Đó là sự bày tỏ của Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên về vấn đề thương hiệu Việt. Và phải làm gì để xây dựng thương hiệu Việt mang tầm quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thương hiệu việt đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Trong chuỗi cạnh tranh gia trí toàn cầu thì chúng ta đang ở phân khúc tạo ra giá trị rất thấp và đang bị chịu sự phân công, chi phối của chuỗi giá trị này. Các chuỗi giá trị cao, tạo ra nhiều lợi nhuận, nắm giữ giá trị thương hiệu như Nghiên cứu phát triển, tiếp thị & quảng bá, hệ thống phân phối đều do các công ty, tập đoàn đa quốc gia nắm giữ phần lớn. Chúng ta tham gia vào phân đoạn rất thấp là cung cấp nguyên liệu thô, sản xuất, gia công…
Như vậy, thoạt nhìn chúng ta không có “cửa” thắng. Nhưng nếu muốn vươn tầm quốc gia và quốc tế, chúng ta buộc phải đối đầu một cách thông minh với họ và phải vươn lên cạnh tranh ở những chuỗi giá trị cao. Một thương hiệu có khả năng trở thành thương hiệu toàn cầu phải hội đủ 5 yếu tố cơ bản: sản phẩm của doanh nghiệp phải ở vị trí số 1 quốc gia, tức là thống trị thị trường nội địa; sản phẩm mà doanh nghiệp kinh doanh phải là thế mạnh của quốc gia; sản phẩm của doanh nghiệp phải được đóng gói các giá trị cộng them, đặc biệt là các giá trị văn hóa; sản phẩm của doanh nghiệp phải phù hợp với nhu cầu, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới
Nhưng quan trọng và quyết định lên tất cả là doanh nghiệp phải có khát vọng lớn. Trong cuộc đua tranh khốc liệt hiện nay trên thị trường toàn cầu, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu khát vọng lớn, thiếu ước mơ lớn.
Điều trăn trở lớn nhất của ông hiện nay là gì? Đưa Trung Nguyên thành thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới hay một vấn đề gì khác?
Đó là một trong những mục tiêu quan trọng của tôi và Trung Nguyên, nhưng đó chưa phải là mục tiêu sau cùng. Vậy đi chinh phục thế giới với tâm thế của người khởi nghiệp hay người số 1 Việt Nam hiện nay? Phần đa nói là “số 1 chứ”. Tôi không tán thành cái tâm thế đó, phải là tâm thế khởi nghiệp, đầy khát khao, mở mọi giác quan, đặt trong trạng thái sống chết. Tự mãn như thế là không ổn. GDP của Việt Nam chỉ bằng một tập đoàn tầm trung thế giới thôi, có gì mà tự hào. Nếu chúng ta thỏa mãn với cái này thì số phận dân tộc chúng ta đã an bài rồi. Đây là những trăn trở, là cái mà chúng tôi theo đuổi.
Điều trăn trở nhất của tôi là làm sao tập hợp đủ những người Việt có tâm huyết, những nhân tài Việt Nam trên toàn thế giới,… thành một khối thống nhất, đồng tâm hiệp lực đóng góp trí não, tâm sức và hành động vì một nước Việt hùng mạnh.
Bí quyết là gì thưa ông?
Để tìm ra vũ khí đối chọi lại với các “ông lớn”, tôi đúc kết lại qua hình ảnh của cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Nếu là một nhà DN thực sự thì hãy nghiên cứu lại những quan niệm, quan điểm của cuộc chiến này. Nó có tổng lực, có toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; lấy yếu, lấy ít, lấy mưu mới thắng được kẻ thù to lớn. Nghiên cứu mọi góc độ của quan niệm này, tôi tin rằng sẽ có những “vũ khí” để xử lí các vấn đề cạnh tranh, xây dựng thương hiệu.
Làm thương hiệu xét cho cùng là truyền thông, thuyết phục những đối tượng mà bạn muốn: thuyết phục họ mua sản phẩm của ta, thuyết phục họ mua dịch vụ của ta, thậm chí thuyết phục mua ý tưởng của ta. Bạn có ý tưởng bạn phải bán cho ông này ông kia, kể cả kêu gọi bạn bè đến hợp tác. Điều này đòi hỏi bạn phải có nền tảng căn bản của nghệ thuật tuyên truyền và khoa học thuyết phục, cần có hiểu biết về tâm lí học, xã hội học, lịch sử, kể cả triết học. Từ đó, đưa ra hệ thống lí thuyết khác, độc đáo để “đấu” lại được với thương hiệu mạnh nước ngoài. Mình học võ Tây, mà mình nhỏ con, nếu chơi theo kiểu Tây thì thất bại chắc. Mình phải hiểu họ và chơi theo kiểu của mình.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo kienthuckinhte