Tập đoàn Formosa đã khuấy động ngành công nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam bằng việc chính thức xây dựng lò cao tại Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương tại Hà Tĩnh.
Có quy mô hiện tại là 9,966 tỷ USD, Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh với quy mô giai đoạn 1 là 7,07 triệu tấn phôi thép/năm sẽ là nhà máy thép quy mô lớn nhất trong khu vực ASEAN. Sản phẩm của nhà máy là phôi vuông, thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nóng thô có độ dày từ 1,2-25,4 mm và chiều rộng đến 1.880 mm, thép cây có đường kính đến 55 mm và thép dây có đường kính đến 26 mm.
Hiện tại, tiến độ tổng thể của toàn bộ dự án đạt 30,4% và theo kế hoạch, cuối tháng 5/2015 lò cao số 1 bắt đầu sản xuất chính thức.
Ở thời điểm này, chủ đầu tư dự án cũng đã có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư trong giai đoạn 2 lên tới 18 triệu tấn phôi thép/năm, thậm chí, Formosa còn tính cả bước mở rộng tiếp, với công suất 21,8 triệu tấn phôi thép/năm. Đi kèm với các kế hoạch mở rộng, quy mô của Cảng Sơn Dương lên tới 84 triệu tấn/năm và công suất của nhà máy điện trên 2.000 MW. Vốn đầu tư ước tính khi thực hiện tới giai đoạn cuối cùng có thể lên tới trên 20 tỷ USD.
Trả lời báo giới mới đây về lo ngại tình trạng trầm trọng thêm những khó khăn của ngành thép với sự có mặt ở quy mô lớn của Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương trong điều kiện Việt Nam đang dư thừa công suất so với nhu cầu tiêu thụ, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, theo trình bày của chủ đầu tư, Dự án này sẽ sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu và các sản phẩm sản xuất ra cũng chủ yếu phục vụ xuất khẩu chứ không chỉ nhắm vào thị trường Việt Nam.
Về ý này, chủ đầu tư cũng cho hay, vị trí đặt Dự án là trọng điểm trên tuyến vận tải đường biển Đông Á nói riêng và hàng hải quốc tế nói chung nên sẽ rất thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm thép. “Với lợi thế gần thị trường ASEAN đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu thép, Dự án sẽ có lợi thế hơn các nhà máy thép Đông Á về khoảng cách vận chuyển và có thể cung cấp các sản phẩm gang thép chất lượng cao một cách ổn định, lâu dài cho thị trường ASEAN”, đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, hiện tại, Việt Nam đang phải nhập khoảng 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm, trong khi đó, cơ cấu sản phẩm của Dự án ở giai đoạn 1 có 2,7 triệu tấn cuộn cán nóng và 2,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng thô. Như vậy, nhà đầu tư chắc chắn sẽ hướng tới thị trường trong nước trước khi xuất khẩu để bớt các chi phí vận chuyển. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm giai đoạn 1 của Dự án có 1,2 triệu tấn thép xây dựng gồm thép dây và thép cây. Tuy phải khoảng 3 năm nữa mới có sản phẩm, nhưng điều này chắc chắn sẽ khiến các nhà sản xuất thép hiện có phải cân nhắc, tính toán hiệu quả của mình khi phải cạnh tranh với một đối thủ lớn. Vẫn theo ông Cường, công suất thép xây dựng cả nước hiện nay vào khoảng 11 triệu tấn, tuy nhiên tiêu thụ thép loại này năm 2012 chỉ có khoảng 5,5 triệu tấn, kể cả nhập khẩu.
Không chỉ những chuyển động tích cực ở Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương, ngành thép cũng đang chờ đợi các động thái mới nhất tại Dự án thép Guang Lian Dung Quất với sự có mặt của Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản. Cách đây 1 tuần, Tập đoàn JFE cũng đã có những buổi báo cáo về dự án với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Mặc dù chưa xác nhận chính thức mức độ tham gia vào dự án này, nhưng những động thái trên cũng cho thấy, việc tái khởi động dự án 4,5 tỷ USD đang là khá cao.
Tuy vậy, trong Báo cáo mới đây của VSA, ông Cường cũng cho rằng, một số dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn thực hiện, nhưng có thể bị kéo dài thời gian do thiếu vốn, hoặc lo ngại thị trường tiêu thụ thép còn gặp khó khăn nên các nhà đầu tư cũng không muốn đẩy nhanh tốc độ xây dựng. Mặt khác, năm 2013 cũng được đánh giá là chỉ có thể duy trì với sản lượng sản xuất và tiêu thụ như năm 2012.
“Công suất sản xuất thép trong nước của một số sản phẩm như thép xây dựng, thép ống, thép mạ kim loại và sơn phủ màu, thép cuộn cán nguội vượt quá xa nhu cầu trong nước, trong khi kinh tế trong nước đang khó khăn, tiêu thụ thép giảm, dẫn tới dư thừa, tồn kho, phải cắt giảm sản xuất. Xuất khẩu sản phẩm thép cũng gặp khó khăn khi các nước áp dụng nhiều chính sách bảo hộ, hạn chế nhập khẩu và nhiều vụ kiện phá giá đối với sản phẩm thép Việt Nam. Bên cạnh đó, những biện pháp của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư (chủ yếu là nguồn tài chính và lãi suất) và giải tỏa sự đóng băng của bất động sản… cũng cần phải có thời gian, nên năm 2013 còn gặp khó khăn”, Báo cáo viết và cho rằng, “sẽ có nhiều dự án đầu tư không theo quy hoạch, đầu tư dàn trải, trùng lặp, manh mún và tính cạnh tranh thấp sẽ khó tồn tại trong thời gian tới, buộc phải giải thể và phá sản”.
Theo Thanh Hương