Google – “Nở hoa trong lòng địch”

Tháng trước, Google đã cho ra mắt phiên bản Google Maps và Gmail chạy trên hệ điều hành iOS với ý định giúp iPhone trở thành thiết bị di động tiên tiến nhất hành tinh. 
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao ông chủ sở hữu Android và Motorola lại đi giúp kình địch của mình? Lời giải cho nó chỉ gói gọn trong hai chữ “quảng cáo”.
Android là HĐH smartphone “ăn nên làm ra” cùng với công việc kinh doanh quảng cáo của Google bởi nó đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ đối với “ông vua tìm kiếm”. Họ không quá quan tâm tới chuyện khách hàng sẽ dùng HĐH gì để xem quảng cáo của mình hay truy cập vào các trang web, thay vào đó, họ tập trung lôi kéo khách hàng đến với mình và tìm cách giữ chân họ. Ngoài ra, Google đầu tư vào Android chủ yếu nhằm đảm bảo các công ty đối thủ như Apple hay Microsoft không thể “đá văng” họ ra khỏi thị trường smartphone.
Tuy nhiên, trong thời kì cạnh tranh từng centimet thị phần như hiện nay, nắm bắt được chiến lược kinh doanh của Google là một công việc đặc biệt quan trọng nên một loạt các ông lớn trong làng công nghệ thế giới như Apple, Facebook hay Twitter đều đang thận trọng xác định phương thức chuyển giao và sở hữu phần mềm.
Theo ý kiến của Joel Spolsky, CEO của startup Stack Overflow và cũng là tác giả của bài viết về nguyên nhân tại sao các tập đoàn công nghệ ghìm giá sản phẩm của mình cho biết: “Google không quá quan trọng chuyện kiếm lời từ mã nguồn mở Android, thay vào đó, họ kiếm tiền khi khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Ngoài ra, Android chỉ mang ý nghĩa tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường và “dìm giá” thiết bị di động bởi chúng là công cụ hỗ trợ các dịch vụ [trên nền website] của Google.”
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Google cho phép “đứa con cưng” Google Maps và Gmail của mình nhập cuộc. Ứng dụng tìm đường Maps có vẻ như là một công cụ bán quảng cáo lý tưởng khi nó không chỉ giúp người dùng biết được mình đang ở đâu hay sẽ đi đâu mà còn giúp họ tìm kiếm vị trí các công ty theo dữ liệu đăng kí trước. 
Hiện tại, Google Maps dành cho iOS vẫn chưa có hình thức quảng cáo như trên nhưng có vẻ như tình trạng trên không còn kéo dài bao lâu nữa khi Android đã áp dụng thành công phương thức này. Bên cạnh đó, Gmail phiên bản iOS cũng là một mảnh đất quảng cáo đầy hứa hẹn khi phiên bản web của nó thường có các pop-up quảng cáo đến với người dùng bên cạnh các e-mail.
Hiện tại, Google chỉ quan tâm tới kinh doanh quảng cáo và đây là lý do tại sao họ rút lại chức năng dẫn đường turn-by-turn (một tính năng đặc biệt của Google Maps) từ bộ dữ liệu từng cung cấp cho ứng dụng Maps của Apple. Điều này có thể hiểu được là do Táo khuyết đang kiểm soát đầu ra của sản phẩm trong khi Google chỉ là một nhà cung ứng phần mềm hỗ trợ và không được “lợi lộc” gì vì không có cơ hội kinh doanh quảng cáo với các bên thứ 3. Mặc dù hiện nay Google Maps là một “phần mềm ứng dụng độc lập” (standalone product) – phần mềm chỉ cần có HĐH, không cần tới các phần mềm đi kèm và có tiềm năng kinh doanh quảng cáo rất lớn.
Khi được hỏi về Google, Danny Sullivan – tổng biên tập trang searchengineland.com cho biết: “Họ [Google] đang kinh doanh phần cứng và quan tâm tới việc kiếm lời từ chúng, nhưng họ không quá đặt nặng chuyện kiếm được nhiều tiền như Apple trong mảng này. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn tới kinh doanh quảng cáo và mục tiêu của Google là phục vụ khách hàng bất cứ đâu họ cần.”
Tuy nhiên, Google không hẳn là công ty duy nhất hỗ trợ địch thủ của mình vì mục đích cá nhân. Trước kia, Microsoft từng là “người đỡ đầu” cho dòng máy tính Macintosh của Apple hàng chục năm bởi khi đó, mục tiêu kinh doanh chính của “ông vua phần mềm” chỉ là bán được các phần mềm ứng dụng và không có ý cho HĐH Windows của mình “lên sàn” cạnh tranh. Đặc biệt “trong thời kì đầu những năm 1990, khi lợi nhuận thu về Microsoft của Mac nhiều hơn của Windows, hầu hết những người sở hữu máy của Apple đều phải mua một bản copy của Word và Excel trong khi người dùng Windows đã có sẵn WordPerfect và Lotus 123 và chỉ một số ít mua Word hay Excel.” – Spolsky, cựu nhân viên của Microsoft cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Google đã có sẵn những kế hoạch riêng dành cho các ứng dụng chạy trên nền iOS và đang chờ tới thời điểm thích hợp. Họ sẽ đánh bại Apple khi đưa mọi thứ “lên mây”, từ bản đồ định vị, e-mail cho tới mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và trung tâm dữ liệu được tối ưu hóa có thể khiến các ứng dụng của iOS “lao đao” trong những năm tới đây.
“Google CEO – Larry Page thực sự rất tài năng và ông biết mọi thứ không còn nằm trong hộp tìm kiếm (search box) nữa và thay vào đó là cuộc chạy đua lợi nhuận kinh doanh đến từ hình thức quảng cáo của Google. Có 10 cách để biến Google Maps trở thành vũ khí chống lại các hãng khác nhưng trước tiên, nó phải là “tay trong” của iOS đã” – Aydin Senkut, nhà sáng lập, giám đốc quản trị của Felicis Ventures và cũng là giám đốc sản xuất của Google cho hay.

Theo strategy