Những “chiêu thức” kinh doanh độc đáo (P.5)

Có một khái niệm rất đơn giản về “nghề nghiệp” là khả năng nào đó lương thiện, đem lại lợi ích góp phần bảo đảm cuộc sống cho mình. Trong góc nhìn đó, sẽ có những “nghề” kỳ quái nhưng nguồn lợi đem lại không nhỏ.

Có một khái niệm rất đơn giản về “nghề nghiệp” là khả năng nào đó lương thiện, đem lại lợi ích góp phần bảo đảm cuộc sống cho mình. Trong góc nhìn đó, sẽ có những “nghề” kỳ quái nhưng nguồn lợi đem lại không nhỏ.
Ở một trường đại học khu vực Phúc Yên – Vĩnh Phúc, vào buổi sáng chủ nhật tẻ nhạt của một nhóm sinh viên, có người nêu vấn đề: Hôm qua tao lên Đoan Hùng chơi, thấy một ông già có cái tài cực kỳ lạ lẫm là nhét được quả cam lớn vào chai thủy tinh ngon lành, trong khi cổ chai chỉ đút vừa ngón tay giữa.
Đương nhiên không ai tin và đây đó nổi lên những tiếng nói nghi ngờ, thậm chí bác bỏ, cho là chuyện vớ vẩn.
Đến đó, chính là lúc cuộc chơi đi vào km thứ nhất, đúng “đường lối” của một “đạo diễn”. Người mào đầu ban nãy ra sức bảo vệ ý kiến của mình và chống đỡ có vẻ yếu ớt.
Một người có vẻ vô tư, tham gia vào “siết” anh kia: đặt cược! Điều kiện đặt ra là nếu có quả cam trong chai thủy tinh thật, cái chai liền lạc, bằng thủy tinh, không ghép nối thì phe A sẽ mất cho bên B 100.000 đồng và tiền xe, tiền ăn trưa.
Nếu chuyện không có thực, bên B phải trả toàn bộ chi phí cho cả bọn đi về và mất 200.000 đồng bồi thường.
Hai bên nộp tiền cho ông trung gian rồi lên đường.
Đến nơi, sau một hồi đề nghị, thuyết phục, ông lão chủ nhà chậm chạp lấy ra cái chai như đã mô tả. Trong đó, rõ ràng có một trái cam lớn bằng đường kính của chu vi cái chai, mùi cam sống từ trong phảng phất bay ra.
Bên A chịu thua, trao tiền cho bên thắng nhưng ngỏ ý muốn xem quả cam. Lúc này, việc đập chai lại phát sinh một quan hệ mới, ông già xin 300.000 đồng vì phải đập cái chai quý của ông ta.
Đâm lao theo lao, đã mất công lên đây phải làm cho ra lẽ. Cả bọn góp tiền trả ông lão rồi đập cái chai. Khi chai vỡ tan, một quả cam sành ngọt lự hiện ra. Sau khi gọt quả, mỗi thanh niên chia nhau một múi cam, tính ra, mỗi múi cam trị giá 100.000 đồng.
Cả bọn ra về mà ấm ức, không hiểu điều gì đã xảy ra, tài cán ông cụ kia cỡ nào mà đẩy được trái cam lớn vào gọn trong chai không dập vỡ.
Tết vừa qua, tôi ghé thăm nghệ nhân này và được ông biếu một siêu phẩm ghê gớm hơn cả trái cam: đó là chiếc tàu thủy ba tầng, bốn ống khói nằm gọn trong lòng chai.
Qua câu chuyện, tôi biết bây giờ ông thôi nghề… nhét cam vào chai, xưa rồi, mà làm món mới này. Bởi vậy, ông bật mí về trò chơi cũ đã giúp ông kiếm được bao nhiêu triệu đồng từ những người hiếu kỳ.
Số là, khi cam vừa ra nụ, ông tuồn cả nụ cam vào trong chai, dốc ngược đáy chai lên trời và treo cố định luôn. Cái chai trở thành vật thể bảo hiểm cho trái cam, tránh luôn sâu bệnh nữa.
Sau đó, ông bón thúc NPK vào cây, trái cam lớn nhanh. Khi kích thước trái lớn bằng vỏ chai, ông sẽ hạn chế chăm sóc, hãm nước, cắt dinh dưỡng, ép chín rồi cắt cẫng, thu cả chai vào, cất đi. Mỗi vụ, ông thu hoạch cỡ vài trăm cái chai như thế.
Đội ngũ “cộng tác viên” là người làng, con cháu của ông ở khắp nơi, “tiếp thị” cho ông kéo cổ những vị khách lớ ngớ vào cuộc, cứ mỗi trái cam dăm trăm ngàn là… xuất!
Còn với nghề chứa tàu thủy vào chai, tạm thời xin phép giữ bí mật để ông già “tai quái” này kiếm cơm theo cam kết của tác giả với ông ta.
Chỉ biết rằng, với dăm năm hành nghề bán cam, ông đã xây được nhà, mua xe và nuôi ba đứa con học đại học ngon lành.
Mới hay, cái gì cũng có thể xảy ra được!
Tấm ảnh trên đầu bài chụp sản phẩm cà chua của một lão nông ở Dương Nội – Hà Đông, giờ sinh sống tại cao nguyên Lâm Hà gần TP. Đà Lạt.
Nhà ông này chỉ có dăm công vườn, diện tích bé nhất so với làng xã sở tại, nhưng với tay nghề tạo ra cà chua chim, cà chua rắn, thậm chí cà chua… cu như trong ảnh, chuyên bán cho một số nhà hàng cao cấp trưng bày ở những đại tiệc với giá đắt gấp 20 lần một ký cà chua thường, cũng là một kỳ công. 
Hiện nay, một thương nhân Đài Loan đặt hàng và bao tiêu luôn sản phẩm cho ông với giá đắt, nên ông chỉ còn phục vụ một mối hàng này.
Hỏi chuyện thì biết, ông đã dày công đào tạo nhiều con cháu để “nối nghiệp” mà chưa được. Giờ mỗi vụ (3 tháng) ông chỉ làm được chừng một tấn sản phẩm này, nhưng thu nhập thì rất lớn.

Theo doanhnhan.net