Doanh nghiệp ngành hóa mỹ phẩm đang loay hoay vượt khó

Ngày 16/7, đoàn cán bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã đến thăm và làm việc với Hội Hóa – Mỹ phẩm TP.HCM (Hội) và Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo.

Bà Nguyễn Thanh Thảo, Phó chủ tịch Hội, cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) thuộc Hội đang gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu, điện, nước, phí vận chuyển tăng cao, lạm phát kéo dài. Một hiện tượng khá phổ biến là hàng mỹ phẩm xách tay được bày bán tràn lan tại các chợ, không hề được cơ quan chức năng kiểm soát.
Một số DN có vốn đầu tư nước ngoài nhập hàng lậu, trốn thuế làm ảnh hưởng đến các DN trong nước. Trước tình trạng này, Hội đã đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, cho các DN vay vốn, kiểm soát thị trường nhằm hạn chế tình trạng DN trốn thuế và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, một thành viên của Hội, cho biết, thành lập từ năm 1978, Mỹ Hảo chỉ là một cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa mỹ phẩm nhỏ, nhưng đến nay Công ty đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Các sản phẩm hiện được người tiêu dùng ưa chuộng và cũng là sản phẩm chính của Mỹ Hảo gồm: nước rửa chén, nước giặt quần áo, nước xả làm mềm vải…
Mới đây, Mỹ Hảo đưa ra thị trường nước rửa chém đậm đặc gấp ba lần sản phẩm cũ và quảng cáo trên tivi thì bị một đơn vị khác cũng trong ngành hóa mỹ phẩm gửi thư hăm dọa không được tiếp tục quảng cáo, nếu không sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường sản xuất.
Cho đến nay, ngoài sản phẩm nước rửa chén, Mỹ Hảo còn có nhiều sản phẩm khác như nước tẩy, xà bông, nước xả vải… tuy nhiên nước rửa chén vẫn chiếm khoảng 70% doanh thu của công ty. Mỹ Hảo từng được người tiêu dùng ưa chuộng và tín nhiệm vì giá rẻ mà chất lượng tốt nhưng hiện đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ nước ngoài.
Theo ông Lương Vạn Vinh, theo kết quả đánh giá của một đơn vị tư vấn, thương hiệu Mỹ Hảo hiện nay trị giá khoảng hơn 40 triệu USD, gấp bốn lần so với lần đầu tiên công ty Mỹ Hảo được chào mua vào năm 1998. Tuy nhiên, nhìn vào mức tăng trưởng hàng năm có thể thấy Mỹ Hảo đang chịu một sức ép cạnh tranh khá lớn.
Tăng trưởng doanh thu năm 2009 của Mỹ Hảo chỉ đạt 5%, năm 2010 và 2011 đạt 10%. Năm 2012, Mỹ Hảo đặt mục tiêu là 25% nhưng kinh tế khó khăn cũng như những điểm yếu nội tại khiến công ty chỉ hoàn thành được 12%.
Năm 2012, doanh số của Mỹ Hảo đạt 960 tỷ đồng, hiện nay dù kinh tế có khó khăn, nhưng doanh thu của Công ty cũng đạt 80 tỷ đồng/tháng. Ngoài việc bị các DN sản xuất cùng sản phẩm cạnh tranh gay gắt, Mỹ Hảo còn đang đối mặt với việc phải đóng thuế thuê đất khá cao.
Nếu trước đây Công ty chỉ phải đóng 1.300 đồng/m2 thì nay là trên 40.000 đồng/m2. Với trên 3.000m2 đất đang sở hữu, chỉ riêng tiền thuê đất, Công ty đã tốn trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Mỹ Hảo có nguyện vọng là được ổn định tiền thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, Nhà nước nên cho phép xem chi phí thuê lao động nước ngoài là chi phí hợp lý được hạch toán trong sổ sách kế toán.
Một khó khăn khác của các DN ngành hóa phẩm là hằng năm phải tiếp khá nhiều đoàn kiểm tra về môi trường, từ các cơ quan chức năng của thành phố đến các bộ, ngành trung ương. “Kiểm tra đâu cũng thấy vi phạm về môi trường nhưng các vị ấy không hề hướng dẫn cách khắc phục”, bà Nguyễn Thanh Thảo phân trần.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, đã rất thông cảm với những khó khăn mà DN ngành hóa mỹ phẩm đang gặp phải, và với vai trò là cầu nối, ông Hưng hứa HUBA sẽ tiếp tục tập hợp các vướng mắc, bất cập của DN báo cáo lên lãnh đạo thành phố để có hướng giải quyết, hỗ trợ kịp thời.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Online