Nếu thời gian tới giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, giá bình quân cũng giảm, các yếu tố khác giảm thì giá xăng dầu mới giảm…
“Nếu trong thời gian tới, các yếu tố đầu vào tiếp tục giảm thì tất nhiên doanh nghiệp trong nước phải giảm giá, theo đúng quy định tại Nghị định 84”. Đó là nội dung câu trả lời khá trung tính của ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ này, diễn ra ngày 5/8, liên quan đến câu hỏi giá xăng dầu thế giới thời gian vừa qua có giảm thì liệu giá xăng dầu trong nước có khả năng giảm hay không.
Theo ông, giá xăng dầu thế giới cuối tháng 7 có giảm, nhưng việc điều chỉnh giá trong nước lại phụ thuộc vào giá bình quân thế giới 30 ngày và các yếu tố khác như thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn…
Cũng tại cuộc họp này, ông Chiến cũng như lãnh đạo Bộ đã “bỏ qua” một số câu hỏi rất cụ thể của phóng viên về giá xăng dầu. Cụ thể như, việc gần đây một số doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ và xin tăng giá, thì Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất tăng giá của các doanh nghiệp hay chưa và quan điểm của Bộ ra sao, đã không nhận được câu trả lời từ phía Bộ.
Vị Phó vụ trưởng cho biết, Bộ Công Thương có theo dõi giá xăng dầu, nhưng việc quản lý giá xăng dầu do Bộ Tài chính thực hiện là chính. Tuy nhiên, với chức năng cùng phối hợp, Bộ Công Thương cũng sẽ có những theo dõi và tham mưu để có điều chỉnh thích hợp.
Sau khi Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được tăng giá bán các chủng loại xăng dầu vào ngày 17/7 vừa qua, giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, với mức giá bán lẻ 24.570 đồng/lít.
Liên quan dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu, ông Chiến cho biết, hiện nay tiến trình xây dựng Nghị định 84 đang được điều chỉnh bằng việc chuyển sang xây dựng nghị định mới thay thế hoàn toàn Nghị định 84.
Sau nhiều lần công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 84, tổ soạn thảo đã nhận được sự góp ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… đề nghị nên soạn thảo một nghị định hoàn toàn mới thay thế Nghị định 84, bởi theo nghị định sửa đổi Nghị định 84 với tổng số 35 điều thì đã có đến 23 điều phải sửa đổi, hai điều phải bổ sung.
Trước đề nghị này, theo ông Chiến, Bộ Công Thương cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đã được Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chấp thuận, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng một nghị định thay thế Nghị định 84, chứ không sửa đổi bổ sung và sẽ trình Chính phủ trước ngày 30/9/2013.
Theo Vneconomy