Nhìn lại và hướng tới…

Nguyễn Hoài Bắc là doanh nhân Việt kiều “đình đám” và hiện làm Chủ tịch HĐQT của 3 công ty ăn nên làm ra tại Việt Nam. Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Báo Công Thương xin giới thiệu bài viết của ông gửi từ Toronto (Canada) với những trăn trở làm giàu chính đáng cho đất nước.

Hơn 4,5 triệu kiều bào – doanh nhân hướng về Tổ quốc
Việt Nam trong một thập kỷ đã trôi qua đầy chuyển biến và thăng trầm trong dông bão của nền kinh tế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Trong bức tranh nhiều sắc màu này có phần không nhỏ được tạo nên bởi một bộ phận máu thịt không thể tách rời – đó là hơn 4,5 triệu kiều bào – doanh nhân đang sống, lao động, học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để theo kịp sự chuyển biến với tốc độ chóng mặt của thế giới và trong nước, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều quyết định quan trọng với người Việt Nam ở nước ngoài. Đáng kể nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và nhiều điểm mới trong chính sách bảo hộ công dân, thông thoáng về thủ tục xuất nhập cảnh, hồi hương, mua bán nhà và khuyến khích ưu đãi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam…
Điều này đã tạo dựng được niềm tin cho các doanh nhân Việt kiều. Năm 2009, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Và cuối tháng 9 vừa qua, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh là dịp để kiều bào ở nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc gắn kết cộng đồng và việc huy động nguồn lực kiều bào vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

… Nhưng tất cả chưa phải “màu hồng”
Bên cạnh những gì đã đạt được, còn không ít những vướng mắc cần tháo gỡ và xử lý kịp thời để đưa các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như trong công tác bảo hộ công dân, người Việt Nam ra nước ngoài du lịch hay công tác khi gặp sự cố (mất hộ chiếu, bị trộm cắp…) tìm đến cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại để được giúp đỡ vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư của kiều bào về nước, khi gặp kiện tụng tranh chấp với các đối tác tại Việt Nam, kiều bào còn mang nặng tâm lý lo lắng phần thua rơi về mình mặc dù họ thực hiện đúng và nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.
Kể cả nếu thắng, việc thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo phán quyết của tòa án cũng còn chờ đợi mòn mỏi…
Sau khi Luật Khuyến khích đầu tư được hủy bỏ thay bằng Luật Doanh nghiệp (2008) lại phát sinh bất cập bởi doanh nhân Việt kiều không biết khi đầu tư về quê hương sẽ áp dụng theo Luật Đầu tư trong nước hay nước ngoài?
Nhìn lại thực tế của 10 năm qua, những thành công của Việt Nam trên trường quốc tế là đáng tự hào vì trên chính trường đã có nhiều quốc gia biết đến có một Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á đang trỗi dậy trong phát triển kinh tế và kết nối bang giao với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%, đẩy lùi chuẩn đói nghèo theo quy định của thế giới với các nước đang phát triển, bùng phát làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân tăng lên với mức độ chóng mặt…
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định. Nợ công, nợ nước ngoài tăng nhanh. Dự trữ ngoại hối mỏng, áp lực đối với tỷ giá còn lớn. Thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn… Ẩn sâu hơn nữa là mô hình phát triển kinh tế với hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng.

Lối ra?
Phải chăng chúng ta có quá nhiều thứ để làm, để phát triển dẫn đến những “mũi nhọn kinh tế” khắp nơi, mà nhiều nhà kinh tế ví von như hình hài của quả mít. Trên mặt bằng của 64 tỉnh, thành phố đâu đâu cũng thấy các khu, cụm công nghiệp nở rộ, thậm chí nhiều khu công nghiệp chiếm một vùng đất “đắc địa” rộng lớn. Để rồi lại tái cơ cấu, thu hồi giấy phép bởi chậm tiến độ…
Điều này có phần xuất phát từ những yếu kém trong việc tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, nhưng cũng có nguyên nhân của việc chưa thoát hẳn khỏi tư duy của cơ chế xin-cho như một sự rơi rớt của tư tưởng thời còn bao cấp đã kéo chậm sự hội nhập và các chính sách mở của Chính phủ.
Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, với những bài học được đúc kết và trải nghiệm bằng thực tế của 10 năm qua, phải được minh chứng qua việc làm thực tiễn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”.
Vì thế, chúng ta phải tìm ra định hướng chiến lược thập toàn để xây dựng và phát triển cho nhiều thế hệ mai sau.
Lượng kiều hối hàng năm chuyển về Việt Nam từ 6 tỷ USD đến 10 tỷ USD/năm. Không những thế, dòng đầu tư chất xám cũng không ngừng nghỉ để tiếp cận với thị trường nội địa đang phát triển, đầy tiềm năng.

Theo baocongthuong