Hiện hữu nỗi lo trong giảm nhập siêu

Xuất khẩu cao, nhập siêu giảm là thành công của nền kinh tế trong năm 2012. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui là những nỗi lo hiện hữu cho một năm mới, khi việc sụt giảm nhập khẩu sẽ có tác động không nhỏ tới sản xuất, xuất khẩu năm 2013.

Cán cân thương mại cân bằng
Ước tính của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 114,7- 115 tỷ USD, tăng khoảng 18,4% so với năm trước, nhập khẩu tăng 6,7%, cán cân thương mại cân bằng, nhập siêu không đáng kể.
Kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ cho sản xuất đã tăng khá, đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Đơn cử, kim ngạch nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 91,36 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,9%. Kim ngạch nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt trên 4,0 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,9%. Kim ngạch nhóm hàng hạn chế nhập khẩu, ước đạt 4,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,7%. Xét về lượng, một số mặt hàng nguyên liệu sản xuất, chế biến tăng khá so với năm trước: Lúa mỳ 6,7%, ngô 79,0%, đậu tương 63,5%, dầu thô 15,3%, chất dẻo 6,8%, giấy 15,8%, bông 27,4%, xơ, sợi dệt 3,0%, thép 3,3%.
Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh nhận xét: Mặc dù mới chỉ tăng khoảng 10,3% nhưng những nhóm hàng nhập khẩu cần thiết cho sản xuất hàng xuất khẩu và trong nước đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.

Lo ngại cho nhiều năm sau
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Xuất nhập khẩu cũng lo ngại khi nhập khẩu giảm sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu của năm 2013. Ông Chinh cho rằng, việc kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2013 và năm tiếp theo bị giảm sẽ nảy sinh những vấn đề quan ngại. Đơn cử, những năm trước, nhập khẩu máy móc thiết bị tăng bình quân từ 15- 20%/năm, nhưng đến thời điểm này mới chỉ tăng có 3,7%. Đáng lưu ý, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng cao, phần lớn là nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công, lắp ráp.
“Nếu không được quan tâm đúng mức đến vốn đầu tư dài hạn cho sản xuất hàng xuất khẩu để kích thích doanh nghiệp trong nước nhập khẩu những mặt hàng cần thiết mở rộng sản xuất thì xuất khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ gặp khó trong các năm sau”-ông Chinh lo lắng. 
Để bảo đảm mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cũng như giúp cho tăng trưởng xuất khẩu được bền vững, ngay từ giữa tháng 11/2012, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội, ngành hàng để tập trung tháo gỡ khó khăn. Ông Phan Văn Chinh khẳng định: Từ những ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, Vụ Xuất nhập khẩu đã trao đổi ngay với các vụ, ngành và xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công Thương, để có thể giải quyết nhanh chóng những vướng mắc cho doanh nghiệp. Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành khác cũng đã được tập hợp và sẽ có kiến nghị để giải quyết sớm.
Cụ thể, đến thời điểm này đã bàn tới vòng 3 về Dự thảo Nghị định Quản lý xuất khẩu cá tra, hướng tới phát triển bền vững, lập lại trật tự trong xuất khẩu thủy sản. Bộ Công Thương đang bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, để đánh giá lại việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản trong thời gian qua, để có kiến nghị với Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất hợp lý.
Để quản lý tốt hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương soạn thảo đề án quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo theo hướng đưa thành tích xuất khẩu là một trong các điều kiện được phép xuất khẩu. Bộ sẽ có văn bản kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước đề nghị gia hạn cho vay ngoại tệ với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Phan Văn Chinh:
Nếu không được quan tâm đúng mức đến vốn đầu tư dài hạn cho sản xuất hàng xuất khẩu để kích thích doanh nghiệp trong nước nhập khẩu những mặt hàng cần thiết mở rộng sản xuất thì xuất khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ gặp khó trong các năm sau.

Theo Thùy Linh