Doanh nghiệp chật vật vì sức cầu yếu ớt

Điều quan trọng nhất là phải tổ chức thực hiện những giải pháp hỗ trợ đã công bố thật gọn lẹ. Chỗ nào còn vướng mắc hay thủ tục rườm rà cần nhanh chóng được giải quyết ngay.

Sức cầu yếu ớt, ngân hàng ế vốn, số lượng doanh nghiệp đóng cửa không ngừng tăng lên… những kết quả không mấy sáng sủa của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm được dự báo còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Giảm lãi suất chỉ là PR
Điều quan trọng nhất là phải tổ chức thực hiện những giải pháp hỗ trợ đã công bố thật gọn lẹ. Chỗ nào còn vướng mắc hay thủ tục rườm rà cần nhanh chóng được giải quyết ngay. Đôi khi Chính phủ thì muốn nhanh mà các địa phương lại chậm chạp thì phải kiểm tra và đưa ra hướng xử lý để thúc đẩy nhanh hơn
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi lan

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quý 1/2013 cả nước có 13.000 doanh nghiệp (DN) phải dừng hoạt động, sang quý 2 “đà” này vẫn được duy trì. Tổng cộng sau 6 tháng có gần 25.000 DN không còn hoạt động, không có doanh số. Khó khăn lan tỏa khiến ngân sách nhà nước giảm thu so với dự toán trong nhiều năm, ước chừng 65.000 tỉ đồng và Bộ Tài chính đang phải tích cực xoay xở bằng nhiều phương pháp để không vỡ cân đối thu – chi cả năm. Nhiều DN cho biết dù lãi suất (LS) hạ nhưng nhiều ngân hàng (NH) vẫn cho vay với LS cao, càng gây khó khăn cho DN. Ông Lê Văn Thành, giám đốc một DN tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, phản ánh các NH nói giảm LS xuống 9-10%/năm, nhưng không hề có vốn rẻ, bởi bản thân DN của ông vẫn phải vay với LS 13%/năm. “NH chỉ làm thương hiệu, PR chứ thực tế chúng tôi chưa tiếp cận được vốn rẻ, vẫn phải vay với LS cao”, ông Thành nói.
Mặc dù có phương án sản xuất, kinh doanh khá tốt đối với lĩnh vực sản xuất và khai thác đá dùng cho xây dựng cầu đường, nhưng ông Đạt, giám đốc một công ty tại Ninh Bình, cũng cho biết vừa rồi khi trình phương án xin vay thì một số NH vẫn khẳng định ngoại trừ lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, còn lại lĩnh vực xây dựng, kinh doanh khác vẫn phải chịu LS 14%/năm. “Mức lãi này theo tôi vẫn còn cao quá, DN khó có thể chịu đựng được”, ông Đạt chia sẻ.
Bên cạnh đó, hiện nay không ít DN đang vướng phải giới hạn định mức tín dụng vay mà các NH thương mại áp dụng. Khi đó, dù có thể tiếp cận LS cho vay ưu đãi nhưng bản thân DN cũng cẩn trọng vì rủi ro kinh doanh là rất lớn, bởi ngoài việc thế chấp nhà xưởng, chủ DN muốn mở rộng phát triển sản xuất còn phải thế chấp luôn cả tài sản riêng của mình để có thể tiếp cận vốn vay từ NH. Ông Vương Vĩnh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sinh (Khánh Hòa), chia sẻ các NH định giá bất động sản, tài sản quá thấp nên giới hạn tín dụng không cao. Bản thân DN của ông không dám mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng kinh doanh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay vẫn là tình trạng hàng sản xuất ra tiêu thụ rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI (chỉ số quản lý mua hàng) do NH HSBC công bố tháng 6 đã sụt giảm mạnh từ 48,8 điểm xuống còn 46,4 điểm, cho thấy quá trình hồi phục sức cầu đáng lo ngại. Hay một chỉ số khác là doanh thu bán lẻ, phản ánh sức cầu tiêu dùng, do Tổng cục Thống kê công bố 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt mức tăng trưởng 11,9% so với mức trung bình của 20% những năm trước. Điều này phản ánh niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện.

Cần thực hiện nhanh các giải pháp hỗ trợ
Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định, chỉ số tăng trưởng tín dụng đạt mức 4,5% tính đến hết tháng 6, nhưng theo khảo sát của nhóm nghiên cứu NH Vietcombank, thực tế 4 NH lớn chiếm phần lớn thị phần không tăng, thậm chí riêng Vietcombank còn tăng trưởng âm. Nguồn vốn đẩy ra thị trường chủ yếu là cho vay tiêu dùng tại các NH cổ phần. “Đây có thể là nguyên nhân lý giải phần nào PMI tháng 6 vẫn có mức giảm mạnh do tín dụng chưa chảy vào sản xuất mà chủ yếu chảy vào tiêu dùng”, báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ rõ.
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nguyên nhân chính hiện nay là do sức cầu của nền kinh tế quá yếu khiến nhu cầu vay vốn của DN tốt đã giảm đi, trong khi các NH trở nên thận trọng hơn với DN do lo ngại rủi ro. Còn đánh giá của nhóm nghiên cứu Công ty chứng khoán Vietcombank cho thấy, chính sách tiền tệ của NH Nhà nước với mục tiêu hạ LS hỗ trợ DN thúc đẩy tăng trưởng dự đoán sẽ gặp hạn chế nhất định. Cho dù LS có hạ, thanh khoản dồi dào nhưng dòng chảy tín dụng đến DN rất khó khăn do các NH đang phải giải quyết nợ xấu. Do đó, cần cải thiện mạnh mẽ sức cầu, cải thiện mức tăng trưởng tín dụng để đạt được mục tiêu tăng 12% trong cả năm.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích hiện chi phí vốn của nhiều NH vừa và nhỏ vẫn còn ở mức cao. Bản thân các NH này không thể kéo giảm LS tiền gửi xuống thấp 5,5 – 6%/năm như một số NH lớn vì lo mất khách hàng. Vì vậy, với trần LS huy động 7%/năm và cộng thêm chi phí khoảng 2% (gồm chi phí hoạt động, dự trữ bắt buộc…) cùng khoảng 2% lợi nhuận thì LS cho vay của NH sẽ ở mức 11%/năm. Đó là chưa kể nhiều NH đang bị tỷ lệ nợ xấu cao thì càng phải nâng mức lợi nhuận cao hơn để bù đắp chi phí trích lập dự phòng nợ xấu… Ông Hiếu cho rằng Chính phủ có thể áp dụng chính sách bảo lãnh tín dụng cho các DN cần vốn. Khi đó các NH thương mại sẽ mạnh dạn cho vay vốn với LS thấp mà không tính nhiều chi phí bù đắp do e ngại rủi ro cao. Đồng thời, NH Nhà nước cũng nên tạo ra nguồn vốn giá rẻ trên thị trường liên NH để từ đó các NH thương mại có vốn giá rẻ để đưa đến các DN.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho DN của nhà nước từ đầu năm đến nay như giảm thuế, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp… là cần thiết nhưng việc thực hiện còn quá chậm. Chẳng hạn gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho người vay mua nhà cũng chưa giải ngân được bao nhiêu, hay tốc độ giãn thuế đến nay cho bao nhiêu DN cũng chưa được biết… Điều này đã làm lỡ mất thời cơ cho DN tiếp cận hỗ trợ để có thể vượt qua những khó khăn. “Điều quan trọng nhất là phải tổ chức thực hiện những giải pháp hỗ trợ đã công bố thật gọn lẹ. Chỗ nào còn vướng mắc hay thủ tục rườm rà cần nhanh chóng được giải quyết ngay. Đôi khi Chính phủ thì muốn nhanh mà các địa phương lại chậm chạp thì phải kiểm tra và đưa ra hướng xử lý để thúc đẩy nhanh hơn”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói. Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng Chính phủ cần tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mới giúp các DN có cơ hội vượt qua khó khăn.

Theo Thanh niên