Trong cơn giông, doanh nghiệp mới nhớ về “giá trị lõi”

Tìm lại mình trước cuộc đào thải nghiệt ngã nhất sau một thời kỳ dài phát triển kinh tế theo chiều rộng, theo phong trào.

Quay về với giá trị lõi
Trong hơn 2 thập kỷ phát triển của nền kinh tế, chưa bao giờ nền kinh tế vấp phải những khó khăn như hiện tại. Tính đến thời điểm này, 1/3 trong số 600.000 doanh nghiệp đã buộc phải rời khỏi thị trường và con số này ngày càng lớn lên. Các dự báo gần đây cũng cho thấy, giai đoạn 2012 – 2013 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ thị trường nội địa bị thu hẹp, thị trường quốc tế cũng chứng kiến sự mất điểm của doanh nghiệp Việt. Bối cảnh khủng hoảng chung của thế giới, sự cạnh tranh quyết liệt và tư duy ngắn hạn của một số bộ phận đã khiến không ít doanh nghiệp đánh mất niềm tin trong mắt người tiêu dùng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, đây là hệ quả tất yếu của một thời kỳ dài chúng ta đã phát triển kinh tế theo chiều rộng, theo phong trào. Đó là thời điểm mà người người làm kinh doanh, nhà nhà làm kinh doanh. Cơ hội kinh doanh nhiều, đem lại lãi rất lớn, đặc biệt là từ các hoạt động đầu cơ khiến doanh nghiệp bị cuốn theo trào lưu, đầu tư vào những hoạt động mang tính rủi ro cao mà quên đi mất những yếu tố nền tảng, những giá trị cốt lõi của mình. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, từng là niềm tự hào của đất nước trong thời kỳ kinh tế còn đang phát triển lại gặp phải nhiều khó khăn hơn cả.
Những yếu kém trong hệ thống quản trị đã tích lũy từ lâu, cộng với ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp bị “càn quét” trước cơn bão. Con số hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất của việc này.
Trong khi đó, trái ngược lại với tình hình chung, bên cạnh những doanh nghiệp phá sản hàng loạt, lại có một bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn duy trì sức phát triển vững vàng với tốc độ tăng trưởng từ 3 – 50%/năm. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, suy thoái kinh tế trong nước dường như không ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh của những doanh nghiệp này.
Đó là những doanh nghiệp đã chủ động, tích cực để tích hợp vào các chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường giúp tránh rủi ro khi nền kinh tế khu vực đang có biến động. Quy mô vừa và nhỏ nên các doanh nghiệp này không đầu tư vào những lĩnh vực mạo hiểm, cùng với đó là hệ thống quản trị rủi ro khá tốt để ứng phó với khủng hoảng.
Lãnh đạo của VCCI đã nhận định, các doanh nghiệp cần tái định vị bản thân, xác định rõ vị trí, cơ cấu lại hệ thống quản trị để quay về với những giá trị cốt lõi. Thậm chí, doanh nghiệp cần quay trở lại những bài học vỡ lòng về quản trị kinh doanh, đặc biệt là hệ thống cảnh báo rủi ro, nếu không sẽ không ít các doanh nghiệp sẽ “chết đắng” do năng lực quản lý và nhân lực yếu kém.
Vai trò định hướng của Nhà nước
Quay về với giá trị lõi, quá trình tái cấu trúc hiện đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Xu hướng sát nhập, hợp tác, liên kết, đầu quân vào các doanh nghiệp mạnh hơn đang diễn ra, và Nhà nước cũng đang hỗ trợ thúc đẩy quá trình này.
Nền kinh tế đã qua giai đoạn phát triển nền kinh tế theo chiều rộng nhờ vào khai thác tài nguyên, và giờ là lúc hướng nỗ lực của chính phủ và doanh nghiệp vào phát triển một nền kinh tế tri thức để nâng cao khả năng cạnh tranh. Để làm được điều này, Nhà nước cần có định hướng cho doanh nghiệp rõ ràng hơn trên cơ sở lợi thế nền kinh tế.
Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng môi trường trong sạch thì mới phát triển bền vững. Chừng nào vẫn còn hệ thống xin-cho ở đâu đó thì khó có thể tái cấu trúc theo đúng hướng.
Bên cạnh đó. thông tin thị trường, cảnh báo rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, vấn đề hàng tồn kho, vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn đề doanh nghiệp có thể tiếp cận được hệ thống ngân hàng, thị trường mới. Đồng thời tăng cường phát triển thị trường nội bộ, để các doanh nghiệp trong nước tiêu dùng hàng hóa của nhau, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp.
Có thể nói các doanh nghiệp đang đứng trước một cuộc đào thải nghiệt ngã nhất của nền kinh tế nước nhà. Nhiều doanh nghiệp đã gục ngã. Thế nhưng “lửa thử vàng”, khủng hoảng cũng có thể coi là một cơ hội để các doanh nghiệp tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Điều đáng mừng, theo Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nhân trẻ, đã cố gắng và bước đầu xây dựng được các thương hiệu và bắt đầu được thế giới chú ý đến.
“Đó là những doanh nghiệp đã hướng tới được sự phát triển bền vững ngày từ đầu, đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, những hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao”, ông Lộc nhận định.

Theo doanhnhan360.com