Bí quyết kinh doanh của Á Đông silk

Kinh doanh tại Hội An – di sản văn hóa Việt Nam và đặc thù kinh doanh mà một doanh nghiệp Việt như Á Đông Silk chọn là khá khó: May đo quần áo cho khách hàng từ trung lưu đến thượng lưu khắp thế giới với gu ăn mặc khác nhau như trời với đất và ý thức tiêu dùng khác biệt. Thế nhưng Á Đông silk vấn là một doanh nghiệp may đo rất thành công ở Hôi An. Đâu là bí quyết kinh doanh của doanh nghiệp này?
Ở Đông Nam Á và Đông Á có các trung tâm thời trang lớn khác biệt. Hồng Kông cung cấp cho du khách thương hiệu nổi tiếng. Bangkok là một trung tâm hàng thời trang may sẵn tầm cỡ khu vực. Đến Hội An, khách vẫn bỏ ra từ vài trăm đến vài ngàn USD để đo may quần áo.

Nhìn cận cảnh doanh nghiệp may đo ở Hội An mới thấy cái khó của người nhận may đo cho cả thế giới. Hãy nghe ý kiến một vị tham tán Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam:

“Tôi thích đến những showroom may mặc của Hội An chính vì nó giống nơi thư giãn tuyệt vời. Tôi được biết ca sĩ trưởng nhóm nhạc Rolling Stone, bộ trưởng du lịch các nước ASEAN, các phu nhân đại sứ và những khách du lịch đa quốc tịch đều đã chọn may khá nhiều trang phục cá nhân khi đến Hội An”.

Tại sao họ tin tưởng người thợ may ở một phố cổ nhỏ xíu như Hội An? Đơn giản vì khách nhìn thấy một chuẩn quốc tế trong văn hóa kinh doanh ở Hội An, những chuẩn mực đã hình thành từ cách đây 300 năm.

Mỗi lần đến doanh nghiệp này, ngắm cái logo giản dị Á Đông Silk, thấy được sự phát triển của Á Đông Silk làm bao người phải suy nghĩ về giá trị nó hàm chứa.

Bây giờ Á Đông Silk đã có một số công ty Âu – Mỹ liên kết làm hàng may đo cho khách. Á Đông Silk đã mở chi nhánh may đo tại Mỹ, được các công ty quốc tế đặt gia công sản phẩm cho các cuộc trình diễn thời trang tại Las Vegas.

Chuỗi liên kết không có hoa hồng
Đừng nghĩ mình khác biệt, độc đáo là mình chắc thắng. Bởi không gì mong manh và dễ bị đánh cắp hơn cái độc đáo. Hãy xem cách Á Đông Silk lo cho di sản văn hóa Hội An như thế nào. Một lần anh Trần Thái Do, Giám đốc Á Đông Silk, thấy bà cụ bán tò he đất lấy giấy báo gói hàng cho du khách, anh đã in hàng nghìn bao bì có hình con tò he và hai chữ Hội An, không có logo của đơn vị, tặng người bán hàng rong gói hàng.

Á Đông Silk cũng tặng hàng ngàn túi xách sử dụng nhiều lần cổ động cho việc không dùng bao ny lông tại Hội An, phát không cho người dân dùng. Ở xứ ta có bao nhiêu doanh nghiệp lo cho mảnh đất nơi mình đang kinh doanh như thế?

Có doanh nghiệp hễ cứ tài trợ một món nhỏ là đòi quảng bá ngay hình ảnh của mình. So đo và rị mọ, mục đích này lẫn vào yêu sách kia, cái đẹp tự nhiên bị lu mờ.

Á Đông Silk từ chối lợi riêng, nhưng Hội An đẹp, đúng chuẩn văn minh, thì doanh nghiệp ở Hội An mới phát triển. Nếu tất cả doanh nghiệp Việt đều đối xử với mảnh đất nuôi dưỡng sự nghiệp kinh doanh của mình như vậy, chắc chắn sẽ có một hình ảnh Việt đẹp và phù hợp với thương trường quốc tế.

Và doanh nghiệp Việt nên dựa trên giá trị bền vững để tiến ra thế giới. Hãy nghe ông chủ của Á Đông Silk tâm sự:

“Hội An như giá trị tinh thần nuôi dưỡng con người nhân nghĩa trong mọi biến thiên thời cuộc, có khả năng hòa nhập nhanh vào mọi dòng chảy kinh tế thế giới. Người Hoa buôn bán chỉ lấy tiền gốc cộng với rất ít tiền lãi. Họ lấy công làm lời và bảo vệ quyền lợi khách hàng để giữ khách.

Bây giờ những người làm dịch vụ bảo vệ khách thế nào khi chi phí môi giới lên đến 30%? mà “số dư” này không ai ngoài khách phải gánh chịu. Từ năm 2005, Á Đông Silk đã xác định cùng chăm sóc khách hàng, các công ty lữ hành, hướng dẫn viên, tài xế taxi, xích lô tẩy chay vì không được chi tiền phần trăm, nhưng sản phẩm may mặc của Á Đông Silk vẫn lôi kéo được các đối tác du lịch chuyên nghiệp”.

Họ bắt tay nhau trong một chuỗi liên kết “không có hoa hồng”. Du lịch Việt Nam muốn phát triển, nâng chất lượng phục vụ, tạo ấn tượng tốt, phải dứt khoát với tệ nạn “phí môi giới”, vì nó tạo bất công cho du khách, làm hỏng môi trường văn hóa du lịch.

Tất cả những gì “lặt vặt” đó là chuẩn mực của Á Đông Silk và vì thế, doanh nghiệp này không cần dựa dẫm vào các mối quan hệ. Một doanh nghiệp Việt với giá trị tự thân như vậy tất nhiên đủ sức “ứng xử” với đòi hỏi của cả thế giới.

Theo gomm