Những cách ứng xử tệ hại trong phỏng vấn!

Trước khi bước vào một cuộc phỏng vấn, một ứng viên thông minh luôn biết cách lựa chọn trang phục phù hợp, nghiên cứu kỹ các thông tin về công ty ứng tuyển và chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng trả lời suôn sẻ các câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng đã là một ứng viên thông minh.

Thống kê của CareerBuilder gần đây từ cuộc khảo sát hơn 850 nhà tuyển dụng cho thấy, gần 70% cho rằng, họ đã từng chứng kiến những hành động vô cùng ngớ ngẩn của các ứng viên trong các buổi phỏng vấn. Và sau đây là thống kê một loạt hành động được cho là “thiếu sáng suốt” nhất, khác thường nhất.
“Cho tôi về sớm để… kịp đón xe buýt”
Bạn không thể nhận được việc nếu như bạn không thể hiện bản thân mình trước nhà tuyển dụng. Nhưng quan trọng là bạn thể hiện nó như thế nào? Sẽ vô cùng tai hại và tạo cảm giác thiếu thiện cảm cho nhà tuyển dụng nếu bạn khoe khoang, nói quá bản thân mình. Nhưng sẽ càng tệ hại hơn nếu như bạn quá lúng túng trong cách thể hiện mình.
Nhiều ứng viên đến phòng phỏng vấn với một bộ trang phục lấm bẩn. Vài người liên tục đề nghị nhà tuyển dụng hỏi nhanh nhanh để họ còn kịp… bắt xe buýt. Một người khác “lôi” nhà tuyển dụng ra khỏi cuộc phỏng vấn với đề tài… thử thuốc. Tuy nhiên, chức vô địch cho hành động ngớ ngẩn nhất khi đi phỏng vấn là khi một ứng viên nói với công ty tuyển dụng trước khi bỏ đi là “công ty có… mùi”!
Diện quần áo ở nhà, dép lê đến… phỏng vấn!
Ấn tượng đầu tiên có thể nâng lên cũng có thể dúi ứng viên xuống. Tuy nhiên, rất nhiều ứng viên không hề có ý thức gì về khái niệm trang phục phù hợp với hoàn cảnh. Một vài ứng viên đến phỏng vấn với phục trang hàng ngày, thậm chí là quần jeans và áo phông. Tuy nhiên đó không phải điều tồi tệ nhất.
Sẽ không ai có thể nhận vào làm việc một ứng viên mặc áo phanh ngực, khoe bộ ngực lông lá, đeo những thứ trang sức màu mè, kiểu “dân chơi”, dùng nước hoa nồng nặc và miệng tóp tép nhai kẹo cao su cả. Và đương nhiên càng không thể nhận những người mặc trang phục ở nhà, đi dép lê quèn quẹt đến phỏng vấn!
Tuy nhiên cũng cần phải nhớ rằng, không hẳn trang phuc lịch sự, công sở là đã đủ cho một sự xuất hiện trang trọng, phù hợp. Đôi khi chỉ vì hát toáng một bài hát vui, cố gắng thuyết phục nhà tuyển dụng mua xe của mình, tập yoga trong lúc phỏng vấn hay khoe khoang mình như thể tài tử điện ảnh… bạn sẽ bị đánh trượt ngay lập tức!
Nôn mửa vì… quá căng thẳng
Có căng thẳng đôi chút là chuyện thường tình, thậm chí đôi khi có ích khi bạn đi phỏng vấn nhưng trên thực tế, khá nhiều ứng viên bị căng thẳng quá mức đến mức thành khủng hoảng. Nói lắp, nói lảm nhảm, buộc phải cười trừ liên tiếp hay thậm chí quên cả mình đang ứng cử vào vị trí nào – do quá căng thẳng – vẫn còn là may mắn. Một số thậm chí còn bị tè ra quần hay nôn mửa ra giầy nhà tuyển dụng cũng chỉ vì quá căng thẳng!
Nhưng tất cả những cử chỉ trên vẫn còn chưa bị đánh giá là tệ hại nhất. Những cử chỉ như nhướn cao lông mày khi hỏi, than phiền mình có sức khỏe khá nghiêm trọng và cần sự chăm sóc đặc biệt hay ngờ ngệch tiết lộ mình có ý định chỉ làm tạm ở công ty trong 2 tháng… mới thực sự là những hành động bị coi là rất tệ hại.
Thật thà là điều nên làm. Nhưng thật thà đến mức ngờ ngệch thì sẽ chỉ làm cho các nhà tuyển dụng phải lắc đầu ngao ngán. Kiểu như một ứng viên nói anh đã từng ở trong quân đội và đã từng bị Tổng thống liệt vào danh sách “đặc biệt” hay một ứng viên khác thừa nhận những thứ mà mình liệt kê trong hồ sơ thực ra chỉ đúng một nửa… thì đó đúng thật là tai họa.
Lương của tôi là bao nhiêu?
Hỏi nhà tuyển dụng về lương bổng và lợi tức từ ngay lần phỏng vấn đầu tiên là điều không bao giờ nên làm. Vậy mà không ít ứng viên khi đi phỏng vấn và gặp nhà tuyển dụng lần đầu đã hấp tấp hỏi về lương, thời gian nghỉ, các kỳ nghỉ trong năm, thậm chí là các kỳ tăng lương – ngay cả trước khi họ được nhà tuyển dụng hỏi.
Một số khác thậm chí còn không ngại ngần thể hiện những điểm xấu nhất của mình như phàn nàn cả buổi về thời gian mỗi ngày họ phải làm việc hay đưa ra câu hỏi “khó” cho nhà tuyển dụng: “Mấy giờ thì tôi có thể rời công ty về nhà?”.
Nịnh nọt và mua chuộc nhà tuyển dụng
Tất nhiên ai đi phỏng vấn chẳng muốn xin được việc như ý, nhưng như thế không có nghĩa là phải xin được việc bằng mọi giá. Tuy nhiên, trên thực tế không ít người dùng quà cáp, dùng tiền thậm chí là cả tình dục để mua chuộc và dụ dỗ nhà tuyển dụng, mong có được công việc như ý.

Theo Vieclam.vtv/CareerBuilder