Kinh nghiệm cho lần đầu xin việc

Lần đầu tìm việc là một kỷ niệm khó quên và là một kinh nghiệm hết sức thú vị, tuy nhiên, sẽ có rất nhiều điều làm cho bạn lẫn lộn vào rối tinh lên.

Bạn có thể nhận được rất nhiều lời khuyên quý báu từ cha mẹ, bạn bè, thậm chí từ cả những người bạn không quen thân lắm. Bạn sẽ bối rối vì không biết nên nghe lời ai. Dưới đây là một vài lời khuyên có thể giúp ích cho bạn.
Hãy để cha mẹ ở nhà
Cha mẹ bạn có thể là nguồn cung cấp những lời khuyên tốt nhất cho nghề nghiệp của bạn, và thật là khôn ngoan nếu bạn tranh thủ được sự thông thái của họ. Tuy nhiên, với tất cả những sự thông thái đó, nhiều khi họ sẽ đưa ra những gợi ý rất chủ quan để giúp bạn tránh được những sai lầm mà họ đã mắc phải. Tốt thôi, nhưng bạn đừng có dựa quá nhiều vào những gì họ nói.
Việc bố mẹ của ứng viên gọi điện cho nhà tuyển dụng và thuyết phục họ “hãy tuyển con tôi đi” không phải là chuyện bạn nghe thấy lần đầu đúng không nào? Những bậc phụ huynh này trong tiếng Anh người ta gọi là “phụ huynh trực thăng” (helicopter parents), tấn công theo kiểu đổ bộ. Họ chỉ có thể làm hỏng cơ hội của con mình thôi chứ không đem lại được chút thiện cảm nào của nhà tuyển dụng. Bởi vì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những ứng viên có khả năng tự ra quyết định và có thể phát triển kỹ năng lãnh đạo, họ sẽ không thích một người quá dựa dẫm vào cha mẹ.
Do vậy, hãy hỏi bố mẹ bạn để có được những lời khuyên hữu ích, còn chính bạn phải là người thực hành những lời khuyên đó, chứ không phải là họ.
Đừng cầu toàn
Ai cũng muốn ngay lập tức có được công việc hoàn hảo, kiểu như lương thưởng tốt, có thời gian rảnh rỗi, ở phố lớn, không có quá nhiều rắc rối, có chính sách nhân sự tốt… Thật buồn là những vị trí công việc như thế ít khi dành cho người mới ra trường như bạn.
Hãy tìm một công việc phù hợp với mình và có tương lai chứ không phải là việc có mức lương cao.
Liên kết chặt chẽ với trường học
Đừng vội quên trường học ngay sau khi tốt nghiệp. Nên nhớ chính thầy cô là người tạo cho bạn nhiều cơ hội quý giá nhất. Ở các trường đại học hiện có những trung tâm tư vấn việc làm, bạn có thể học cách viết thư xin việc, làm hồ sơ xin việc tại đó, và bạn có thể có được những lời khuyên hay sự chuẩn bị cần thiết mà họ cung cấp cho bạn.
Kết bạn
Một trong những cách tốt nhất để biết được một nơi nào đó đang tuyển dụng chính là thông qua cách nói chuyện với những người bạn quen biết, bạn bè, gia đình, những người quen cũ, thậm chí cả bạn ở lớp thể dục. Thường thì các cơ hội đến rất ngẫu nhiên, và những người quen của bạn sẽ chỉ cho bạn biết là một nơi nào đó đang tuyển dụng và họ cho bạn thông tin liên hệ hoặc giới thiệu để bạn tới gặp. Bởi vì chính các công ty cũng nhờ những người quen của mình giới thiệu cho họ các ứng viên tiềm năng.
Trung thực
Thông thường, các công ty thường yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm. Đó là lý do tại sao bạn phải cố nghĩ ra thật nhiều kinh nghiệm để viết vào hồ sơ của mình. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng lại phát hiện rất nhanh những thông tin “nói quá sự thật” hoặc là mơ hồ nào đó. Cho nên: Đừng bao giờ làm điều đó! Hãy nói sự thực.
Nếu như trong hồ sơ bạn đưa ra những thông tin không chính xác, nhà tuyển dụng có thể gọi điện tới những công ty mà bạn ghi trong hồ sơ để hỏi thông tin về vị trí làm việc trước đó của bạn, lúc đó thì bạn là người trượt đầu nước. Thay vào đó, bạn nên giải thích rõ là các kỹ năng và tài năng của bạn sẽ giúp cho công việc ở vị trí mà bạn đang ứng tuyển tốt như thế nào.
Cuối cùng, bạn phải nhớ rằng, tìm được một việc sẽ mất thời gian, có thể là vài tuần, có thể là vài tháng. Hãy kiên nhẫn, khôn ngoan, và tiếp cận một cách cẩn thận. Bạn sẽ kiếm được việc trước khi bạn nhận ra được là bạn đã có nó. Chúc bạn thành công.

Theo Sức trẻ Việt Nam