29 tuổi, Sean Obedih là nhà sáng lập The Founders Hive – một tổ chức tập hợp các giám đốc, doanh nhân và nhà đầu tư. Anh cũng là Giám đốc Công ty Obedihs Enterprises Limited, chuyên sản xuất các sản phẩm y tế với nhãn hàng băng dán cứu thương nổi tiếng YnotPlast đạt doanh số riêng ở Anh mức trên 2,5 triệu bảng với 5 triệu khách hàng mỗi năm…
Sean Obedih được coi là doanh nhân trẻ đầu tiên tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực dụng cụ y tế và trong hai năm liền (2009-2010), chàng trai này ở trong top 10 doanh nhân trẻ tiêu biểu của nước Anh. Sean giờ đang là một hình mẫu cho giới trẻ về ý chí và nghị lực vươn lên, dám đương đầu với thử thách. Anh luôn khích lệ những người trẻ tuổi hãy chủ động nắm bắt hiện tại và vượt qua những nỗi sợ thất bại. Bởi vì theo anh, học từ thất bại là cách tốt nhất để vực dậy thành công.
Ý tưởng kinh doanh từ… một đứa trẻ khóc
Sean Obedih sinh năm 1983 tại Rwanda. Ngay từ nhỏ Obedih đã thể hiện là cậu bé luôn đam mê và tìm tòi để đổi mới và hoàn thiện những gì đang có. Obedih bắt đầu kinh doanh từ năm 8 tuổi khi cậu mua bánh kẹo về bán tại chính trường học của mình. Obedih được bạn bè gọi là “cậu bé có mọi thứ” và rất vui vì biệt danh đó. Dường như kinh doanh đã ăn sâu vào máu Obedih, cậu tiếp tục bán lốp xe rồi làm dịch vụ đổi tiền,… những việc cho chàng trai trẻ nhiều trải nghiệm đầu đời thú vị. Khi còn học trung học tại trường nội trú ở Kenya, cậu tự mình bỏ tiền túi để trở thành tay phân phối cá mòi cho toàn trường.
Sau đó, Obedih chuyển tới Anh sống tị nạn tại trại tập trung của người nhập cư. Hoàn cảnh đã thôi thúc Obedih đi theo con đường riêng khi anh phải tự mình buôn bán nuôi sống bản thân cùng gia đình. Tuy nhiên, anh nhận thấy ước mơ chỉ thành sự thực khi anh có đủ kỹ năng nghề nghiệp. Vừa đi học vừa đi làm, Obedih chẳng mấy khi bận tâm tới những thứ khác ngoài kinh doanh. Anh học rất giỏi, giành trọn học bổng tài chính doanh nghiệp tại Đại học Buckingham và bắt đầu chuyên tâm vào những ý tưởng làm giàu tại đây.
Tốt nghiệp tháng 2/2011, Obedih quyết định tập trung nâng cao kỹ năng tài chính và quản lý bằng việc đăng ký khóa học đầu tư và rủi ro tài chính. Anh bắt đầu xây dựng trang blog cá nhân, chia sẻ trải nghiệm và kiến thức kinh doanh, các dự đoán đối với một vài thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Obedih từng làm giám đốc phụ trách tại một siêu thị lớn ở Anh, lên ý tưởng tân trang cho các gian hàng cùng sản phẩm. Anh còn cộng tác với đại lý bán lẻ, công ty tổ chức sự kiện và các lớp dạy kỹ năng kinh doanh.
Obedih đã tìm kiếm lời khuyên từ các bậc tiền bối để có đủ can đảm khẳng định mình. Anh tham gia các khóa đào tạo kỹ năng của các trường đại học, xin đi làm bán thời gian tại nhiều tổ chức phi chính phủ. Điều này không chỉ giúp Obedih tiết kiệm chi phí mà quan trọng hơn, anh đã “kết nối” với những người tiềm năng và học hỏi những kinh nghiệm quý báu. “Tôi được giao lưu và học hỏi từ nhiều người, đó là điều đáng quý nhất. Cuộc sống quá ngắn ngủi nên tôi muốn mình phải sống có ích và không ngừng thay đổi”.
Ít ai biết được, ý tưởng sản xuất băng dán sơ cứu ra đời khi anh nhìn thấy… một đứa trẻ đang khóc. Nhìn thấy em bé bị bạn bè trêu chọc, đánh đập chỉ vì có một miếng băng dán vết thương màu trắng trên trán, khiến Obedih cứ ám ảnh mãi. Vào thời điểm bấy giờ chưa có một công ty nào ở châu Phi sản xuất loại băng dán sơ cứu màu da, trong khi màu trắng luôn bị tẩy chay vì mọi người “sợ” người da trắng. Obedih nhận thấy anh cần phải thay đổi suy nghĩ, và câu chuyện sản xuất băng cứu thương bắt đầu từ đây. Obedih khảo sát thị trường toàn diện trong vòng ba năm trước khi thực hiện bước đi đầu tiên. Anh nhìn vào thực tế và dự đoán anh có khả năng cải thiện cũng như thay đổi sản phẩm cũ kỹ hiện tại, thậm chí tạo nên một thương hiệu độc đáo, đánh bại các đối thủ nặng ký như Elastoplast hay Band Aid.
Hiện tại Obedih đang điều hành YnotPlast, nhãn hàng băng sơ cứu vết thương đa màu đầu tiên tại Anh. Obedih thiết kế sản phẩm phù hợp với mọi loại da, cho hiệu quả nhanh với kiểu dáng độc đáo, kích cỡ phong phú, giá thành phải chăng. Sản phẩm của Obedih hướng tới nhóm người châu Á, Phi và Caribe. Quan điểm này cho thấy Obedih đang phản ánh một xu hướng tích cực khi cổ vũ và khích lệ các thế hệ tương lai xóa bỏ các rào cản sắc tộc, đặc biệt là về màu da, để hướng tới hòa bình và công bằng xã hội.
Tất nhiên, Obedih và đồng nghiệp phải rất vất vả trong khâu thuyết phục khách hàng mua các sản phẩm tại siêu thị. Bằng những phương pháp thu hút và nâng cao nhận thức người dân, sản phẩm của anh dần được đón nhận. Năm 2009, Obedih nhận Giải thưởng Đột phá của Hội đồng giải thưởng sáng tạo kinh doanh. Đây là bước tiến quan trọng nhất giúp anh khẳng định vị thế trên thị trường Anh khó tính.
Ước mơ kết nối những người trẻ
Ý tưởng thành lập The Founders Hive xuất hiện khi Obedih đang ở trong trạng thái vô cùng thất vọng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Buckingham, chàng trai trẻ không thể tìm được một đồng minh để cùng khởi nghiệp. Mọi thứ thật kinh khủng khi Obedih không thể tìm được một tổ chức hay công ty nào để thực tập. Anh thực hiện các cuộc khảo sát, nói chuyện với mọi người và nhận ra rằng, việc tìm ra những người cùng chí hướng kinh doanh để thành lập công ty mới là phần khó khăn nhất của giai đoạn khởi nghiệp. Anh tiến hành các dự án, kế hoạch âm thầm song chưa mấy thành công.
Obedih quyết định tham gia các câu lạc bộ kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ và nhờ sự trợ giúp của hai người bạn đang điều hành một trung tâm truyền thông để tìm ra hướng đi cho bản thân. Ba người đã hợp tác xây dựng và phát triển ý tưởng một tổ chức tập hợp các doanh nhân, trí thức trẻ, chọn lọc thành viên và kiến tạo nền móng ban đầu của The Founders Hive.
Với sự ra đời của The Founders Hives, Obedih đã dấy lên một trào lưu mới, đánh thức đam mê kinh doanh trong giới trẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm trong vai trò sinh tồn của một doanh nhân tương lai. Obedih soạn thảo hai trang nội dung, mục tiêu và tầm nhìn của The Founders Hive trong ít nhất 5 năm, gửi tới 40 chuyên gia kinh doanh nhờ đánh giá.
Những phản hồi tích cực thôi thúc anh hoàn thiện phác thảo cơ cấu của tổ chức với mục tiêu cuối cùng là kiến tạo môi trường làm việc thoải mái, năng động cho những người trẻ đam mê kinh doanh. Anh muốn mọi cá nhân có quyền khám phá năng lực tiềm ẩn, công khai ý kiến và tự do thảo luận. Anh liên kết với các chuyên gia, các nhà đầu tư nhằm hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh táo bạo nhưng có khả năng thành công cao. Các trang web được thiết lập nhằm quảng bá The Founders Hive rộng rãi, ngay cả mạng xã hội Facebook, Tweeter hay kênh Linkedln cũng được tận dụng tối đa cho việc tuyển thành viên.
Trong quá trình đưa The Founders Hive vào hoạt động, Obedih gặp phải nhiều chỉ trích về sự thiếu kinh nghiệm, thậm chí bị cho là “dạy đời” những doanh nhân khác. Mọi người đều cho rằng mọi vấn đề đang trở nên quá tầm với “chú ngựa non háu đá” mới vào thương trường như Obedih. Chưa có kế hoạch hay dự án nào thành công hoặc được đa số ủng hộ, Obedih từng bị cắt tiền tài trợ và phải tự xoay sở.
Với cá nhân Obedih, kinh doanh là những gánh nặng căng thẳng cao độ khi anh giành gần như toàn thời gian, tiền bạc và sức khỏe để vận hành The Founders Hive. Người ta cho rằng anh đã thực sự mạo hiểm, dám đánh cược với chính tuổi trẻ khi lao vào một dự án “chưa biết sẽ về đâu” ngay sau khi tốt nghiệp.
Ban ngày anh làm thêm, ban đêm anh tiếp tục hoàn thiện phác thảo dự án. Obedih ở trọ, không có người thân, buộc phải gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh thành lập một công ty môi giới thế chấp nhỏ, kiên trì tích góp vốn để thành lập The Founders Hive. Obedih cộng tác với các tạp chí kinh tế, đăng tải bài viết trực tuyến và rải tờ rơi tuyên truyền về The Founders Hive.
Bản thân Obedih là diễn giả, có nhiều bài nói chuyện với giới trẻ. Ạnh cũng đảm nhiệm vai trò đại sứ doanh nghiệp Anh quốc nhằm thúc đẩy kinh tế, vai trò doanh nghiệp và tăng cường tính liên kết trong xã hội, thay đổi văn hóa doanh nghiệp theo hướng tích cực.
Nguyên tắc sống: Kiêu hãnh – đam mê – kiên trì
Obedih luôn tâm niệm không có một đường tắt nào dẫn đến sự giàu có. Sự giàu có được tạo ra khi anh cung cấp một cái gì đó thú vị, có giá trị, độc đáo cho những người có nhu cầu hoặc nhanh hơn hoặc rẻ hơn so với các nhà cung cấp hiện hành. “Tìm nhu cầu và cung cấp” là câu thần chú của riêng anh, rằng một doanh nhân phải tạo ra một nhu cầu mà chỉ có anh ta mới có thể cung cấp một cách nhanh chóng.
Anh luôn học cách thương lượng để giao dịch tốt hơn về tất cả mọi thứ. Obedih cho thấy mọi cá nhân cần chuẩn bị bằng cách tự giáo dục chính mình và luôn luôn sẵn sàng để đối phó với mọi trở ngại. Sức mạnh của sự kỷ luật Obedih học được trong trường không bao giờ được đánh giá thấp đặc biệt là trong thế giới kinh doanh khi anh xác định phải thuê nhân viên làm việc cho mình. Obedih khuyên các bạn trẻ làm bài tập ở nhà, nghiên cứu và coi quá trình học tập như một công việc thực sự vì đó là những kỹ năng cần thiết cho nghiệp kinh doanh.
Obedih luôn tránh xa những kênh bán hàng đa cấp khi anh cho rằng chúng là tất cả những trò gian lận. Với anh, tiền không tự sinh sôi nếu không biết đầu tư. “Nếu tôi đã đầu tư một nửa những gì tôi làm trong những năm đầu khi tôi 20 tuổi chỉ trong một quý thôi, tôi sẽ không cần phải tăng kinh phí cho bất kỳ phần khởi động của tôi sau này. Cái chính là, lúc đó tôi chưa biết đầu tư, quay vòng vốn và để đồng tiền “chết” quá lâu”.
Sean Obedih vận dụng nguyên tắc sống chỉ gồm ba từ: kiêu hãnh, đam mê và kiên trì. Với chàng trai trẻ 29 tuổi này, sự tự tin là vô cùng quan trọng khi anh chưa hề bị dao động bởi ý kiến của người khác. Dư luận có thể gọi Obedih bằng cái tên “chàng trai lập dị” khi anh dám thể hiện và đưa ý tưởng ra thực tiễn thị trường mà ít sợ rủi ro. Sự tự tin được Obedih nuôi dưỡng từ chính những sai lầm và lời chỉ bảo của những bậc tiền bối.
Đam mê – theo lời Obedih là yếu tố chìa khóa của mọi thành công. Obedih luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết để giữ chân các nhà đầu tư và nhân viên, thôi thúc họ đưa ra những ý tưởng mới lạ. Khao khát chiến thắng tôi luyện chàng trai trẻ bằng ý chí, sự kiên trì trên con đường dài chinh phục đỉnh vinh quang của kinh doanh. Có những thời điểm khó khăn, nhưng Sean Obedih luôn tin rằng, với tầm nhìn chiến lược, mọi thứ sẽ trôi chảy cho tới khi anh đạt được thành quả. “Hãy cứ tin rằng mọi thứ đều có thể xảy ra. Hỏi để nhận, tìm để thấy và tự tin mở cánh cửa cơ hội. Chúng ta còn trẻ, phải dám mơ ước và dám đương đầu”.
Obedih tin tưởng rằng, để tìm ra cách giải quyết mọi vấn đề và kết nối mọi người yêu thích kinh doanh, điều đơn giản nhất là phải xây dựng một xã hội kinh doanh thu nhỏ. Anh tạo nên The Founders Hives bằng một cộng đồng ảo, nơi cung cấp thông tin và các hoạt động tương tác để thu hút nhân tài, nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa các ý tưởng.
Chàng trai trẻ cho biết gia đình chính là nguồn động viên và cảm hứng sáng tạo lớn nhất cho công việc. Cậu con trai 16 tháng tuổi trở thành động lực chính giúp anh theo đuổi giấc mơ doanh nhân và chiến thắng mọi thất bại để vươn tới thành công. “Tôi không muốn con cái phải sống trong thế giới của sự bất bình đẳng, chứng kiến sự phân biệt chủng tộc và xung đột. Tôi muốn sản phẩm của tôi được đón nhận bởi mọi người dân, đem lại hy vọng và vun đắp phẩm giá cho cộng đồng chúng ta, để con cháu sau này được hưởng hòa bình, hạnh phúc”…
Theo marketingchienluoc