Thái Lan xả gạo bán giá thấp: bị “dồn vào chân tường”

Bị “dồn vào chân tường”, Thái Lan buộc phải chọn cách giải thoát “chẳng đặng đừng” là giảm mạnh giá mua lúa của nông dân. Bởi chỉ có như vậy thì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan mới có thể giảm tiếp.

Đầu tháng 7-2013, thị trường gạo và chính trường Thái Lan “rung chuyển” bởi quyết định thay đổi Bộ trưởng Thương mại vì để mất vị thế quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nhưng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” chính sách thu mua lúa gạo nước này.
Phân tích từ các con số do Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ Thương mại Thái Lan đưa ra thì tồn kho gạo của chính phủ Thái Lan đã lên tới 16 triệu tấn. Việc đồng baht tăng giá mạnh khiến giá mua lúa của nông dân quy USD càng cao hơn, trong khi giá chào xuất khẩu gạo đang được ép xuống để có thêm khách hàng… Bị “dồn vào chân tường”, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan buộc phải chọn cách giải thoát “chẳng đặng đừng” là giảm mạnh giá mua lúa của nông dân. Bởi chỉ có như vậy thì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan mới có thể giảm tiếp, mặc dù khoản thua lỗ của chính phủ với kho gạo dự trữ khổng lồ vẫn tiếp tục phát sinh.
Thế nhưng chính quyết định đó đã khiến bộ trưởng trả giá vì điều đó đồng nghĩa với sự thất hứa của chính phủ với nông dân. Bằng chứng rõ ràng nhất là quyết định sa thải chỉ diễn ra ít ngày sau khi Ủy ban Chính sách giá lúa giảm mạnh giá lúa thường từ 15.000 baht/tấn xuống 12.000 baht/tấn. Giá lúa giảm mạnh khiến nông dân giận dữ nên gần như ngay lập tức, mức giá cũ được khôi phục. Và việc tiếp tục thực hiện lời hứa đồng nghĩa với việc bộ trưởng kế nhiệm vẫn bị… “dồn vào chân tường”.
Trong tình huống như vậy, những tháng sắp tới, thay vì áp dụng lại “chiêu” giảm giá mua lúa của nông dân để giảm lỗ, nhiều khả năng chính phủ Thái Lan ép giá gạo xuất khẩu xuống và chấp nhận lỗ lớn, nhằm giải tỏa bớt tồn kho.
Tuy nhiên, cho dù là lựa chọn bất cứ cách tiếp cận nào thì ảnh hưởng của những động thái này đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ rất nhỏ, trong khi lại có thể tác động mạnh đối với các đối thủ cạnh tranh khác. Sở dĩ như vậy là bởi hai lẽ chủ yếu.
Thứ nhất: Để tăng tốc xuất khẩu, chắc chắn Thái Lan phải chọn những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như gạo thơm và gạo đồ. Nếu vậy thì không “đụng hàng” với chúng ta nhưng “đụng hàng” với các đối thủ khác.
Rồi với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu như vậy, đích đến của họ sẽ là thị trường Trung Đông và châu Phi. Đương nhiên điều này cũng không “đụng hàng” với chúng ta nhưng tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh hơn với các đối thủ khác như Mỹ, Ấn độ và Pakistan.
Thứ hai: Đối với những mặt hàng gạo Thái Lan xuất khẩu tương tự như Việt Nam, khoảng cách giá cả vẫn “một trời một vực”, cho nên gạo Thái Lan vẫn sẽ “chào thua”. Như giá chào xuất khẩu gạo 100% B của Thái Lan từ đầu năm đến nay giảm 56 USD/tấn nhưng vẫn còn treo ở mức 507 USD/tấn, quá cao so với giá gạo 5% tấm của Việt Nam tới 130 USD/tấn.
Mặt khác, để tránh khỏi vùng ảnh hưởng của việc Thái Lan xả hàng bán gạo giá thấp, Việt Nam phải tiếp tục bán gạo giá rẻ, không thể tăng giá gạo xuất khẩu.
Tất cả điều nói trên có nghĩa là dù chưa thể khẳng định cách thức tiến hành cụ thể nhưng giải pháp giảm giá để tăng tốc xuất khẩu là điều gần như chắc chắn Thái Lan sẽ thực hiện trong những tháng tới.
Và một điều chắc chắn nữa là không có phép màu nào có thể giúp Thái Lan vượt qua cả Ấn Độ và Việt Nam để giành lại ngôi vị xuất khẩu gạo số một thế giới trong năm nay như tuyên bố của tân thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, khi mà tiến độ xuất khẩu của họ nửa đầu năm 2013 còn tụt dốc tới 16,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo Pháp luật TPHCM