Đầu tư thời kinh tế khó

Kinh tế có thể tăng tốc cùng với sự phục hồi của tổng cầu trong quý III/2013 hay không sẽ là chìa khóa để các nhà đầu tư mở cửa kênh đầu tư cho mình trong 5 tháng còn lại của năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, dựa trên diễn biến tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm 2013, có thể thấy nền kinh tế đã qua đáy khó khăn nhưng chưa thể ngay lập tức tăng tốc. Một số tín hiệu “sáng” hơn cho phép lạc quan về triển vọng 5 tháng cuối năm.

Nền kinh tế qua đáy ?
Tín hiệu thứ nhất là lạm phát thấp. Tính đến cuối tháng 6, chỉ số CPI chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 2,4% từ đầu năm. Nhìn ở mặt tiêu cực thì lạm phát thấp là kết quả của suy giảm nền kinh tế, song nó vẫn cho thấy sự tích cực trong việc điều hành chính sách tiền tệ kiên định theo lạm phát mục tiêu mà các nhà quản lý đã thực hiện.
Chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh – Viện Nghiên cứu Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng với các tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của lạm phát, theo đó, chia đều tác động lên chỉ số CPI và lạm phát từ 3-4% cho các tháng còn lại của năm, thì “xấu lắm” lạm phát cũng chỉ có thể dừng ở mức 7%. Đây là yếu tố có thể giúp DN, nhà đầu tư loại bỏ sự quan ngại về tính bất ổn và tái khứ hồi ngoài dự đoán của lạm phát .
Về tăng trưởng GDP, theo CTCK Vietcombank VCBS, so với kỳ vọng và dự báo tăng trưởng đặt ra từ đầu năm của Chính phủ là 5,5%, thì diễn biến thực tế đang thấp hơn và khả năng GDP của năm 2013 có thể sẽ chỉ đạt mức 5,1 – 5,2%.
“Tuy vậy, đã có một số dấu hiệu tích cực hơn về khả năng nền kinh tế đã chạm đáy và hướng về phía trước với hi vọng dần hồi phục, trong đó, điểm sáng cơ bản là tăng trưởng có sự đóng góp của khối FDI, xuất khẩu và tình hình DN đã có nhiều nét khả quan hơn” – VCBS nhận xét.
Trái ngược với những điểm sáng nổi trội nói trên, nền kinh tế như có vẻ vẫn đang “mắc cạn” nợ xấu và sức mua nội địa. Việc VAMC – Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt – sau nhiều tháng ì ạch “thai nghén” đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 7/2013 Việc VAMC “múa gậy ra sao”, sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự vận hành của nền kinh tế 5 tháng cuối năm 2013.

Tiết kiệm: Hết thời sinh lợi tốt
Lạm phát thấp, các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động giảm. Ở thời điểm hiện nay, mức chênh lệch giữa lãi suất VND so với lãi suất huy động USD đã không còn bao nhiêu. Bộ phận Phân tích CTCK PSI cho rằng có vẻ như dư địa giảm lãi suất còn lại không đáng kể, và mặt bằng các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động có thể sẽ ổn định ở mức như hiện tại cho tới hết năm 2013.
“Hết dư địa hạ lãi suất” cơ bản cũng là nhận định của các tổ chức tài chính khác, khi NHNN cũng đã giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành xuống 2% và giảm trần huy động kì hạn 1 – 12 tháng xuống 0,5% về tối đa là 7,5%; giảm trần huy động kì hạn 1-6 tháng xuống 1% về mức tối đa là 7% trong 6 tháng đầu năm.
Hiện tại, một số NH lớn cũng đang hạ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn xuống mức 5%/ năm. So lãi suất này với lạm phát tính thời điểm hiện nay thì vẫn thực dương, nhưng so với lạm phát kỳ vọng “kịch kim” 7% thì đang là thực âm. Do đó, không thể nói tiết kiệm vẫn là kênh sinh lợi đối với nhà đầu tư, mà nó trở về đúng nghĩa là kênh gửi tiền an toàn cho người có tiền nhàn rỗi.
Dù vậy, chuyên gia đầu tư Đinh Thế Hiển vẫn cho rằng tiết kiệm nếu so mức lợi tức phổ biến trên hệ thống là 7%/năm khi gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn và 8 – 8,5%/năm đối với kỳ hạn dài hiện nay, thì đây vẫn là kênh tốt hơn so với các kênh đầu tư khác.

Vàng: “Dễ… bỏng tay”
Sự thay đổi bất thường với biên độ giảm ngoài mức tưởng tượng của thị trường vàng thế giới khiến giá vàng tại thị trường VN dù không diễn tiến liên thông, vẫn chao đảo tăng giảm. Nhìn ở góc đầu tư cá nhân, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng kênh vàng khá rủi ro và người mua trong nước bao giờ cũng phải chịu giá đắt hơn so với giá thế giới, do thị trường vàng trong nước chưa liên thông với giá quốc tế. Giá vàng VN đang cao hơn khoảng 7% so với giá thế giới là thống kê của CTCK Bản Việt; nhưng cũng phải nói thêm có những thời điểm, khoảng cách chênh lệch này vượt trên mức 10%.
Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, việc vàng giảm giá là một quy luật bình thường mà trước đây, trong nhiều dự đoán các cơ hội đầu tư với DĐDN, ông đã đưa ra cột mốc 1.000-1.200 USD/oz cho xu thế giảm của vàng. 
Tác động từ dự định cắt gói nới lỏng định lượng QE3 của FED đã đẩy USD tăng giá, sự hồi phục của các nền kinh tế và lổ hổng của khối Eurozones cũng bắt đầu ngưng lan rộng càng củng cố ý niệm vàng đã bớt đi vai trò hầm trú ẩn.
Ngoài ra, một chuyên gia khác nhấn mạnh, đầu tư vàng vật chất tại nội địa – kênh không được Nhà nước khuyến khích – tất yếu gặp những rủi ro chính sách. Và đó là yếu tố rất quan trọng khiến người cầm vàng có thể bị bỏng tay, cho dù thị trường không quá nóng. Bên cạnh đó, tiền đồng trong thời gian quá khá ổn định, tỉ giá không có nhiều áp lực. Đó sẽ là động lực để nhà đầu tư cân nhắc nguyên lý “không đụng đến vàng”. 
Tất nhiên, không loại trừ với những người có tiền nhàn rỗi và không cưỡng được sức hút từ vẻ lộng lẫy của vàng, nói theo cách của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn. Kể cả trong những trường hợp đó, việc giữ vàng cần được cân nhắc đầy đủ chi phí phải trả để gửi vàng tại các ngân hàng VN, chưa bao gồm chi phí cơ hội, chuyển đổi hay rút vàng trong tương lai.

Hấp dẫn chứng khoán và trái phiếu
Trong những tháng cuối năm 2013, kỳ vọng động lực dòng tiền từ khối ngoại vẫn chưa chấm dứt khi một số quỹ đầu tư cho biết các nhà đầu tư quốc tế đang đánh giá cao triển vọng của TTCK VN. 
Hãng tin Reuters mới đây cũng cho biết “giá cổ phiếu rẻ và hi vọng về việc VN sẽ vượt qua được những khó khăn kinh tế trong năm nay đã hấp dẫn các nhà đầu tư mua cổ phiếu”. Theo hãng tin này, dẫn số liệu từ Cty StarMine, hệ số giá/thu nhập (P/E) của thị trường VN đang là 11 lần, thấp hơn so với một số thị trường khác như Indonesia nơi P/E đang là 18 lần. 
Thống kê của Chứng khoán VCBS cho thấy khoảng cách hệ số P/E của TT VN so với một số thị trường khu vực đang thu hẹp lại, nhưng P/E vẫn đang chênh lệch thấp so với các thị trường khác và do đó, sức hấp dẫn của thị trường CK VN vẫn đang còn trước mặt. Nói cách khác, “rẻ” đang là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường VN và tìm mua các tài sản tốt nhất. 
Cùng với đó, bên cạnh sự khó khăn của một số DN, thực tế nhiều DN VN vẫn đang có tỉ suất lợi nhuận đạt mức cao, nhiều DN nhà nước hoạt động kinh doanh tốt và đang trên con đường IPO… Nguồn vốn đầu tư dài hạn vì vậy sẽ được kích hoạt chảy theo dòng trũng.
Tương tự như chứng khoán, trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ), vẫn được ưa chuộng. 6 tháng đầu năm 2013, thị trường TPCP tiếp tục ghi nhận sự tăng truởng ấn tượng với quy mô phát hành và giao dịch gần bằng cả năm 2012. Mặt bằng lãi suất phát hành và giao dịch giảm mạnh từ 1% đến 2,5% so với thời điểm đầu năm, sát với diễn biến lãi suất trên thị trường ngân hàng và tiền tệ. Tuy nhiên, sau thời điểm NHNN điều chỉnh tỉ giá 1% thì thị trường trái phiếu không còn hấp dẫn nhiều. 
Theo chuyên viên Nguyễn Duy Phong – CTCK Bản Việt, trên thị trường sơ cấp, trái phiếu đã kém hấp dẫn, lợi suất trúng thầu tăng 0,2-0,45% do lo ngại điều chỉnh tỉ giá và lạm phát. Còn trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch giảm 45% do khối ngoại tiếp tục thoái vốn và trái phiếu không còn hấp dẫn như trước.
Trong vòng 4 tuần qua, cầu trên thị trường thứ cấp ở mức thấp. Khối ngoại đã bán ra tổng công 4.500 tỉ đồng trong 20 ngày giao dịch. Nhà đầu tư trong nước cũng đứng ngoài thị trường vì cho rằng lợi suất sẽ còn tăng. Việc lo ngại lạm phát và đường cong lợi suất đi ngang khiến thị trường trái phiếu xuất hiện xu hướng bán.
Cùng với đó, một nhận định khác cho thấy lo ngại ở thời điểm đáo hạn trái phiếu sẽ phụ thuộc vào phát hành trái phiếu tại lúc đó, vì nguồn thu chi ngân sách chưa cân đối. Như vậy, những tháng còn lại của năm, sau thời kỳ thăng hoa khủng về lượng và chất, nhà đầu tư hẳn sẽ thận trọng hơn với kênh trái phiếu.
Với các nhà đầu tư tổ chức, chủ yếu là các NHTM, trong 5 tháng cuối năm, áp lực nỗ lực đẩy tín dụng tới DN và tiêu dùng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng và đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh dưới kỳ vọng cổ đông cũng có thể khiến lực cầu trái phiếu suy giảm.
“Mở sẵn tài khoản, đón chứng khoán ở các đợt sóng mùa vụ ngắn hạn, hay rót tiền đầu tư cho những DN có khả năng đạt lợi nhuận đột biến trước mắt hoặc tìm các DN có lợi thế đầu ngành, không đánh theo các ETFs”… là lời khuyên của nhiều chuyên gia đầu tư vào lúc này.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp