Ai Cập hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi và là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi. Đây cũng là thị trường được xác định còn rất nhiềm tiềm năng mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể khai phá.Bất chấp những bất ổn chính trị, đặc biệt là phong trào mùa xuân Ảrập đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ai Cập năm 2011 đạt 256,09 triệu USD, tăng 47% so với năm 2010.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạchthương mại hai chiều Việt Nam- Ai Cập đạt 268 triệu USD, tăng 23% so với năm 2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập đạt 261,4 triệu USD, tăng 28%, kim ngạch nhập khẩu từ Ai Cập đạt khoảng 6,5 triệu USD, giảm 55%. Các mặt hàng thế mạnh Việt Nam xuất sang Ai Cập gồm: Nông sản, thủy sản, cà phê, xơ, sợi dệt, máy móc, thiết bị và phụ tùng, điện thoại di động. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Ai Cập gồm: Mật củ cải đường, hóa chất, sữa và sản phẩm sữa, sắt thép, tân dược…
Ông Reda El Taify- Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam- đánh giá: Kết quả đó chưa xứng đáng với tiềm năng mà hai nước sẵn có. Với vị trí chiến lược,
sở hữu kênh đào Suez và là thành viên của các tổ chức kinh tế khu vực, Ai Cập được coi là cửa ngõ của các nước châu Phi và Ảrập… Chính vì vậy, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung khai thác, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đồng thời thông qua thị trường Ai Cập, xuất khẩu sang các nước Bắc Phi.
Ông Reda El Taify khẳng định: Nguyên nhân đằng sau sự chậm chạp của dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam- Ai Cập chủ yếu là do thiếu thông tin, liên lạc, định hướng và mong muốn thực sự từ khu vực tư nhân và DN hai nước.
Ai Cập đã trải qua sự thay đổi rất lớn vào năm 2011 về các mặt kinh tế- chính trị- xã hội. Để khắc phục những khó khăn trước mắt, đưa kinh tế Ai Cập từng bước bình ổn và phát triển, ông Ayman El Abd- Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Công Thương Ai Cập- cho biết: Bộ Công Thương Ai Cập đã đề ra chiến lược cụ thể, trong đó chú trọng: Duy trì chính sách và nền kinh tế mở; chào đón các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều khoản ưu đãi (đặc biệt là những ngành công nghiệp cao và những dự án thâm dụng lao động); tăng cường năng lực của khu vực tư nhân thông qua Dự án hợp tác nhà nước- tư nhân, xác định đầu tư tư nhân là trọng tâm trong chiến lược phát triển… Đây có thể xem là một cơ hội tốt để DN Việt Nam thúc đẩy đầu tư vào Ai Cập.
Về phía Việt Nam, ông Lê Thái Hòa- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương)- đề nghị: Cộng đồng DN hai nước cần tăng cường các chuyến thăm, tham gia hội chợ thương mại, triển lãm; tận dụng các kênh sẵn có (Phòng Thương mại và công nghiệp, đại sứ quán và các tổ chức xúc tiến thương mại) để tìm hiểu thông tin. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi sản phẩm thế mạnh và bổ sung của mỗi nước, đặc biệt là các lĩnh vực: sắt thép, bê tông, chế biến thực phẩm, xây dựng- các lĩnh vực thế mạnh của Ai Cập và cũng là nhu cầu lớn của Việt Nam.
Ngày 20/12/2012, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) phối hợp với thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Liên đoàn các Phòng Thương mại và công nghiệp Ai Cập tổ chức hội thảo giao thương trực tuyến Việt Nam- Ai Cập, thu hút sự quan tâm của đông đảo DN hai nước.
Theo Hoàng Mai