Bạn biết rõ về khách hàng. Bạn có một sản phẩm tuyệt vời để chào hàng. Các kế hoạch kinh doanh đều được hoạch định rõ ràng. Tất cả đều sẵn sàng để bắt đầu tấn công vào thị trường. Thế nhưng bạn đã có những “chiến hữu” tốt nhất để giúp ước mơ kinh doanh của bạn thành hiện thực chưa?
5 thành viên cốt yếu giúp kinh doanh thành công
Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, Alan Hall học được một điều đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng rằng, một doanh nhân không thể xây dựng doanh nghiệp một cách “đơn thương độc mã” được.
Vận động viên bóng rổ Michael Jordan từng nói rằng: “Tài năng sẽ giúp bạn chiến thắng một trận đấu, nhưng một lối chơi đồng đội cộng với sự khôn ngoan sẽ giúp bạn trở thành nhà vô địch”. Một đội bóng trước tiên phải có một huấn luyện viên. Sau đó huấn luyện viên này sẽ tuyển chọn cầu thủ, huấn luyện và khích lệ họ để họ có thể mang lại lợi ích cho toàn đội. Nếu cả huấn luyện viên và cầu thủ đều làm việc một cách hòa hợp với một mục tiêu và sự cố gắng, họ sẽ đạt được những thành công lớn. Một mô hình tương tự cũng được áp dụng trong kinh doanh.
Mỗi doanh nghiệp đều có rất nhiều công việc cần phải làm để công ty hoạt động và phát triển. Những công việc này cần những người có chuyên môn làm thì mới mang lại kết quả cao. Các doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp hội tụ được 5 nhân vật cốt yếu sau:
1. Người lãnh đạo
Lãnh đạo được ví như một huấn luyện viên. Vị “huấn luyện viên” này phải hiểu rằng một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của doanh nghiệp là nhân viên giỏi. Một lãnh đạo tài tình sẽ không làm thay công việc của nhân viên mà đơn giản chỉ nên cung cấp những tài nguyên cần thiết, hỗ trợ và tư vấn cho nhân viên của mình, để họ làm chủ công việc mà họ được giao.
Nếu nhân viên làm đúng, hãy khen thưởng họ; nếu làm sai, hãy nhắc nhở họ một cách nhẹ nhàng, tử tế. Khi nhân viên cảm thấy mình được đối xử tốt và được trọng dụng, họ sẽ làm việc tốt hơn. Lãnh đạo phải là người làm việc quang minh chính đại, cư xử đúng mực, giữ thái độ tích cực và luôn sáng tạo để làm gương cho nhân viên. Làm được những điều này, lãnh đạo sẽ được nhân viên yêu quý và sẵn sàng cống hiến hết sức vì doanh nghiệp.
2. Chuyên gia
Doanh nghiệp sẽ rút ngắn con đường đến thành công hơn nếu thuê được những người thông thạo bản chất của các lĩnh vực trong kinh doanh như xu hướng, thị trường, khách hàng, sản phẩm, nhà cung cấp, nhà đầu tư, và cả các đối thủ trong ngành. Những chuyên gia này là những người mang lại những thông tin “độc”. Họ sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết chuyên sâu của họ cho lãnh đạo công ty và các nhân viên với vai trò của một người tư vấn.
Chuyên gia là những người tuy đã có bề dày về kiến thức nhưng vẫn không ngừng quan sát và học hỏi. Vì vậy, họ là những người phù hợp để “quân sư” cho doanh nghiệp.
3. Nhà tài chính
Thành công trong kinh doanh không thể không kể đến sự đóng góp của nhân viên tài chính. Không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại nếu không có một người am hiểu về kế toán, tài chính, chiến thuật và quản trị dòng tiền. Phải có một người đáng tin cậy để có thể giao cho họ quản lý các khoản tiền ra – vào công ty.
Người này phải biết rõ tình hình tài chính của công ty mọi lúc. Chỉ khi biết rõ khả năng tài chính của công ty, người ta mới có thể thảo luận để đưa ra chính sách hợp lý nhất cho doanh nghiệp.
Trong quá trình tạo lập doanh nghiệp, vị trí quản lí tài chính này là cần thiết và phải cần ngay lập tức, bởi nếu các vấn đề tiền bạc không được giải quyết và cập nhật, dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng sẽ gây hậu quả khôn lường.
4. Chiến thuật gia
Hầu hết các doanh nhân đều bận rộn với công việc kinh doanh hằng ngày để giúp công ty cải thiện doanh số, quản lý sản xuất, đảm bảo làm cách nào để nhân viên và khách hàng đều vui vẻ. Vì thế, họ sẽ không mảy may để ý rằng thế giới xung quanh đang dần thay đổi sang một xu hướng mới, biểu hiện khác thường của khách hàng, đối thủ kinh doanh mới hay các vấn đề trong việc phát triển sản phẩm. Họ thường bị những công việc và lợi ích trước mắt làm lu mờ những mục tiêu và kế hoạch trong tương lai.
Để đảm bảo doanh nghiệp tiếp tục phát triển, một chiến lược gia trong vai trò một nhà tiên tri với quả cầu thủy tinh sẽ là chiếc phao cứu hộ cho doanh nghiệp, bởi công việc của họ là dự báo xu hướng trong tương lai.
Họ là những người có tầm nhìn trong kinh doanh, nhận ra và tiếp thu những biến đổi trên thị trường rồi từ đó tìm ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Không có chiến lược gia trong đội ngũ nhân viên sẽ là một thảm họa lớn cho doanh nghiệp. Muốn phát triển, một doanh nghiệp phải có tầm nhìn bao quát và hướng tới tương lai.
5. Người thực hiện
Một kế hoạch xuất sắc và hoàn hảo tới đâu cũng chỉ là một mớ tài liệu nếu không có người thực hiện nó. Những người thực hiện này sẽ chịu trách nhiệm về nghiên cứu, quản trị kho hàng, quản trị sản xuất, phân phối nguồn nhân lực, quản trị công nghệ thông tin, marketing và bán hàng.
Người đứng đầu bộ phận thực hiện này được gọi là Giám đốc tác nghiệp (Chief Operations Officer – COO). Vị giám đốc này sẽ tuyển dụng một đội ngũ nhân viên vào vị trí quản lý cấp trung để trông coi từng lĩnh vực hoạt động trên. Công ty không thể không có đội ngũ quản lý chủ chốt này.
Theo business.vnmic.com