Đây là câu hỏi khó tìm được lời giải cho phần lớn các DNVVN.
Với cơ cấu nền kinh tế trên 90% là các DNVVN, quỹ tài chính eo hẹp nên các DN chỉ phấn đấu để hoàn thành mục tiêu vì lợi nhuận. Họ hầu như không sẵn sàng dành chi phí để thay thế thiết bị, ứng dụng công nghệ sạch vào quy trình sản xuất. Tuy vậy, VN đang đặt một mục tiêu khá cao về phát triển công nghiệp xanh. Theo đó, đến Năm 2020, VN đạt giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 – 45%; tỉ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), so với thế giới, hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam rất thấp. Cụ thể, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu chỉ đạt 28-32%, thấp hơn 10% so với các nước khác. Hiệu suất của các lò hơi công nghiệp cũng chỉ đạt 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Để sản xuất 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy Việt Nam cần tới 13 triệu Kcal, gấp 3 lần mức tiêu hao năng lượng của thế giới. So với Thái Lan và Malaysia, mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cũng đã cao hơn 1,5-1,7 lần.
Liệu DN có dũng cảm giảm lợi nhuận để đầu tư công nghệ mới, thân thiện môi trường?
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), VN mới có 3 sản phẩm được cấp nhãn xanh là bột giặt Tide của Cty TNHH Procter & Gramble, bóng đèn Compact (8 loại) và bóng đèn huỳnh quang ống thẳng của Cty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Trong khi đó, Hàn Quốc có tới 9.000 sản phẩm như vậy.
Một thực trạng khác không kém phần lo ngại là hệ thống pháp luật về môi trường đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng quá trình triển khai vẫn thiếu tính thực thực tế và đồng bộ. Các chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc thay đổi tư duy từ tối đa hóa lợi nhuận thành tăng chi phí đầu tư, giảm đáng kể lợi nhuận để xanh hóa quy trình sản xuất với tất cả các DN không phải là vấn đề dễ dàng. Mặc dù, DN nào cũng nhận thức được rằng đây là con đường phát triển bền vững.
Ông Manuel Albaladejo – Đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhận xét, các nỗ lực thi hành chính sách của Chính phủ Việt Nam thường nhằm vào các DN lớn. Trong khi đó, các DNVVN nằm xa thành phố là nguyên nhân gây suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở cấp cộng đồng lại dễ bị bỏ qua và ít bị kiểm soát. Theo ông Phạm Hoàng Mai – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, TN-MT (Bộ KH&ĐT), để hoàn thiện khung chính sách xanh hóa công nghiệp, chúng ta cần ban hành cơ chế chính sách kinh tế và tài chính về phục hồi, chính sách và kế hoạch hành động hỗ trợ phát triển công nghệ xanh. Cần hướng tới hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, đồng thời tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới.
Bà Annette Frick – Thư ký thứ nhất, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại VN chia sẻ, để có một nền công nghiệp xanh nước Đức luôn khuyến khích những sáng kiến trong công nghiệp, những mô hình hay được phát huy, nhân rộng… Bà Annette Frick cho rằng, ở VN, giải pháp cụ thể đầu tiên có thể hình thành từ những khu công nghiệp xanh…
Theo Bá Tú