Không ai có thể phủ nhận vai trò của Lý Gia Thành trong việc xây dựng một đế chế hùng mạnh đặt nền móng cho ngành thương mại Hồng Kông và góp phần giúp nơi này hội nhập với thế giới.
Song hầu hết mọi người chỉ nhìn thấy những hào quang và bề nổi thành công của nhà kinh doanh “siêu nhân” này mà ít ai biết được ngón nghề kinh doanh lão luyện, những bí quyết để đời trên thương trường của ông.
Ngay cả những chông gai, những khúc gấp riêng tư trong cuộc đời của Lý Gia Thành cũng khép kín đầy bí mật. Cuộc đời thăng trầm của ông giống như một cuốn phim dài tập chưa có hồi kết mà mỗi tập phim, nhà siêu tỉ phú lại mang đến những điều bất ngờ thú vị – đó là những dự án bạc tỉ và triết lý kinh doanh đầy xúc cảm của mình.
Thức dậy trước bình minh và coi khinh “ngày lễ”
“Một bố già làm việc chăm chỉ thế nào?” quả là một câu hỏi hấp dẫn. Với Lý Gia Thành thì sao? Như một thước phim quay chậm, người ta chứng kiến một ngày điển hình trong cuộc đời của bố già số 1 châu Á.
Lý sẽ được đánh thức dậy trước 6 giờ sáng và từ căn nhà trên đồi Deep Water Bay Road ở bờ nam đảo Hồng Kông tuyệt đẹp, ngài cự phú đi xuống sân golf chín lỗ bên cạnh bờ vịnh vào đúng giờ uống trà buổi sáng, 7h. Tiếp đến là màn chơi golf kinh điển. Cùng với một trong những người điều hành cấp cao của mình, Lý có thể chơi với một đối tác kinh doanh đang muốn thăm dò hay đơn giản là với một tỉ phú khác nhà gần đó.
Có thể nói, trò chơi golf là một hoạt động cơ bản trong chuỗi hoạt động kinh doanh-xã hội không chỉ ở Hồng Kông. Hầu như không có ngoại lệ, các bố già đều chơi trò chơi này và là những tín đồ mê đánh golf như điếu đổ. Có thể nói không ngoa rằng, chơi golf, hơn bất kỳ hoạt động nào khác, là chất bôi trơn xã hội của các doanh nghiệp lớn ở châu Á. Sân golf chính là một phần công việc. Thậm chí những buổi tiệc tùng, đám tang hay đám cưới của các thương gia và chính trị gia cũng biến tướng trở thành một phần của các thương vụ. Vì vậy, một buổi chơi golf của đại gia Lý hiển nhiên cũng không là ngoại lệ.
Lý đến văn phòng vào 10h sáng tại Trung tâm Cheung Kong nằm án ngữ phía đông khu kinh doanh trung tâm sầm uất của Hồng Kông. Công việc đầu tiên của Lý là điểm qua báo chí, đặc biệt những tin tức gì liên quan đến ông hay công ty của ông. Từ văn phòng ông, mỗi buổi sáng là liên tiếp các cuộc gọi hoặc triệu tập các nhà quản lý cấp cao đến để giải quyết công việc.
11h30′, Lý đã sẵn sàng để đi massage. Sau đó ông tiếp tục dành thời gian để điều hành các công việc trước giờ ăn trưa, thường là 13h, mà thực chất đó cũng chỉ là dạng bữa ăn-công việc. Rồi ông trở lại văn phòng và làm việc đến 16h chiều rồi trở về nhà. Có thể ông sẽ đi massage lần nữa, sau đó chơi bài với đối tác lúc 18h30′. Cuối cùng, một bữa tối nhuốm màu thương vụ và Lý thực sự nghỉ ngơi vào lúc 22h để sớm mai một chu kỳ mới lại bắt đầu.
Cũng như các đại gia khác, mọi công việc điều khiển doanh nghiệp thực tế Lý Gia Thành đều có thể giao cho những người quản lý để ông có thời gian đi đàm phán, thương thảo, mở rộng chiến lược và quan hệ kinh doanh trong các buổi đánh golf hay ăn trưa… Trong trường hợp của Lý thì người “nô lệ trưởng” đó là Canning Hoắc, tay giám đốc điều hành có dáng dấp mập mạp với mái tóc muối tiêu bù xù. Hoắc làm việc tối tăm mặt mũi cho Lý và bù lại được trả công rất cao.
Theo dư luận đánh giá thì Canning Hoắc có thể là một CEO ngoài nước Mỹ được trả lương ở mức “khủng” – khoảng 15 triệu USD mỗi năm. Nhưng thật ra, không chỉ tiền bạc mà cảm giác quyền lực và sự gần gũi với các bố già khiến các “nô lệ trưởng” càng lúc càng tận tụy làm việc.
Mặc dù những tiêu pha của đại gia Lý là cực lớn so với mức tiêu xài chung của xã hội nhưng hình ảnh của ông vẫn cho đại bộ phận dân chúng thấy một cự phú lắm tiền nhiều của nhưng căn cơ và tiết kiệm. Ông thường hay nhắc về những chiếc đồng hồ bình dân hiệu Seiko hay Citizen rẻ tiền mà ông đeo nhiều năm rằng chúng “vẫn chạy tốt”.
Nhắc đi nhắc lại trong nhiều lần, nhiều dịp, đến mức nó trở thành biểu tượng của ông và còn trở thành chủ đề cho một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, khi ông chỉ chiếc đồng hồ của người phóng viên “đồng hồ của anh sang trọng hơn”. Đó cũng là một cách mà Lý xây dựng hình ảnh, một cách đưa ra thông điệp về bản thân một cách đầy ngụ ý.
Bậc thầy siêu đẳng về “múa rối”
Sau những thắng lợi trên thương trường thời hậu chiến, càng ngày Lý càng hiểu rõ, quyền lực của ông muốn tiếp tục tăng lên chỉ khi ông có những hiểu biết nắm được thị trường toàn cầu và nguồn vốn đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, một sân khấu được dựng lên cho những nhân vật được gọi là gweilo (một người nước ngoài được thuê để làm “nô lệ” cho ông chủ). Người ta gọi Lý Gia Thành là “chủ nhân tối cao của các gweilo” bởi ông là người không hề phân biệt chủng tộc và thấy được giá trị của những “nô lệ Tây”. Lý bắt tay với những thương nhân tiềm năng người nước ngoài, và vừa hợp tác vừa thuê họ làm cho mình.
Một trong những mối quan hệ lâu dài nhất và sớm nhất của Lý là mối quan hệ từ những năm 70 với Philip Tose, một tay môi giới chứng khoán đến từ Anh có cái tên gắn với sự sụp đổ sau này của Tập đoàn Peregrine kinh doanh lĩnh vực ngân hàng và môi giới chứng khoán cho đến năm 1998 vẫn là tập đoàn lớn nhất châu Á. Khi Tose thành lập Peregrine thì chính Lý là một trong những nhà đầu tư sớm nhất và cuồng nhiệt nhất của ông ta.
Có những đồn thổi rằng những quan hệ của Tose với các đại gia, trong đó hiển nhiên có Lý, là những mối quan hệ gần gũi hơn những gì dư luận được biết. Trong khi xét xử những thương vụ giao dịch nội gián đầu tiên, Tòa án Hồng Kông đã tiết lộ sự liên hệ chặt chẽ đến những vụ gom cổ phiếu của Tose có mật báo của Lý Gia Thành. Tuy nhiên lần đó với lời chứng của Lý, Tose được miễn tội.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 xảy ra, Peregrine gục ngã giống như kết cục của bất kỳ nhà điều khiển thị trường giá lên trắng trợn nào. Lý Gia Thành đã không thể mở hầu bao cứu Peregrine nhưng ông tỏ rõ mình là một thủ lĩnh đáng nể. Mặc dù truyền thông công khai mọi tiêu cực liên quan đến Peregrine và tòa án cấm Tose không được phép đều hành một doanh nghiệp nào nhưng Lý vẫn đưa ông ta vào biên chế của mình với tư cách cố vấn cho Hutchion.
George Magnus cũng là một nhà quản lý người Anh của Tập đoàn Haw Par được Lý thuê để làm việc. Người ta chú ý đến sự kiện Haw Par tuyên bố mua 20% cổ phần tại Cheung Kong của Lý Gia Thành. Nhưng đáng nói là một vài tuần sau đó, Magnus từ chức giám đốc điều hành tại Haw Par và chẳng bao lâu sau, năm 1978 Cheung Kong được công bố là bán cho Lý. Sau đó, Magnus trở lại làm giám đốc điều hành của Cheung Kong, tiếp đến là chức Phó chủ tịch và những vị trí giám đốc nhiều công ty khác của đại gia Lý.
Năm 1984, Lý thuê Simon Murray, một tay CEO kỳ cựu về làm giám đốc điều hành của Hutchion. Đây cũng là thời kỳ Cheung Kong của đại gia Lý đang cực kỳ túng quẫn vì vụ đổ vỡ bất động sản hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và Lý còn bị nghi ngờ về giao dịch nội gián với International City Holdings. Trong bối cảnh này, Murray đã mang lại sự tín nhiệm rất cần thiết và là điểm tựa cho Lý trong giai đoạn đầy khó khăn. Cho đến năm 1993, sau những bất đồng và khác biệt về quan điểm chiến lược, Murray đã được Lý hậu thuẫn để thành lập một công ty chứng khoán riêng và cùng với 2 giám đốc điều hành khác được chi trả 3 triệu USD để rời Hutchion như một sự tuột dốc nhẹ nhàng.
Khi công việc kinh doanh mở rộng, Lý Gia Thành càng chiêu mộ nhiều hơn những người nước ngoài vào các lĩnh vực chuyên môn. Hiện nay, trong đế chế của ông trùm tài chính châu Á vẫn có 2 người Anh điều hành hải cảng và các doanh nghiệp bán lẻ của ông. Một người Canada giữ vai trò chủ chốt là Giám đốc tài chính tại Hutchion. Lý là người sử dụng gweilo xuất sắc và hoàn toàn không giống như các đại gia khác. Ông không coi họ là những kẻ làm thuê tầm thường mà luôn coi trọng năng lực từng người cũng như tỏ rõ phẩm chất của người thủ lĩnh.
Ông là hiện thân cao nhất của một bố già luôn vận động và ủng hộ chủ nghĩa quốc tế. Người ta tôn sùng ông là bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật “múa rối” trên thương trường, một tay lão luyện trong việc thu hút tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới. Vốn tiếng Anh tự học của ông không hoàn toàn lưu loát nhưng đủ để điều hành hiệu quả với những gweilo. Ông cũng không bao giờ sử dụng tiếng Anh trong các cuộc họp cổ đông hay khi bị vây bởi các nhà báo. Khi ấy, ông là một người Quảng Đông chính hiệu dù chất giọng Triều Châu đã lai tạp phần nào khiến nó càng đặc biệt hơn.
Những góc đời riêng
Chỉ có một vợ và hai con là điều mà Lý Gia Thành không trong thông lệ của những bố già châu Á phất lên từ thời hậu chiến. So với những bố già đầy thê thiếp và con riêng con chung khác như Hà Trọng Hàm của Indonesia có tới 18 thê thiếp chính thức được công nhận cùng 42 người con, hay như Stanley Ho, ông vua sòng bạc Macao với 4 người vợ chính thức kèm 17 đứa con được thừa nhận thì Lý là một hình ảnh đối nghịch của sự phóng túng. Song, không phải vì thế mà đời riêng của Lý thật là bằng phẳng. Ngay cái chết của người vợ đầy nghĩa nặng Amy, không chỉ làm Lý lao đao về tình cảm mà còn làm cho đại gia này “lên bờ xuống ruộng” với báo chí. Tin đồn Amy tự tử loang ra, khiến Lý Gia Thành nổi giận trước việc truyền thông như những con kền kền kiếm chác trên đau đớn của gia đình ông.
Lúc này, cậu con trai thứ Richard mới 12 tuổi của Lý được gửi đến trường nội trú sau cái chết của mẹ. Không biết có phải vì tổn thương sâu sắc trước biến cố này hay còn những yếu tố tâm lý, định kiến đặc biệt khác mà Richard luôn bị coi là người luôn có mâu thuẫn với cha và quan hệ giữa hai cha con khá căng thẳng. Với người con cả Vicktor thì gia đình họ Lý từng một phen điêu đứng. Giữa thập niên 90, nạn bắt cóc đã có sự chuyển biến lớn tại Hồng Kông với sự xuất hiện của các băng nhóm kết nối với Hội Tam hoàng tại đại lục.
Một nhóm khét tiếng bấy giờ là nhóm của “kẻ tiêu tiền như nước” Cheung Tze-keung đã bắt giữ con trai cả nhà họ Lý với món tiền đòi chuộc tới 1 tỉ đôla Hồng Kông. Đại gia Lý chọn cách không báo với cảnh sát mà bắt tay với các đồng nghiệp và mạng lưới quan hệ tin cậy để rút 1 tỉ từ ngân hàng Hồng Kông để giải quyết êm thấm. Sau vụ này, các đại gia và đặc biệt Lý Gia Thành càng thận trọng với sự an toàn của họ và người thân. Hơn thế nữa, các vụ bắt cóc còn sự đe dọa bí mật của các đại gia.
Lý Gia Thành luôn tâm niệm: Cái truyền lại cho con không chỉ là tiền bạc mà là những gì đã trải nghiệm trong cuộc đời, đó là tinh thần vươn lên, tự tôi luyện mình trong gian khó và quyết không cúi đầu. Ông luôn căn dặn con không được sống buông thả, trong kinh doanh luôn trọng chữ tín và phải thật thành tâm. Cả hai con trai của Lý Gia Thành là Vicktor và Richard sau khi tốt nghiệp Trường đại học Stanford (California) đều được Lý đưa sang Canada tự thân lập nghiệp.
Tại Canada, Vicktor lập công ty bất động sản, còn Richard trở thành cộng sự trẻ nhất trong ngân hàng đầu tư số 1 Toronto. Hiện tại, Vicktor đã là Tổng giám đốc Tổng Công ty Trường Giang Thực Nghiệp. Tuy nhiên, Vicktor lại không thích tiếp quản cơ nghiệp của bố để lại nên Lý Gia Thành đang từng bước trao quyền cho con trai thứ. Richard hiện đang là Phó chủ tịch Công ty Phát thanh Truyền hình vệ tinh, cung cấp mạng lưới truyền thông cho hơn 50 quốc gia, đồng thời gây dựng Tập đoàn Doanh Khoa, kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, khách sạn…
Richard Lý cũng tiếp nhận Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố, nơi quản lý mạng điện thoại MobilFone tại 3 châu lục. Cả hai người con của Lý Gia Thành đang và sẽ tiếp tục là thế hệ tiếp nối đáng tự hào của gia nghiệp mà cha họ cả đời gây dựng nên.
Theo Nguyễn Hải, Nguyễn Linh