Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ồ ạt đầu tư địa ốc, bán lẻ, nông nghiệp… tại Myanmar, nơi được mệnh danh là “mỏ vàng” mới của thế giới sau khi nước này được bỏ lệnh cấm vận và mở cửa.
Ngày 18/12, tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar đã diễn ra buổi lễ ký kết hợp đồng Xây dựng Kinh doanh Chuyển giao (BOT) và Hợp đồng thuê đất giữa Tổng cục khách sạn du lịch Myanmar và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Đây là dự án phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Center rộng 8 hecta, tọa lạc tại ở khu đất vàng trung tâm thành phố Yangon, vốn đầu tư ban đầu 300 triệu USD.
Tổng giám đốc HAGL Land Lê Hùng, cho biết: “Tập đoàn quyết định đầu tư nhanh và mạnh để đón đầu cơ hội khi nước này còn thiếu hụt trầm trọng văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao”.
HAGL còn thử sức ở sang phân khúc mới là căn hộ dịch vụ cho thuê quy mô 1.000 căn nhắm vào đối tượng chuyên gia nước ngoài đến Myanmar làm việc. Riêng trung tâm thương mại của dự án này, HAGL sẽ làm việc với các nhà bán lẻ và doanh nghiệp trong nước để hình thành ngôi nhà chung quảng bá hàng Việt.
Cũng thăm dò và săn cơ hội đầu tư ở thị trường Myanmar, C.T Group đang ấp ủ 2 dự án trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê trên khu đất rộng 10.000 m2 và một khu đất khác rộng 8.000 m2, cao 20 tầng tại cố đô Yangon. Doanh nghiệp từ chối tiết lộ vốn đầu tư của dự án và cho hay đang hoàn thiện pháp lý với đối tác cũng như với phía chính quyền của thành phố theo Luật Đầu tư mới… Dự kiến khoảng 2 năm nữa có thể xây dựng xong dự án này.
Ngoài ra, C.T Group còn đầu tư vào hệ thống phân phối tại Myanmar bằng kênh truyền thống (các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối) và phương thức phân phối hiện đại (TV shopping, Internet, và các kênh bán hàng mới). Trong năm 2012, đơn vị này đã giúp một số doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào thị trường Myanmar, trong đó có ngành vật liệu xây dựng.
Phó Giám đốc C.T Myanmar (Thành viên Tập đoàn C.T Group), Nguyễn Xuân Tồn nhận xét: “Có thể nói Myanmar đang là mảnh đất vàng cuối cùng của Châu Á”.
Ông Tồn giải thích, Myanmar đã đóng cửa nhiều thập kỷ qua, hiện nay Chính phủ nước này bắt đầu mở cửa. Họ công bố thả nổi tỷ giá đồng Kyat bắt đầu từ tháng 4/2012. Dự thảo luật mới của Myanmar cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể được hưởng chế độ giãn thuế trong vòng 5 năm. Đây là cơ hội lớn mà cả thế giới đang rất quan tâm và tìm cách khai thác.
Lãnh đạo C.T Myanmar cho rằng có thể xem đây là cơ hội vàng khi tình hình đầu tư tại Việt Nam đang trầm lắng. Tuy nhiên, ông thừa nhận để nắm bắt và khai thác được cơ hội này không phải là điều dễ dàng do vẫn còn không ít khó khăn. Đó là ở thị trường đang mở cửa vẫn còn những quy định và chính sách chưa thông cùng với những điều kiện, văn hóa giao tiếp truyền thông qua internet, điện thoại còn nhiều hạn chế.
Bán lẻ, ngành nông nghiệp tại Myanmar cũng hút nhà đầu tư Việt Nam tham gia, bên cạnh lĩnh vực bất động sản, du lịch. Công ty Xuất nhập khẩu Việt Trang (Viettranimex) vừa ký hợp đồng liên doanh với Công ty Sann Shwe trong lĩnh vực sản xuất giống và kinh doanh nông nghiệp. Tổng mức đầu tư dự kiến 15 triệu USD, triển khai trên diện tích 10.000 ha tại Nay Pyi Taw.
VinaCapital, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cũng liên doanh với công ty Green Asia của Myanmar đầu tư khu phức hợp dịch vụ nông nghiệp tại huyện East-Dagon, Yangon. Tổng mức đầu tư dự kiến 55 triệu USD.
Trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Tập đoàn ASV Pharma liên doanh với công ty Myanmar Entrepreneur Investment sản xuất dược phẩm với tổng mức đầu tư ước tính 20 triệu USD tại Yangon.
Trước đó, năm 2011, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã mở văn phòng đại diện tại đường Pyay Road tại Yangon. Chủ tịch HĐQT BIDV, Trần Bắc Hà cho hay đang đề nghị được mở nhà băng 100% vốn hoặc liên doanh tại Myanmar ngay khi chính phủ nước này mở cửa ngành ngân hàng. Ông Hà từng dự báo đầu tư từ Việt Nam sang Myanmar có thể tăng gấp 4 lần lên 2 tỷ USD vào năm 2015.
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Myanmar, Chu Công Phùng cho biết: “Myanmar đang thay đổi từng ngày khi Mỹ và EU nới lỏng cấm vận. Đất nước này cũng thực hiện đợt cải cách lần thứ hai, tập trung vào kinh tế. Đây là thị trường 60 triệu dân khá năng động, giàu tiềm năng”.
Theo ông Phùng, Luật đầu tư mới của Myanmar khá thông thoáng, có nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Việt Nam còn thừa nhiều hàng hóa chất lượng cao, giá vừa túi tiền, lại có quan hệ hữu nghị rất tốt với Myanmar nên cần tận dụng dịp này để xâm nhập thị trường.
Đại sứ cho biết, các lĩnh vực được Chính phủ Myanmar thu hút đầu tư gồm: nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, gia công chế biến đồ gỗ (diện tích rừng Myanmar lớn hơn Việt Nam), sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, điện tử, dược phẩm. Riêng lĩnh vực ngân hàng Myanmar đang tích cực sửa đổi luật, nếu có chính sách thông thoáng BIDV sẽ là ngân hàng Việt Nam đầu tiên tham gia. Về viễn thông sắp tới cũng sẽ có gói đấu thầu.
Hiện đã có một số dự án được cấp phép như Simco Sông Đà (khai thác đá màu), Vietnam Airlines (hàng không), Viettel (viễn thông), PVEP (dầu khí)… Đường, sữa, bánh kẹo, dệt may… cũng được đầu tư khoảng vài triệu USD và khá hiệu quả.
“Myanmar đang là điểm nóng hút FDI cả thế giới, tạo thành một đường đua, chỉ những người đến sớm mới có nhiều cơ hội. Hiện Mỹ và EU chưa vào thị trường này, vì vậy Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ”, ông Phùng nói.
Theo baocongthuong