn mới. Cu Bin chơi mau chán, nhà lại chật chội nên mình thuê vừa tiết kiệm, vừa sử dụng được nhiều đồ chơi. Nếu mua cái này cũng mất tới 3 – 4 triệu đồng”, chị Ngọc Anh nói.
Cũng như chị Ngọc Anh, thu nhập không cao nên vợ chồng anh Vũ Văn Lợi (Gia Lâm, Hà Nội) thường xuyên đi thuê đồ chơi cho con dùng. Anh Lợi cho hay: “Trà My nhà mình năm nay 2 tuổi. Cô nàng rất thích các món đồ chơi, đặc biệt là búp bê. Nhưng chỉ chơi được vài hôm là bỏ. Cứ hễ đi tới đâu là Trà My lại đòi búp bê. Đọc được giới thiệu cho thuê đồ cũ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới với mức giá thấp, vợ mình đã quyết định thuê đồ chơi cho con. Vừa rồi, vợ mình vừa mang về một búp bê kèm xe đẩy. Giá thuê chỉ có 70.000 đồng/tháng. Mình nghĩ rằng, trong một tháng là con mình chơi chán, mang đi trả lại”.
Biết có chỗ cho thuê đồ chơi cũ, giá thấp, chị Lê Thị Huệ (Định Công, Hà Nội) hỏi địa chỉ rồi tìm tới tận nơi chọn đồ.
“Lúc đầu nhìn trên mạng rao các món đồ mình đã thích rồi. Hôm xin được địa chỉ, số điện thoại, mình liên lạc rồi đưa con gái đến chọn. Đến nơi, bé nhà mình sà vào chơi, bảo mãi cũng không chịu về. Ban đầu mình dự tính thuê một đồ thôi nhưng đến đấy thích quá, hai mẹ con bê hẳn hai thứ đồ chơi về. Bé về nhà chơi mê mẩn suốt mà giá thành tính ra cũng không đắt lắm”, chị Huệ kể.
Xu hướng mới
Chị Trần Thị Mai Trinh, người có đồ chơi cũ cho thuê, nói rằng, vốn là người rất thích đồ chơi nên cứ đi đâu, thấy đồ gì đẹp là chị lại mua về cho con gái. Con gái chị thành ra cũng nghiền đồ chơi. Tuy nhiên, mua nhiều quá, dùng một thời gian lại để vào trong kho nên chị nghĩ ra cách cho người khác thuê lại, vừa tiết kiệm tiền cho họ, vừa có thêm thu nhập cho mình và nhất là có cơ hội mang được đồ chơi đến với nhiều trẻ em khác.
Theo chị Trinh, việc thuê đồ chơi tiết kiệm được của các bậc phụ huynh một số tiền khá lớn.
“Thời gian bé tập đi chỉ khoảng 3 tháng. Nếu các bậc phụ huynh mua loại ghế ngồi tập đi loại khá thì sẽ mất gần 3 triệu đồng nhưng thuê 3 tháng chỉ mất khoảng 600.000 đồng. Sau khi đi được, bé sẽ không dùng loại đó nữa. Nếu mua về, dùng vài tháng rồi bỏ không thì rất lãng phí”, chị Trinh nói.
Sinh con được ba tháng, đã dùng xong máy hút sữa Madala nên chị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) định thanh lý chiếc máy này. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người, chị Hồng quyết định cho thuê lại. Chị Hồng cho hay, mua một cái mới rất đắt mà dùng không nhiều nên chị cho thuê với giá chỉ 15.000 đồng/ngày dưới 15 ngày. Nếu trên 15 ngày thì chỉ tính thêm 5.000 đồng/ngày. Người thuê phải đặt cọc 2,5 triệu đồng.
Không chỉ có chị Trinh, chị Hồng cho thuê đồ cũ, chị Vân (ngõ 95, An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ) cũng đang cho thuê đồ chơi cũ. Chị Vân tâm sự: “Anh xã nhà mình chiều con, mua nhiều đồ chơi nên bây giờ chật cả nhà. Vì thế, mình muốn cho thuê để rộng chỗ chứ không thanh lý vì đồ chơi con mình vẫn thích chơi và chồng mình còn muốn tập dần cho con cách quản lý tài chính thông qua việc cho thuê đồ chơi của chính con”.
Theo chị Vân, để thuê được đồ chơi, phụ huynh phải đặt cọc một số tiền tùy theo từng món đồ chơi và giá thuê cụ thể. Đồng thời, để thuận tiện, chị cũng khuyến khích các bố mẹ đưa bé đến trực tiếp nhà chị chơi và chọn đồ. Bé sẽ được chơi thoải mái tại nhà mình, thích món nào mới mang về nhà chơi và chỉ tính tiền món đó.
Trẻ con là những em bé hiếu động vì thế cho thuê đồ chơi cũng có thể bị gãy, hỏng… Để hạn chế rủi ro, chị Trinh đã thường xuyên nhắc nhở các bậc cha mẹ và hướng dẫn cụ thể cách sử dụng.
Theo dddn