Start-up và những lỗi gọi vốn

Các công ty và dự án khởi nghiệp luôn phải đối diện với vấn đề gọi vốn. Đa phần đều gặp phải thất bại do mắc lỗi trong quá trình này.
Theo thông lệ, các công ty khởi nghiệp (start-up) thường có vốn điều lệ từ khoảng 500 triệu đến 2-3 tỷ đồng. Nếu gọi vốn thành công, nhóm tác giả sẽ có trong tay giá trị cổ phần cao hơn, tùy thuộc vào số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra. Với những nhóm nhỏ thử nghiệm ý tưởng, thông thường các nhà đầu tư sẽ bỏ ra khoảng 10-50 nghìn USD (chiếm 10-20%); các nhóm đã có mô hình rõ rệt thì từ 100-500 nghìn USD (khoảng từ 20-40%); các nhóm xuất sắc sẽ được đầu tư từ 1-2 triệu USD. Tuy nhiên, để có được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm lại không phải là một chuyện dễ dàng.

Hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước, mỗi một tổ chức lại có những tiêu chí đầu tư khác nhau. Quỹ VinaCapital thường chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp đã ổn định, có dòng tiền tốt, cần vốn lớn (như đã đầu tư vào Thế Giới Di Động); Cyber Agent chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp hay nhóm nhỏ khởi nghiệp; IDG Venture chỉ quan tâm đến lĩnh vực công nghệ hay thương mại điện tử… Riêng với quỹ đầu tư của Tập đoàn Công nghệ CMC, mối quan tâm không chỉ là các doanh nghiệp hay nhóm khởi nghiệp có ý tưởng tốt mà còn phải có khả năng cộng hưởng với tiềm lực và ngành nghề mà công ty đang hoạt động.
Do đó, để có thể gọi được vốn đầu tư thành công thì việc nghiên cứu kỹ chính sách của từng quỹ khác nhau là điều hết sức cần thiết đối với các start-up. Ngoài ra, hiểu rõ thị trường và sản phẩm của mình là điều mà các chuyên gia tài chính từ các quỹ đầu tư vẫn thường khuyến nghị cho các start-up. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng hiểu rõ được điều này và vì vậy, họ thường gặp phải những sai sót không đáng có khi kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ.

Lặp lại và tự kiêu
Một trong những lỗi mà các start-up thường gặp phải là không ý thức được sản phẩm của mình đang ở mức độ nào. Cách đây ít lâu, một nhóm tác giả đã tìm gặp các chuyên gia tư vấn của CMC để chia sẻ về sản phẩm tìm kiếm trên Internet của mình và cho rằng, rất phù hợp với thị trường Việt Nam. Xét về mặt kỹ thuật, đây là một nhóm có năng lực tốt, các thành viên đều có kỹ năng và kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu xét về mặt thị trường, nhóm này đã không chỉ ra được đâu là những lợi thế cạnh tranh với đối thủ về công nghệ tìm kiếm. Theo các chuyên gia thẩm định của quỹ đầu tư CMC, mặc dù năng lực của nhóm tác giả trên rất tốt, nhưng họ đã chọn một giải pháp có tính chất lặp lại những gì thế giới đã đi trước. Do đó, quỹ đầu tư đã không lựa chọn nhóm tác giả trên.
Sự phản biện của các nhà đầu tư giống một gáo nước lạnh giúp start-up giữ được sự tỉnh táo trong suốt hành trình tìm kiếm sự thành công
Sự tự tin thái quá cũng sẽ làm các start-up bị mất điểm trong mắt các quỹ đầu tư. Tự nhận là không có đối thủ, một chuyên gia trong làng công nghệ đến gặp các quỹ đầu tư để kể về một giải pháp quản lý doanh nghiệp hoàn hảo, các chức năng được Việt hóa và có tính linh hoạt cao, có thể tùy biến theo bất kỳ yêu cầu phức tạp nào của khách hàng. Chuyên gia nọ khẳng định, nếu tổ chức kinh doanh bài bản chắc chắn giải pháp quản lý của anh sẽ không có đối thủ trên thị trường… Trên thực tế, đại diện các quỹ đầu tư cho biết, họ thường xuyên gặp những trường hợp này và phần lớn rơi vào các chuyên gia về công nghệ. Đây là những người có năng lực kỹ thuật tốt, nhưng lại thiếu thông tin về thị trường, vì vậy khi giới thiệu sản phẩm thường chủ quan về vị thế độc tôn của mình.

Ở trường hợp kể trên, trong quá trình thẩm định thực tế, nhà đầu tư nhận ra rằng, giải pháp trên đã có nhiều đối thủ làm, không những thế còn làm chuyên sâu hơn. Thêm vào đó, do thiếu nghiên cứu thị trường nên tác giả không nắm được các điểm cốt lõi cho thành công của sản phẩm, cụ thể ở đây là những quy trình quản lý có tính đặc thù ngành, vì thế đặc tính linh hoạt cao của sản phẩm không phù hợp trong bối cảnh này.

Có khách hàng chưa chắc sản phẩm đã hay
Nếu như 2 tác giả ở trên mới chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng thì câu chuyện của vị giám đốc doanh nghiệp trẻ dưới đây lại khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi. Trước khi đến gặp quỹ đầu tư để gọi vốn, theo lời kể của ông chủ doanh nghiệp thì sản phẩm của anh đã có đối tác sử dụng. Và đây chính là “vũ khí lợi hại” mà vị giám đốc trẻ nọ sử dụng khi thuyết phục các quỹ đầu tư. Anh cho biết, sản phẩm của mình đã được thị trường chấp nhận và do đó cơ hội phát triển của doanh nghiệp sẽ rất tươi sáng. Tuy nhiên, thực tế khảo sát, đánh giá của các quỹ đầu tư lại cho ra một kết quả không mấy khả quan, khi sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở một vài đối tượng khách hàng và không phải là cái mà phần lớn thị trường đang hoặc sẽ cần.
Vị giám đốc trẻ trên chỉ là một trong số rất nhiều bạn trẻ hiện nay sau khi đưa ra sản phẩm và có một số khách hàng nhỏ sử dụng đã vội vàng thành lập công ty để kinh doanh và sau đó kết quả thu về không đạt như ý muốn. Điểm mấu chốt mà họ gặp phải ở đây là việc xác định dung lượng thị trường hợp lý. Rất nhiều sản phẩm có thể bán được trong một phạm vi nhỏ, nhưng lại không phải là cái mà cả thị trường lớn đang cần. Không giải quyết được bài toán về thị trường và lợi nhuận này, việc không được các quỹ đầu tư chấp nhận cũng dễ hiểu.
Tuy nhiên, không phải vì lẽ đó mà các doanh nghiệp ngại tiếp cận với các quỹ đầu tư. Hầu hết các quỹ đầu tư đều sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và sẽ đưa ra những gợi ý tốt nhất cho start-up. Sự phản biện của các nhà đầu tư giống như một gáo nước lạnh. Nó giúp start-up nhận biết được đâu là yếu tố cần thiết để giữ được sự tỉnh táo trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm thành công.

Nhà đầu tư muốn gì ở các công ty startup?
* Hãy chứng minh sản phẩm và dịch vụ của bạn mang lại giá trị thực sự cho người dùng và tạo sự khác biệt (khó sao chép) với đối thủ.
* Hãy chứng minh bạn có đủ nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực để thực thi kinh doanh.
* Hãy chứng minh bạn có một mô hình kinh doanh phù hợp với Việt Nam.
* Và cuối cùng là một kế hoạch hành động rõ ràng, có bao gồm một bảng dự báo về tài chính trong 3-5 năm. những dự báo thường không chính xác, song vẫn không thể thiếu để các nhà đầu tư có thể phản biện và góp ý về tính khả thi của dự án.

Theo Lê Chí Dũng