Giá trị cổ phiếu của Apple trong thời gian gần đã giảm tới 40%. Đó là chưa kể tới phàn nàn của khách hàng về sự chậm chễ ra mắt nhiều sản phẩm mới.
Apple đang bị chê bai đánh mất dần sự sáng tạo vốn được coi là giá trị chính làm nên thương hiệu của tập đoàn này.
So với những tên tuổi trước đây, như IBM chẳng hạn, những công ty công nghệ ngày nay không được xây dựng để tồn tại và phát triển khỏe mạnh trong thời gian dài.Vào thời điểm đỉnh cao, giá cổ phiếu của Apple đạt mốc trên 700USD/cổ phiếu nhưng hiện tại nó chỉ còn trên 400 USD/cổ phiếu một chút.
Chỉ trong quý 1 năm nay, hãng này đã đổ 1,1 tỷ USD vào công tác R&D, tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó (nguồn: WikiInvest). Tiền này dùng để bảo đảm cho Apple tung ra các sản phẩm mới kịp thời, và theo như Tim Cook, hãng sẽ ra mắt những nền tảng phần mềm và phần cứng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, thời điểm tung ra sản phẩm luôn là yếu tố quyết định đối với chiến lược đầu tư công nghệ.
Apple đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều “ông lớn”, điển hình là Samsung, và các sản phẩm “đinh” của hãng này như iPhone, iPad đã không còn làm mưa làm gió trên thị trường như trước đây nữa.
Văn hóa doanh nghiệp
Những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta từng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhiều công tycông nghệ có tên tuổi như SGI, Netscape, AOL, CompuServe, Novell, Microsoft, Sun, Banyan, Digital, Compaq…
Nhưng tới nay hầu hết chúng đều lưu lại dưới cái bóng của lãnh đạo tiềm nhiệm hoặc chỉ tồn tại trong ký ức. “Tuổi thọ” trung bình của hầu hết các công ty công nghệ chỉ khoảng 10 năm. Có nhiều yếu tố khiến cho chúng không thể “thọ” lâu như buộc phải có tên tuổi, kết quả kinh doanh hàng quý phải tăng dần đều và doanh thu hàng năm đương nhiên cũng không thể bết bát.
Với những gì đang xảy ra, có vẻ như mong muốn của Steve Jobs muốn biến Apple thành “bất tử” sẽ không thể thực hiện được, và theo nhiều nhà phân tích thì cùng lắm hào quang của Apple cũng không thể duy trì qua con số 20 năm.
Vậy điều gì có thể khiến cho Apple, từ một tập đoàn công nghệ hùng mạnh, sẽ bị hòa tan trong làn sóng công nghệ luôn thay đổi hiện nay? Người ta có thể đề cập tới nhiều yếu tố, trong đó có khả năng sáng tạo bị mai một, giá trị thị trường suy giảm, sản phẩm không còn thu hút, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, xu thế thị trường và văn hóa bền vững của doanh nghiệp.
Apple có vẻ như đang hội tụ đẩy đủ những yếu tố này, và cái mà người ta thấy có vấn đề ở đây chính là văn hóa của công ty. Chúng ta hãy lấy IBM ra làm ví dụ. Sở dĩ tên tuổi này vẫn được khẳng định cho tới ngày hôm nay chính là do nó được phát triển dựa trên văn hóa gắn kết, tồn tại với thời gian.
IBM là một công ty gia đình. Đó cũng không hẳn là do công ty này được dẫn dắt bởi Watsons, Thomas Sr. và Thomas Jr. trong nhiều năm mà là bởi văn hóa và tôn giáo của nó. Những công ty tồn tại lâu trên thương trường đều có nhiều điểm chung về đồng phục, cách bắt tay, ngôn ngữ và thậm chí là cách chào nhau. Đây cũng căn cứ mà người ta thấy được sự khác biệt, đó là chưa kể tới chính sách chăm sóc nhân viên không chỉ là trong thời gian làm việc mà còn cả khi nghỉ hưu.
Steve Jobs đã từng có thời ngưỡng mộ văn hóa kín đáo của IBM. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1970, các nhân viên của IBM được nhận diện thông qua quần tối màu, áo trắng và cà vạt kiểu cổ. Họ chia sẻ chung một ngôn ngữ kỹ thuật mà người ngoài khó có thể hiểu được.
Những nhân viên này được chăm sóc cả đời và được hưởng nhiều ưu đãi sau này như bảo hiểm và quyền được mua cổ phiếu giá hời. Vô hình chung những giá trị này là sợi dây gắn kết nhân viên thành một khối như gia đình và ở đó không có sự rò rỉ thông tin nội bộ ra bên ngoài như người ta vẫn thường thấy hiện nay. Thậm chí IBM còn có cả những bài hát riêng cho nhân viên.
Và tại những sự kiện công ty người ta luôn thấy lãnh đạo sốt sắng có mặt giúp cho nhân viên cảm thấy có sự hòa đồng và chia sẻ từ phía lãnh đạo. Thậm chí Watson Sr. còn thường xuyên nói chuyện riêng với các vị trí chủ chốt để tìm hiểu tâm tư tình cảm và nguyện vọng của họ ra sao.
Tiền bạc và thực dụng
Nhưng giờ đây, kiểu văn hóa này ít còn tồn tại. Thay vì thưởng bảo hiểm hay quyền mua cổ phiếu, tất cả đều được quy ra tiền mặt. Lương của các CEO cũng tăng chóng mặt và biến họ thành những ông vua không ngai. Áp lực phân hạng cũng khiến nhân viên dễ sinh tính đố kỵ về lương và thu nhập, và điều này cũng khiến lãnh đạo chủ chốt tuyển vào các nhân sự không đủ năng lực, làm suy yếu khả năng sản xuất và hiệu quả công việc, khiến cho giá trị công ty dễ bị phá hủy.
Ngày nay, nhân viên thường thiếu sự trung thành và thực dụng. Thế nhưng trên thực tế điều đó lại do chính chính sách công ty gây ra. Các CEO có xu hướng muốn kiếm được lợi nhuận ngay lập tức mà không có ý định xây dựng công ty một cách bền vững. Trong khi các nhân viên thì luôn bán hết cổ phiếu của công ty cũ khi họ nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, và thường không còn quan tâm nhiều tới chúng nữa. Và nó sẽ phá hủy sợi dây gắn kết mà rất nhiều công ty công nghệ hiện nay cần tới.
Jobs đã biến Apple thành một công ty hùng mạnh với tiềm lực tài chính dồi dào có thể giúp nó trụ vững qua nhiều biến động thương trường. Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, nhiều tiềm lực của hãng này đã dần mai một khiến cho nhiều nhân tài (từng được Jobs dày công vun đắp) phải ra đi. Có thể, ban lãnh đạo hiện nay của Apple chưa gặp vấn đề gì với việc này và có thể cổ phiếu của hãng vẫn tiếp tục tăng nhưng yếu tố bền vững giúp Apple tồn tại lâu hơn đang dần lung lay và có khả năng bị triệt tiêu.
Theo Xã hội thông tin