Một tên hai đích trong kinh doanh

Trong giai đoạn khởi nghiệp, tôi nhận được đơn đặt hàng có giá trị ngoài khả năng huy động vốn. Với thỏa thuận thanh toán tiền thành hai lần. Cuối năm, gần như không có vốn lưu động, tất cả số vốn ít ỏi của tôi bị phân tán vào hàng tốn và công nợ cho khách hàng, trong lúc thời hạn giao hàng cực kỳ ngắn. Tôi suy nghĩ các phương án để hoàn thành đơn hàng một cách tốt đẹp nhất. 

Tôi đưa ra một số cách sau:
– Hỏi vay tất cả những người tôi cho là có khả năng cho tôi vay để “góp gió thành bão”.

– Tìm cách để đối tác cho công nợ.

– Tìm cách để khách hàng thanh toán tiền sớm cho mình.

– Chia đơn hàng thành nhiều đợt giao hàng để khách hàng có hàng để bắt đầu sản xuất, kéo dài thời gian.

– Phương án cứu cánh là chia hợp đồng này với một bên khác.
Sau tất cả nỗ lực, tôi chỉ huy động được 10% số tiền cho cả hợp đồng. Tôi đặt hàng và tiến hành giao lô hàng đầu tiên, mặc dù mới giao lô hàng nhỏ nhưng vô hình đặt lên khách hàng áp lực phải chuẩn bị tiền. Nhận thấy mức độ khẩn trương của tôi, mấy ngày sau đó khách hàng đã thanh toán một nửa tiền hàng. Như có phao cứu sinh tôi lại tiếp tục đặt một đơn hàng lớn nữa. Đối tác của tôi hoàn toàn bị chinh phục với phong cách mua bán nhanh và hết sức sòng phẳng. Cộng thêm đó, khách hàng bớt cho tôi phần tiền lẻ, nhưng tôi đã chuyển toàn bộ số tiền mà không bớt một đồng. Phía đối tác quyết định cho tôi nợ 50% đơn hàng trong vòng 10 ngày. Tôi nhận được hàng lô hàng thứ 2 và lô hàng thứ 3 liên tiếp nhau và cũng là lô hàng cuối cùng mà tôi phải giao theo hợp đồng. Như vậy với một mũi tên tôi đã bắn trúng hai đích, vừa thuyết phục được nhà cung cấp cho tôi công nợ, giảm gánh nặng về vốn trong hợp đồng này và những hợp đồng tiếp theo, vừa giải quyết thành công đơn hàng, tạo uy tín với khách hàng là tiền đề đạt được những đơn hàng trong tương lai.
Thiết nghĩ việc huy động và sử dụng hữu hiệu nguồn vốn chính là sự sinh tồn khi khởi nghiệp. Một người có nguồn vốn ban đầu lớn nhưng không sử dụng tốt thì sẽ bị dàn trải (hàng tồn, công nợ, các chi phí không đáng có,…). Ngược lại, người quản lý tài chính tốt thì dù tài chính hạn hẹp cũng tìm cách phân bổ hợp lý (quản lý tốt hàng tồn và công nợ, hạn chế chi tiêu không đáng có,…) và biết sử dụng ngoại lực tốt hơn. Mũi tên “sử dụng ngoại lực” nếu nhắm tốt sẽ trúng không chỉ hai đích là: khách hàng, nhà cung cấp mà còn cả nhà đầu tư.

Theo kienthuckinhte