Nội liên kết, ngoại liên doanh

Thị trường bánh kẹo Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn song các DN nội chiếm thị phần lớn nhưng sản phẩm lại chưa đa dạng nên còn gặp khó khăn khi cạnh tranh với bánh kẹo ngoại. Do vậy, các DN nội nên tìm cơ hội tốt để liên kết với công ty nước ngoài nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tiếp thu công nghệ mới và mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn.

Tiềm năng lớn
Ngành bánh kẹo là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao và ít nhạy cảm với sự biến động của nền kinh tế. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, doanh số bán lẻ sản phẩm bánh kẹo tính theo USD tại Việt Nam tăng trưởng khoảng 114,7%.
Cùng lúc, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều DN nội và ngoại tham gia vào thị trường do là có dân số đông, mức tiêu thụ thực phẩm cao. Mới đây, nhiều thông tin cho biết nhãn hiệu Nabati, một thương hiệu nổi tiếng có doanh thu bán hàng cao của Indonesia, đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, các nhà sản xuất nước ngoài trên khắp thế giới cũng đang không ngừng tăng lượng hàng đưa vào Việt Nam thông qua các nhà nhập khẩu trong nước.
Sự gia tăng của bánh kẹo ngoại nhập với chất lượng khá cao, mẫu mã bao bì đẹp tràn ngập trên thị trường đã đặt ra yêu cầu cải tiến công nghệ, kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường của các DN nội. Đặc biệt, với sự hiểu biết về tâm lý tiêu dùng trong nước, các DN nội đã nghiên cứu và tạo ra những hương vị mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Một kết quả đáng mừng là hiện nay, các nhà máy trong nước đang chiếm từ 75-80% thị phần, còn các công ty nước ngoài dù đẩy mạnh thâm nhập thị trường nhưng chỉ mới nắm giữ khoảng 20-25% thị phần. Những năm gần đây, trong các giỏ quà tết trên thị trường, những thương hiệu Việt như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Phạm Nguyên đã bắt đầu chiếm lĩnh.
Hơn nữa, trong xu thế toàn cầu hóa, các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường thế giới. Hiện nhiều sản phẩm của Việt Nam không chỉ có tiếng tại thị trường trong nước mà đã vươn ra thế giới, tổng giá trị xuất khẩu của các sản phẩm bánh kẹo và ngũ cốc trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt 192 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Ngoài các thị trường lân cận như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, sản phẩm Việt Nam còn thâm nhập vào nhiều thị trường lớn, chinh phục người tiêu dùng khó tính ở các nước như Ba Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Tìm hướng khai thác
Không thể phủ nhận rằng, trước sức ép cạnh tranh lẫn khẳng định thương hiệu, các DN nội đã có những cố gắng rất lớn phát triển số lượng lẫn các dòng sản phẩm mới lạ để lôi kéo người tiêu dùng. Chẳng hạn khi vào mùa Tết 2013, ngoài những sản phẩm thông thường, các DN nội đã chủ động phát triển nhiều dòng sản phẩm mới dành riêng cho dịp tết để phục vụ nhu cầu tiêu thụ cuối năm của thị trường.
Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng có phần hạn chế chi tiêu, nhưng các DN vẫn quyết gia tăng sản lượng từ 10-20% để phục vụ thị trường tết. Ngoài ra, các DN còn cam kết sẽ hạn chế tối đa việc tăng giá.
Theo thống kê, Kinh Đô là đơn vị gia tăng sản lượng lớn nhất để phục vụ mùa tết, cung cấp cho thị trường khoảng 3.800 tấn bánh kẹo. Đối với dòng sản phẩm cao cấp, Kinh Đô đưa ra thị trường dòng cookies thượng hạng Korento với nguồn nguyên liệu cao cấp được nhập khẩu từ châu Âu.
Dòng sản phẩm được thiết kế sang trọng phù hợp để làm quà biếu. Ngoài ra, Kinh Đô còn phát triển và ra mắt nhãn hàng mới Cosy và nhiều sản phẩm được cải tiến mẫu mã để phù hợp với việc biếu, tặng.
Về phân phối, ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, cho biết công ty đã tiến hành thực hiện hợp lý hóa chi phí sản xuất, chi phí bán hàng để giữ giá sản phẩm và sẽ đẩy mạnh khai thác các kênh phân phối từ bán lẻ hiện đại đến đưa hàng về nông thôn để phục vụ người tiêu dùng.
Ông Trần Quốc Hoàng, Phó Tổng giám đốc CTCP Bibica, cho biết dịp tết năm nay Bibica chuẩn bị khoảng 5 triệu hộp bánh, tương ứng 150 tỷ đồng, để phục vụ thị trường.
Theo ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng thư ký Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, DN nội có nhiều điều mà DN ngoại không có, như hiểu biết về khẩu vị, nhu cầu tiêu thụ, văn hóa tiêu dùng trong từng thời điểm khác nhau của người Việt. Đây là một thuận lợi để khai thác tiềm năng của thị trường.
Tuy nhiên, máy móc công nghệ của DN nội lại chưa theo kịp thị trường thế giới. Biện pháp tốt nhất để giảm bớt áp lực là DN trong nước có thể tính đến việc liên doanh, liên kết với DN ngoại để tiếp thu công nghệ mới, hay mỗi đơn vị thực hiện một khâu để đưa hàng ra thị trường.
Khi đó, các DN nội vừa học hỏi vừa cùng phát triển, loại bỏ tình trạng cạnh tranh theo kiểu làm nhái hoặc tạo ra rào cản ngăn sự phát triển của các đối thủ. Hiện vẫn còn tình trạng nhiều nhà nhập khẩu trong nước công bố nhập bánh kẹo cao cấp từ châu Âu, nhưng thực chất là hàng sản xuất từ châu Á và được đóng gói tại Việt Nam.
Nếu DN bánh kẹo nội trở thành nhà phân phối chính thức cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới, người tiêu dùng chắc chắn sẽ được bảo vệ nhiều hơn.

Theo Yên Lam