Cuộc sống luôn sinh ra các nhu cầu. Nhu cầu sinh ra nghề nghiệp, nhiều khi rất lạ lẫm nhưng là ngón độc, là thu nhập không nhỏ của người theo đuổi nó.
Nghề… tốc váy
Một lần xem triển lãm ảnh đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã phải mê mẩn với tấm hình chụp khoảnh khắc tung lưới dưới sông của một con thuyền nhỏ.
Con thuyền thì nhỏ như thân phận con người trước thiên nhiên kỳ vỹ nhưng tấm lưới thì rộng lớn như ước mơ, như khát vọng muốn làm chủ không gian cuộc sống. Ánh sáng, màu sắc, sự thể hiện của từng giọt nước cứ lung linh tỏa chiếu…
Tôi tìm cách gặp bằng được nghệ sỹ, tác giả tấm ảnh, thì biết mọi việc không đơn giản chút nào.
Để có được tấm hình ấy (thời điểm 1998) anh đã phải chụp hết 5 cuốn phim trong một tuần lễ, trải qua hết thảy những cảnh nắng mưa, gió bão.
Mười năm sau, một lần tâm sự với người bạn trai học cùng con mình thời phổ thông trong một tiệc sinh nhật, nhìn anh chàng điển trai, cao ráo tôi nghĩ anh ta phải có sự nghiệp gì đó đáng kể.
Nhưng khi hỏi thăm, thấy anh này chưa trả lời mà lũ bạn cũ cười cười, tôi đã nghi nghi. Hỏi kỹ mới hay anh ta làm nghề… tốc váy cô dâu trong một tổ hợp tạo hình, chụp ảnh, làm album cưới cho lứa trẻ. Trong ê kíp ấy, anh ta là người giữ vị trí quan trọng nhất (theo anh ta nói).
Đó là hướng dẫn chú rể ôm cô dâu, xoay một vòng như muốn vung cả nàng “tiên nữ” này lên trời cao, để “phó nháy” bấm máy.
Muốn hướng dẫn tốt, anh phải thị phạm nhiều lần, đủ cho các chàng tiếp thu.
Anh tâm sự: “Coi vậy cũng không sung sướng gì đâu chú ạ. Được thoải mái bế vợ… người khác, xoay như chong chóng trong cảm xúc yêu… tạm nhưng xoay sao cho đẹp, có tấm voan, mảnh khăn, vạt váy tung ra thật duyên, thật đẹp như mây như gió mới là khó”.
“Có lần, vớ phải một cô nặng quá, lối trên sáu chục ký, bế còn chưa nổi lấy gì mà xoay sở, cả hai mệt nhoài, gắng hoài cả buổi sớm được đúng một kiểu ảnh. Có cô khỏ quá, khi đạo diễn hô “chạy” là cô ta chạy như ma đuổi, mình theo hụt hơi, hết thở, sức đâu mà tốc…”, anh này kể tiếp.
Ở “trường đoạn” khác, có cảnh các cô chạy tung tăng như tiên nữ giáng trần. Yêu cầu của đạo diễn là vạt váy phải bay lên như công như phượng, mà cái váy “đại” được các nhà thời trang tạo ra bằng cả đống vải làm sao tung tẩy? Vậy là phải có một “trợ lý tốc váy”, bưng vạt váy chạy theo cô dâu, rình đúng tầm, đúng thời khắc sẽ tung lên.
Việc tung không đơn giản chút nào. Nếu tung dữ quá, hở hết “vốn tự có” của cô dâu ra sẽ phản cảm, khiếm nhã. Nếu tung yếu quá, không tạo được sự phô diễn của cặp giò trời cho cũng không được. Thi thoảng, nếu gặp phải sự ghen ngầm của anh chàng rể nhà quê, cứ gườm gườm đầy định kiến trong khi “tốc viên” mệt thấy tổ thì không còn gì bực hơn.
Có cô cặp giò quá xấu, hở đến đâu, xấu đến đó nhưng không biết điều, cứ thích phô. Cuối cùng, đạo diễn phải gọi “tốc viên” lại, thì thầm: anh cứ tốc thoải mái, về làm photoshop, tôi kéo chân nó dài ra”. Hú vía!
Coi vậy, cái nghề tốc váy khá vất vả, lam lũ và… vui mắt nhưng thu nhập cũng đỡ. Một tháng vớ được dăm đám sang sang, cưới xong “xì” ra mươi triệu tiền phim ảnh, cũng vui.
Nghề bán cảm giác
Nhìn cây sung trong tấm ảnh này, nếu là người mê sinh thái, ưa chuộng cây cảnh hẳn bạn phải sung sướng lắm nếu sở hữu được nó.
Nhìn giàn trái xum xuê, cho dù không phải… đại lãn cũng thấy mát mắt và trả vài trăm, rinh về trưng ở phòng khách, chờ tài lộc.
Nhưng, cảm giác đó chỉ là tạm thời, kéo dài được hai tuần lễ là cùng. Cả giàn trái xum xuê, đẹp mắt đó là giả.
Cây sung thật, trái sung thật được các “nghệ nhân” ghép vào nhau khéo như bác sỹ, không hề có tý tì vết nào. Vào thời thịnh, như dịp giáp tết, loại “nhà vườn” trên bàn kính này kiếm cả trăm triệu mỗi tháng.
Làm chủ chim… trời
Con người đã làm chủ thiên nhiên từ lâu, đã thuần phục được cá heo, sư tử nhưng để làm chủ những bầy chim trên trời thì còn hơi khó.
Vậy nhưng, ở miệt bắc Hóc Môn, giáp Bà Điểm (TP.HCM), có một hộ dân có vẻ làm chủ hoàn toàn các loài chim trời.
Mỗi khi có đơn đặt hàng, giá cả ngon lành, gần 4 giờ sáng, lão nông nổ máy chiếc xe honda 50 khổ hạnh có tuổi đời bằng thằng con cả, vù lên rừng.
Trước khi đi, từ chiều hôm trước, lão ra tiệm sửa xe gần đó, ung dung tắm một trận bằng… dầu nhớt ngon lành. Xong về, tắm lại sơ sơ nhưng không làm sạch mùi dầu.
Hỏi ra mới biết loại “mỹ phẩm” kỳ quái kia chính là “bí quyết làm ăn” của ông. Nó sẽ đánh tan mùi “người” khi tiếp cận… kho chim của lão. Nếu xử lý không tốt, còn mùi mồ hôi, thuốc lá, lần sau đến kiếm được cái… lông chim cũng khó.
Còn “chiến trường” của ông là khoảng 50 cây lớn trong bán kinh 15-25km quanh vùng Hóc Môn lên mạn Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh).
Tại những vùng này, làn sóng công nghiệp hóa đang cướp hết của bầy chim chỗ ngủ nghỉ. Và ông Tư H. nắm bắt được điều này.
Ông kết những cái tổ khổng lồ bằng tre, lợp lá mạ thơm, ấm cúng, đẹp mắt rồi tìm những lùm cây rậm, kín ém tổ lên đó. Mỗi cây có thể hai, ba tổ. Mỗi tổ có thể có chỗ trú cho cả trăm chim. Trong đó và dưới gốc cây, lão rải mè (vừng) cho nở, nhưng không thu hoạch, cho hạt phát tán ra, dụ chim về ăn… miễn phí.
Cứ để yên như vậy vài tháng, chim thấy an, ngày đi kiếm ăn tối kéo nhau về sinh con đẻ cái rất đông.
Nghề này công phu ở chỗ chọn vị trí cây nào để đặt tổ. Về món này, phải có “tâm hồn chim”, phải biết chim thích gì, sợ gì và cung độ từ đó đến những khu đông dân cư, nhiều nhà máy, tiếng ồn là bao nhiêu, nếu không đắc địa, tổ có đẹp mấy chim cũng không về ở.
Lúc bắt chim cũng là cả một nghệ thuật. Nếu để chim kêu choe chóe, ngày mai lũ kia đi hết, không bao giờ trở lại. Khi mò từng con trong ổ phải nhẹ nhàng, đặt vào giỏ cũng nhẹ nhàng. Bắt tổ nào phải sạch tổ đó, không để sót con nào, rồi tụt xuống đi bộ ra chỗ giấu xe và về.
Ngày mai, con nào hạng A thì bán cho người đặt hàng. Con nào vô danh tính đem ra ngõ ngồi bán lẻ. Nếu ế, mang về quay bơ giòn lên, lão với ông con đầu chừng bốn chục xuân giải quyết hết cùng nửa lít rượu đế Gò Đen.
Nhìn lão ngày ngày nhàn tản ra quán nghèo đầu ấp xài thuốc rê với cà phê 3.000 đồng, da thịt thoang thoảng mùi dầu thải, ít ai biết lão thu nhập gớm ra phết. Có tháng vài chục triệu đồng.
Mới hay, trong xã hội, câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” có giá biết chừng nào.
Theo doanhnhan.net