Có cơ hội cho bún sạch

Mặc dù một số phương tiện truyền thông đã hướng dẫn cách nhận biết bún chứa chất làm trắng huỳnh quang (tinopal) nhưng bấy nhiêu thông tin cũng không giúp người tiêu dùng hết hoang mang, lo lắng.
Có thể tìm mua bún sạch ở đâu?
Theo một số nhà sản xuất thực phẩm truyền thống, quy trình chế biến ra bún, bánh phở, bánh canh… cần trên năm ngày. Bên cạnh đó, để đảm bảo được điều kiện sản xuất, vệ sinh, nhà xưởng cũng phải đủ rộng (trung bình khoảng 500m2). Việc sử dụng tinopal là do người sản xuất sợ tốn công, ăn gian quy trình sản xuất, họ chỉ cần ngâm gạo từ 2 – 3 giờ là có thể ra thành phẩm. Đồng thời, một số nơi chạy theo lợi nhuận, sử dụng bột năng tươi (bột khoai mì – trong hàm lượng có chất tinopal, độc tố cao) để sợi bún, phở có độ dai, bóng, màu trắng đẹp.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên, giám đốc công ty TNHH Thực phẩm Hai Thiền cho biết, quy trình làm bánh phở sạch phải tuân thủ từ khâu chọn nguyên liệu tốt, môi trường sạch, nguồn nước sạch, quá trình xử lý để mùi còn lại trên bánh phở là mùi gạo. “Bánh phở hơn nhau ở khâu ngâm bột, chịu khó tách nước. Bánh phở tự nhiên có độ dai, mềm mại, màu trắng ngà của hạt gạo, không bị trắng xanh”, chị Nguyên cho biết thêm.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Nguyễn Thị Bính, giám đốc công ty TNHH Sản xuất – thương mại – dịch vụ Nguyễn Bính cho biết, trong quy trình sản xuất, ở bất cứ khâu nào cũng phải kỹ càng. Sơ sẩy, không đúng kỹ thuật là thành bún kém chất lượng. Từ năm 1999 chị đã biết chuyện cho chất tinopal làm trắng vào sợi bún. Vì kiên quyết không sử dụng hoá chất nên chị đã từng bị phá sản vì sợi bún đen không bán được. Hiện bún của chị có giá thành cao hơn các loại khác vì không nhận bún trả về và không tái chế.
Chị Bính cho biết thêm: “Nhìn cảm quan bên ngoài rất khó nhận ra bún chứa tinopal. Bún sạch có độ dai, giòn, sợi bún khô hơn, cứng hơn, màu trắng ngà của gạo”.
Báo cáo nhanh kết quả khảo sát chất làm trắng trong sản xuất thực phẩm tại địa bàn TP.HCM của trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, công bố ngày 22.7.2013:
Việc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ 15 – 25.6.2013, với 30 mẫu khảo sát gồm sáu loại: bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt được mua ngẫu nhiên tại 9 cơ sở bán thực phẩm (bốn siêu thị, bốn chợ ở trung tâm thành phố và một cửa hàng). Các mẫu được xác định sự hiện diện của tinopal bằng đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366nm.
Kết quả khảo sát cho thấy 5/6 loại mẫu khảo sát với tổng số 24/30 mẫu, chiếm tỷ lệ 80% số lượng mẫu khảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng quang học. Phân tích kết quả theo từng loại sản phẩm cho thấy số lượng mẫu có chất làm trắng huỳnh quang cụ thể như: bún -5/9 mẫu (56%); bánh cuốn –0/1 (0/%); bánh ướt –4/4 (100%); bánh hỏi –5/5 (100%) , bánh phở –3/4 (75%), bánh canh –7/7 (100%). Như vậy, có ba loại sản phẩm khảo sát gồm: bánh ướt; bánh canh và bánh hỏi với 100% số lượng mẫu khảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng huỳnh quang.

Theo Sài Gòn tiếp thị