Thử lấy một ví dụ, trong lúc thảo luận, có một ý kiến khó nghe – đó chỉ là một bất đồng nhỏ về quan điểm – lập tức tôi hỏi người vừa phát biểu ý kiến: “Tại sao anh nói thế?”. Nghe qua câu hỏi có vẻ bình thường nhưng thật ra đã giới hạn câu trả lời.
Thứ nhất, khi hỏi “tại sao” đã ngụ ý rất rõ rằng ý kiến của người hỏi là phản đối, phê phán, xuất phát từ cái tôi của người hỏi.
Thứ hai, câu hỏi như thế thường buộc người được hỏi phải trả lời bằng việc tái khẳng định ý kiến đã đưa ra, lại từ cái tôi của người trả lời. Hai tôi thì không còn là chúng ta nữa! Nếu cuộc đối thoại cứ tiếp diễn như thế thì từ sự bất đồng ban đầu dễ dẫn đến bất hòa và có thể từ thảo luận biến tướng thành tranh luận và chiến tranh “nóng hay lạnh” là một hệ lụy logic, chỉ là vấn đề mức độ mà thôi.
Có những câu hỏi với phong cách hai lần phủ định, tưởng chừng thoáng, nhẹ nhàng, nhưng thật ra rất “trói buộc”, đưa người đối thoại vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Chẳng hạn như câu hỏi: “Chắc anh không hiểu là tôi không có ý xấu?”. Câu trả lời đã được người đặt câu hỏi ấn định trước: “Tôi hiểu là anh có ý tốt!”. Nếu người trả lời, có cái tôi lớn, không muốn chấp nhận sự áp đặt, thì câu trả lời có thể là: “Đúng như thế, anh không có ý tốt!”.
Thảo luận với những câu hỏi như thế là trong tiềm thức muốn chế ngự người đối thoại. Tính “hơn, thua” đã định trước thì làm sao có được sự hợp tác thông minh là cả hai cùng thắng. Ý nghĩa của việc thảo luận để có một mẫu số chung lớn có thể chấm dứt ở đây.
Dẫn ra hai ví dụ trên để minh họa một tính không hiện hữu – là sự quan tâm – trong cuộc đối thoại.
Vậy quan tâm là gì?
Trong cuộc sống chúng ta thường nói nhiều về từ ghép này, nhưng quên đi ý nghĩa cốt lõi của sự quan tâm là nhìn bằng trái tim. Trái tim của chúng ta như thế nào? Chúng ta có thật sự có một trái tim không?
Việc bất đồng ý kiến là một bằng chứng sống động của tính tự do. Tìm cách giải quyết bất đồng là bằng chứng sống động của tính dân chủ. Nhưng tại sao lại lắm sự bất hòa, và đôi khi là những cuộc chiến công khai hay âm ỉ trong nhiều doanh nghiệp? Trong khi thảo luận và nhất là lúc tranh luận, ít khi một trong những người đang liên quan nói một cách ôn hòa rằng: “Tôi thấy chúng ta đang bất đồng ý kiến về điểm 1, 2, 3…
Vậy làm thế nào để có giải pháp hài hòa?”
Với câu hỏi cởi mở như thế, hy vọng một giải pháp hài hòa được nảy sinh. Phải chăng sự quan tâm đang bị xem nhẹ? Cuộc sống đặt trên nền tảng, là khi đã có tôi và bạn thì phải có một thắng, một thua? Cũng có lắm khi là chỉ có một mình tôi mà vẫn có chiến tranh giữa tôi và tôi! Hà khắc với chính mình chỉ làm khổ cho nhiều người!
Biết quan tâm xem chừng là dễ nhưng thật ra cần được hun đúc, bồi dưỡng, bổ trợ bởi nhiều đức tính và thói quen khác.
Chúng ta có thể bắt đầu từ vài điều cơ bản như: học để biết nghe; học để biết nói; học để biết viết; học để biết im lặng; học để biết tôn trọng (mình và người); học để biết đâu là ánh sáng và đâu là bóng tối vì sự hợp tác thông minh bền vững cần sự chính trực.
Gần đây, một số nhà nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp đã khảo cứu và đưa tính quan tâm lên hàng chiến lược gọi là chiến lược quan tâm hay chiến lược hợp tác thông minh. Chiến lược này xoay quanh ba điểm cốt lõi:
1) “Tôi không ăn người đối thoại” (bạn)
2) “Tôi không để bạn ăn tôi”
3) “Tôi không là quan tòa”
Triết lý trên rất đơn giản, rất xưa mà lại rất mới. Đó là phong cách sống văn hóa và văn minh của cả phương Đông lẫn phương Tây. Như thể chiến tranh là điều “bắt buộc”, chung sống hòa bình được mới là cứu cánh.
Chúng ta cũng có thể vẽ một biểu đồ minh họa hàm số quan tâm với các tham số (mà thực ra là những ẩn số):
(1) Sự minh bạch/chính trực
(2) Sự có đi có lại hài hòa
(3) Sự tự do chuyển đổi để cùng thắng.
Và ở đây, khi chúng ta bàn đến sự quan tâm, thì phải là sự quan tâm thật lòng. Đó là điều mà Juliette Tournand, nhà nghiên cứu tại các học viện quản trị nổi tiếng châu Âu như EDHEC, INSEAD, đã công bố trong tác phẩm “La stratégie de la Bienveillance ou l’Intéligence de la coopération” 2008. Chính bà và các đồng nghiệp quốc tế đã và đang tư vấn áp dụng chiến lược này cho các doanh nghiệp lớn tại châu Âu và Bắc Mỹ tạo ra sự đồng thuận lớn từ ban tổng giám đốc cho đến các cấp nhân viên, một điểm cốt lõi cho sự thành công lớn và bền vững.
Theo saga