Cá tính, thông minh và có cả chút liều lĩnh, ngay từ khi là sinh viên, Nhật Minh và Thúy An đã có thu nhập trong mơ với 50-80 triệu đồng/tháng.
Đều bắt đầu từ việc bán hàng trong các cửa hàng thời trang, sau đó dần dần chạy vạy, tìm hiểu và bắt đầu xây dựng cho mình một cửa hàng nhỏ trong tay. Từ những ngày đầu khách ít, chưa dám nhập nhiều hàng thì sau 2-3 năm, 2 bạn trẻ này đã kinh doanh “thắng lợi”, duy trì được một cửa hàng có tiếng ở Hà Nội.
Không phải tự nhiên mà trong rất nhiều cửa hàng thời trang ở Hà Nội hiện giờ, cửa hàng của 2 bạn trẻ này được nhiều người biết tới và yêu thích.
Ngoài việc có hàng đẹp, độc, phối đồ hay, họ còn đầu tư trang trí tỉ mỉ cho không gian của cửa hàng. Từ màu sắc, mùi hương, giá để đồ, móc treo, tranh ảnh… đều được bài trí cá tính, tạo hứng thú cho khách hàng.
Bên cạnh đó, họ liên tục mời mẫu về chụp hình, lên nội dung rõ ràng cho từng bộ ảnh của đợt hàng, từng loại quần áo. Quan trọng, để kinh doanh được cửa hàng thời trang lâu dài, bản thân họ cũng là những người ăn mặc thông minh và cá tính để tạo sự tin cậy, thu hút nhiều khách hàng, giúp họ này có thu nhập “trong mơ”.
Đây là 2 trong số khá nhiều các bạn trẻ có thu nhập được gọi là “khủng” từ việc kinh doanh cửa hàng thời trang khi còn đang là sinh viên và cho đến nay, thu nhập của họ đang là mơ ước của rất nhiều người.
Hai người bạn này dường như có một công thức chung để tạo nên thành công: Cá tính, sáng tạo; đam mê kinh doanh và dám nghĩ dám làm.
Nhật Minh với thu nhập 40-50 triệu/tháng
Lê Nguyễn Nhật Minh (SN 1990) được biết đến là stylist của St.319. Trước đó, Nhật Minh cũng đã nổi tiếng với việc sở hữu một cửa hàng thời trang riêng, có tiếng ở Hà thành. Tuy là một cửa hàng nhỏ, lại nằm trong ngóc ngách khó tìm nhưng cửa hàng của Nhật Minh lại được rất nhiều người tìm đến bởi sự độc, mới lạ, đăng tải nhanh các mốt đang thịnh hành, không gian được bày trí đẹp.
Cửa hàng của Minh được mở từ 2 năm nay, và ban đầu rất ít khách: “Mình mở một cửa hàng nằm trong ngách nhỏ, không biển hiệu, không chỉ dẫn, khá là táo bạo vào thời điểm lúc bấy giờ. Mục đích của mình là một cửa hàng không quá hoành tráng bên ngoài, nhưng là nơi mà tất cả những ai khó tính và thời trang nhất có thể ghé qua, là nơi để những đam mê về thời trang có thể gặp nhau”.
Với việc kinh doanh khá “liều lĩnh” lúc ban đầu ấy, về sau lại làm nên sự đặc sắc cho cửa hàng của Minh. Đến bây giờ, Minh đã gửi lại được mẹ của mình số vốn mượn và hiện nay thu nhập mỗi tháng 40-50 triệu đồng.
Trước đó, để có thể cho mình được một ít vốn khác, khi tốt nghiệp cấp 3, Minh đã đi làm thêm để “cá kiếm” và tích lũy kinh nghiệm.
Là sinh viên ngành Ngân hàng ở Học viện Ngân hàng, đã từng nhiều người nói rằng nếu đi làm công việc đúng ngành học của mình, thì lương sẽ cao hơn là việc kinh doanh thời trang lời lỗ không biết trước, lại không có tổ chức, đoàn thể hay đồng nghiệp, thì Minh nói: “Mình thấy mình khá thoải mái với công việc bây giờ, dù ngành học của mình cũng khá là có tương lai.
Vì mình xác định bản thân mình không hợp với cuộc sống văn phòng mà thay vào đó thì mình thích bay nhảy, làm những điều gì đấy mới mẻ. So với bạn bè cùng tuổi thì nhiều người bạn của mình đã đi làm, lương tháng ổn định và khá cao.
Có thể công việc mình có bây giờ thu nhập không bằng nếu mình chọn con đường đi làm, nhưng cũng đủ để mình tự lo được bản thân và không dựa dẫm vào bố mẹ nữa.
Hơn nữa, mình nghĩ kiếm tiền quan trong, nhưng hạnh phúc với những đồng tiền kiếm được từ đam mê lại quan trọng hơn. Mình có thể đi làm 10-20 năm, nhưng đam mê thì sẽ theo mình cả đời”.
Theo Minh, việc kinh doanh khi còn trẻ giúp bạn được nhiều hơn là mất: “Có thêm những bạn bè hợp gu về thời trang, những người anh em thân thiết mỗi đợt đi nhập hàng, những mối quan hệ xã hội mới, công việc mới như làm mẫu, stylist…. Còn mất thì có lẽ chỉ là thời gian. Thời gian dành cho việc học tập và cho bản thân cũng bị ít đi”.
Nói về việc sử dụng cho thu nhập của mình, Minh chia sẻ: “Số tiền mình kiếm được hầu như đều phục vụ nhu cầu thời trang của mình, vì mình là một người rất thích quần áo và giày, nên nó cũng ngốn khá nhiều. Ngoài ra thì thỉnh thoảng mình biếu mẹ để mẹ đi lễ hay du lịch”.
Thu nhập hiện tại của Minh có thể coi là một con số lớn so với độ tuổi của mình, Minh chia sẽ rằng cậu thấy xứng đáng cho những gì bản thân đã bỏ ra 2 năm qua khi bắt tay vào việc kinh doanh, hơn nữa đó là cái giá cho việc “dám nghĩ dám làm”.
Tuy nhiên, nói đến đây Minh lại nói giá như mình mở cửa hàng sớm hơn, cho rằng mở cửa hàng khi đang học năm 2 đại học là khá muộn so với khả năng và đam mê đã ấp ủ đến “nóng ruột” từ những năm học cấp 3.
Thành quả từ việc lao động nghiêm túc không những giúp Minh kiếm được tiền mà còn giúp cậu “sống hết mình với đam mê, có cho mình được một không gian riêng, tuy nhỏ nhưng lại có cả phong cách, thời trang, cá tính của chính mình trong đó.
Từ những gì đã đạt được, sắp tới Minh sẽ có thêm nhiều dự án về thời trang khác, thành công hay không chưa biết nhưng công việc gắn liền với đam mê mà lại “hái ra tiền” thì những người trẻ như Minh rất ngóng đợi và muốn nhanh chóng được thực hiện chúng”.
Cô chủ liều lĩnh
Cũng như Nhật Minh, Vũ Thúy An (SN 1989, vừa tốt nghiệp ngành thiết kế Đồ họa của Viện Đại học Mở ) cũng phải đi làm thêm, bán hàng ở các cửa hàng rồi mới tích lũy vốn, kinh nghiệm để mở cửa hàng. Ban đầu, bố mẹ ngăn cản, cộng với kinh nghiệm “chưa đâu vào đâu”, An đã bán hàng online cho “an toàn” nhưng lại khá vất vả.
Từ việc bán hàng online để xem có “duyên với nghề” hay không, An đã kiếm được một chút vốn, càng bán càng thấy yêu thích công việc này. Cuối cùng, An đã mở cho mình một cửa hàng riêng, nhưng khó khăn với việc tìm địa điểm nên cuối cùng phải chọn một nơi khá vắng vẻ, ít khách đi lại. Nhưng dần dần nhờ hàng đẹp, mới lạ, giá cả dễ chịu đã khiến cô bạn có được nguồn thu nhập đáng kể.
Đến khi gần được 2 năm kinh doanh, An mở thêm một cửa hàng nữa, thu nhập từ 2 cửa hàng một tháng khoảng 80 triệu đồng. An dành khá nhiều thời gian và công sức để có thể duy trì hai cửa hàng này của mình: “Việc gây dựng cho cửa hàng một tên tuổi cũng khá vất vả, không những vậy mà còn phải duy trì nó thật tốt nữa.
Bây giờ rất nhiều cửa hàng mở ra, nên việc để cửa hàng duy trì được lượng khách đông như bây giờ mình luôn phải tạo ra phong cách riêng cho cửa hàng, để tránh bị đụng hàng với mọi người, không những vậy mình cũng luôn phải giữ mức giá ổn định nhất”.
Học về đồ họa, nên An chia sẻ kiến thức ngành học giúp An nhiều trong việc kinh doanh, vừa là trang trí cửa hàng vừa là để chọn lựa quần áo, phụ kiện cho cửa hàng của mình.
“Số tiền kiếm được, mình đã góp một phần để bố mẹ xây nhà, số còn lại tự tặng cho mình một chiếc xe máy và những vật dụng cần thiết… Mình tự sắm hết những gì bản thân cần nên rất thích thú, vì đó chính là công sức của mình. Nếu ai đó hỏi có tự hào với những gì đã làm được không thì mình gật đầu. Ban đầu từ bàn tay trắng, không phải có sẵn trong tay bất cứ cái gì để gây dựng, vậy nên mình hoàn toàn tự hào về những gì đã làm được” – An chia sẻ
Tuy có nguồn thu nhập được gọi là “khủng” như vậy nhưng cô bạn vẫn tiếc nuối khi nhắc đến việc đi làm theo đúng ngành học của mình: “Mình cũng rất thích đi làm, chỉ nghĩ đến việc cuối tháng nhận lương cũng rất thích thú, quen nhiều đồng nghiệp, có kinh nghiệm trong giao tiếp, và làm nghề mà mình đã học trong 5 năm đại học cũng là mong ước của mình khi ra trường.
Nhưng hiện tại mình không thể quán xuyến hết tất cả mọi thứ cùng một lúc, nên mình chỉ tập trung được cho việc nuôi dưỡng đứa con tinh thần, vì thực sự nó là niềm đam mê đối, và cũng là công việc chính. Dù tiếc nuối nhưng là đã làm đam mê rồi thì không bỏ được” – An nói
“Có nhiều người có vốn nhiều, địa điểm kinh doanh lại “đẹp” nhưng nếu không có gu thẩm mỹ, không bỏ công sức, không nghiêm túc đầu tư thì cửa hàng dựng lên cũng không làm ăn được lâu dài. Nhìn qua nghĩ rằng bọn mình kiếm tiền dễ, nhưng không phải, mà nếu dễ thật đi chăng nữa cũng hoàn toàn xứng đáng với những gì bọn mình bỏ ra.
Mình nghĩ “dám nghĩ dám làm dám nhận thất bại là yếu tố trước tiên để bạn có thể kinh doanh, còn để duy trì được hay không còn tùy thuộc nhiều ở chính bạn” – đó là lời chia sẻ chung của Nhật Minh và Thúy An về việc kinh doanh khi còn trẻ.
Kinh doanh thời trang những năm gần đây rất thu hút giới trẻ tham gia, nhưng để cửa hàng của mình có “tiếng tăm” và đem lại thu nhập khủng thì không phải dễ gì thực hiện được.
Theo dddn