Vincom – con đường đi đến thành công

Chỉ trong gần 10 năm, với những bước đi tiên phong, đầu tư vào những vị trí chiến lược cùng hệ thống quản trị minh bạch chuyên nghiệp đã giúp Vincom trở thành thương hiệu bất động sản có uy tín và được xếp hạng vào top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Nếu bạn đi tới Hà Nội hay TP.HCM bạn hỏi bất cứ ai về trung tâm thương mại lớn nhất, họ sẽ chỉ bạn tới Vincom. Nếu bạn tới Nha Trang, bạn không thể nào bỏ qua một ngày vui chơi tại khu Vinpearl với những trò chơi mạo hiểm thót tim, thăm thủy cung với hàng ngàn loại sinh vật biển. Khi chưa tới Vinpearl, nghĩa là bạn chưa tới Nha Trang. Điều gì làm lên một thương hiệu của Việt Nam có được tầm ảnh hưởng lớn tới bạn như vậy? Vincom cũng được công ty Vietnam Report xếp hạng thứ 50 trong bản xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Bài viết về câu chuyện thành công của Vincom sẽ đưa ra những phân tích của Lantabrand dưới góc độ thương hiệu dựa trên những nghiên cứu và thu thập thông tin từ nhiều nguồn với ý nghĩa tham khảo và hoàn toàn độc lập.

Đi trước một bước

Đầu tư xây dựng một tòa nhà tháp đôi, 21 tầng với tổng vốn đầu tư không nhỏ từ năm 2003 khi thị trường chưa có bất cứ một trung tâm mua sắm nào đạt chuẩn quốc tế là bước đi đầu tiên của Vincom trong lĩnh vực bất động sản. Thời gian đầu, người tiêu dùng hiếu kỳ vào thăm quan để hưởng máy lạnh và …”đi toilet” miễn phí. Chỉ sau 2 năm, trung tâm Vincom đã trở thành một điểm đến lý tưởng (landmark) của người Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tòa nhà văn phòng hạng A cũng được các công ty thuê toàn bộ, thậm chí ngân hàng BIDV còn đầu tư mua hẳn tòa tháp A Vincom City Tower (tòa nhà văn phòng) để làm trụ sở và cho thuê lại. Đây cũng là hướng đi trước một bước của Vincom, thay vì giữ lại và khai thác thu tiền thuê hàng tháng, Vincom đã bán lại để có một khoản vốn lớn để tăng vốn điều lệ và quay vòng nhanh đầu tư vào các khu đất vàng khác khi giá thị trường còn chưa cao.

Với kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài, Vincom cũng có chiến lược dự báo thị trường đúng đắn về nhu cầu của bất động sản nên đã tập trung vào các dự án có vị trí địa lý hàng đầu từ đó các sản phẩm được bán/cho thuê rất nhanh tạo ra vòng quay vốn hiệu quả.

Đi trước một bước còn thể hiện trong chiến lược đầu tư được coi là không giống ai của Vincom. Khi các khu đất trong đất liền Nha Trang còn đang trống vắng thì Vinpearl Land (một công ty trực thuộc Vincom) lại mạo hiểm đầu tư xây dựng khách sạn năm sao và khu vui chơi giải trí trên hòn đảo cách đất liền hàng vài km rồi mạo hiểm đầu tư cả một hệ thống cáp treo trên biển dài nhất Đông Nam Á – có lẽ lúc đó không ai nghĩ rằng Vincom sẽ thành công. Để rồi chính chiến lược đầu tư khác người ngoài đảo đã trở thành lợi thế cạnh tranh của Vincom khi bất cứ khách du lịch nào tới Nha Trang cũng phải tới Vinpearl dù phải xếp hàng dài để đi cáp treo với giá vé không hề rẻ chút nào.

Vị trí tuyệt vời

Với chiến lược chỉ đầu tư vào những khu đất vàng hoặc có vị trí không quá 10 km kể từ trung tâm thành phố, các tòa nhà và khu đô thị của Vincom luôn đầy khách thuê và mua mặc dù thị trường ảm đạm. Các căn hộ đã được bán rất nhanh với giá cao hơn khá nhiều vì vị trí quá thuận lợi ngay trung tâm thành phố thể hiện đẳng cấp của người chủ sở hữu. Những vị trí trên đất vàng như Eden, Vincom Center Đồng Khởi, Vincom Center Bà Triệu đều thành công vì tính chiến lược của vị trí. Trong kinh doanh bất động sản, vị trí là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một dự án. Sự độc lập hoàn toàn ngoài đảo của Vinpearl Nha Trang hay trung tâm Eden ngay đại lộ Nguyễn Huệ là lợi thế cạnh tranh không thể phá vỡ của thương hiệu Vincom. Việc xây dựng được các dự án tại các vị trí trung tâm cũng giúp nâng tầm đẳng cấp của chính thương hiệu để từ đó có lợi thế phát triển các dự án tương tự ở các địa phương khác.

Danh mục đầu tư hợp lý tạo sự cân đối nguồn tài chính ngắn hạn và dài hạn

Không giống nhiều công ty bất động sản khác vốn tập trung rất nhiều vào các nguồn đầu tư dài hạn để rồi khi nền kinh tế biến động như lãi suất tăng cao, tín dụng bị thu hẹp thì không cân đối được nguồn vốn đầu tư dẫn đến việc không đủ vốn để tiếp tục dự án, Vincom có chiến lược tài chính rất tốt với các nguồn thu ngắn hạn (hàng ngày) từ các dự án vui chơi giải trí, các khách sạn nghỉ dưỡng và từ việc cho thuê Văn phòng – TTTM đến các nguồn thu trung hạn từ việc bán các căn hộ hay dài hạn ở các dự án bất động sản đang đầu tư cơ sở hạ tầng.

Việc bán các tòa tháp Vincom Hà Nội cho ngân hàng BIDV trước kia và Techcombank gần đây cũng là những bước đi đúng đắn để tạo lưu chuyển dòng tiền lành mạnh. Thay vì phải đi vay vốn với lãi suất cao trong điều kiện các nguồn vay đầu tư bất động sản đều bị hạn chế để tiếp tục đầu tư vào các dự án như Vincom Village, bệnh viện Vinmec, hay khu đô thị mới Royal City, Times City thì Vincom chọn giải pháp bán đứt các tòa tháp để có dòng tiền mặt dồi dào tiếp tục giải ngân đầu tư, phần tiền chưa giải ngân vẫn sinh lời trong điều kiện lãi suất cao.

Quan hệ cộng đồng xuất sắc
Trong khi nhiều khu chung cư và đô thị khác mang nhiều điều tiếng về ban quản lý hay chất lượng công trình thì Vincom không bao giờ có những khủng hoảng tương tự. Từ khách thuê cho đến khách mua và các đối tác liên quan đều được thỏa mãn bởi sự quản lý chuyên nghiệp của đơn vị quản lý trực thuộc Vincom. Kinh ngiệm quản lý các dự bán bất động sản nghỉ dưỡng lớn như Vinpearl, Vinpearl Luxury đã giúp cho Vincom triển khai việc quản lý tốt ở các dự án khác. Trong giai đoạn sơ khởi khi việc quản lý chưa được chuyên nghiệp, Vincom đã sẵn sàng thuê tập toàn Accor, một tập đoàn chuyên quản lý các chuỗi khách sạn cao cấp như Sofitel, Metropole về quản lý khách sạn 5 sao Vinpearl Nha Trang để chuyển giao công nghệ. Sau đó vài năm, Vincom đã chính thức xây dựng được đội ngũ quản lý dịch vụ chuyên nghiệp của riêng mình.

Để có được cơ hội đầu tư các khu đất vàng với vị trí tuyệt vời, Vincom đã tạo được uy tín cho các cơ quan chính quyền về sự chuyên nghiệp của mình, các công trình được xây dựng theo đúng tiến độ, tạo cảnh quan và nguồn thu từ thuế cho các địa phương Vincom tham gia đầu tư. Chính với những uy tín này nên khi lập các dự án mới, Vincom được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương tạo thuận lợi đầu tư.

Tìm được chìa khoá để mở “cửa thoát hiểm”
Khủng hoảng kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngắn hạn và trung hạn của Vincom. Việc lấp đầy các mặt bằng cho thuê bán lẻ cũng sẽ gặp khó khăn do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu nên các nhãn hàng cũng hạn chế mở rộng các cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn khủng hoảng để cắt giảm chi phí.

Lạm phát tăng cao, lãi suất cao cũng như tín dụng cho bất động sản bị hạn chế cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu từ việc bán các sản phẩm biệt thự và căn hộ của Vincom.

Các khách hàng không giải ngân được vốn sẽ giảm đầu tư mua các sản phẩm đang xây dựng của Vincom khiến nguồn doanh thu có thể bị sụt giảm. Việc giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận của các dự án đang xây dựng.

Tuy nhiên, với những gì mà Vincom đã thể hiện trong giai đoạn vừa qua như: tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thi công, giữ đúng cam kết tiến độ với khách hàng, đón đầu thị trường (vì có sự chuẩn bị vốn tốt và đã có thêm một nguồn vốn đáng kể được rót về đều đặn từ số sản phẩm mà khách hàng đã đăng ký mua); duy trì giá bán (và tiếp tục bán được hàng); tiếp tục chuẩn bị đầu tư những dự án BĐS và du lịch mới một cách đầy tự tin và khoa học… khai trương TTTM Vincom Center Long Biên đúng cam kết về thời hạn (24/12/2011) với kỷ lục lấp đầy 100% mặt bằng thuê… có thể nhận định, việc Vincom đã tìm được chìa khoá để mở “cửa thoát hiểm”, vượt qua đợt khủng hoảng này là hoàn toàn có cơ sở.

Chỉ trong thời gian gần 10 năm, từ một thương hiệu không tên tuổi nhưng với những bước đi tiên phong, đầu tư vào những vị trí chiến lược cùng hệ thống quản trị minh bạch chuyên nghiệp đã giúp Vincom trở thành thương hiệu bất động sản có uy tín hiện diện tại nhiều tỉnh thành lớn và được Công ty CP đánh giá Vietnam Report xếp hạng vào top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Theo VEF