Tác động dây chuyền của hàng loạt đợt điều chỉnh tăng giá xăng, điện, dịch vụ y tế và học phí khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong hai tháng tới đây có nguy cơ tăng chóng mặt.
Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo kinh tế tháng 7.2013 vừa công bố đánh giá, lạm phát tổng thể trong tháng 7 có tốc độ tăng cao hơn so với tháng trước (0,27%) cũng như so với cùng kỳ (7,29%), nhưng nhìn chung, lạm phát 7 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp (tăng 2,68% so với đầu năm) và là mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Xét trên nền tảng kinh tế vĩ mô, uỷ ban nhìn nhận, lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá (giá điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường và áp dụng tỉ giá linh hoạt.
“Tuy nhiên, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cũng cần phải tính toán hợp lý để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường” – cơ quan giám sát tài chính đưa kiến nghị.
Giới đầu tư trong khi đó lại bày tỏ lo ngại các đợt tăng giá điện, gas và dịch vụ y tế mới đây có thể khiến CPI của tháng 8, tháng 9 tăng mạnh trở lại. Cụ thể, việc giá điện tăng 5% từ ngày 1.8 sẽ trực tiếp làm CPI tăng 0,15%, trong đó một nửa trong số này sẽ được phản ánh trong CPI tháng 8 và phần còn lại sẽ được phản ánh trong CPI tháng 9.
Ngoài ra, tác động gián tiếp của việc tăng giá điện có thể làm CPI tăng khoảng 0,2-0,3% trong thời gian từ tháng 8-9. Tương tự với diễn biến này, việc giá gas tăng 3% cũng được dự báo sẽ làm CPI tăng khoảng 0,03%. Tuy nhiên, các phân tích chỉ ra rằng, tác động mạnh nhất lên CPI tháng 8 tới đây có thể là việc TP.Hà Nội điều chỉnh tăng mạnh giá của hơn 712 dịch vụ y tế từ 1.8.
Với lịch sử tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lên CPI thường khá lớn, điều tương tự được dự báo sẽ diễn ra trong đợt điều chỉnh giá nhóm hàng y tế lần này. Với các yếu tố trên, chỉ số CPI tháng 8 có thể sẽ tăng mạnh khoảng 1% so với tháng 7, cao hơn mức dự báo 0,6-0,7% mà Tổ điều hành thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương dự báo.
Ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá còn chưa dừng lại. Các tính toán cho thấy, tác động gián tiếp của việc tăng giá xăng vào giữa tháng 7 và của đợt tăng giá dịch vụ y tế tại Hà Nội vẫn sẽ còn tác động vào chỉ số CPI tháng 9 dù chỉ ở mức độ yếu hơn.
Điểm đáng lưu ý là trong tháng 9 tới, TPHCM dự kiến sẽ tăng học phí năm học 2012-2014 lên từ 3-4 lần so với năm học trước, cộng thêm các yếu tố mặt bằng giá cả thường tăng cao hơn so với tháng 7 và tháng 8 kể từ thời điểm khai giảng năm học mới.
Thống kê của một tổ chức đầu tư cho thấy, trong 3 năm qua, chỉ số CPI theo tháng thường tăng từ 0,82-2,2% trong tháng 9, trong đó chỉ số giá nhóm hàng giáo dục tăng từ 8,62-12,02%. “Do đó, chúng tôi dự đoán CPI tháng 9 có thể tăng khoảng 1-1,5% so với tháng 8”.
Tuy nhiên, khả năng CPI tăng mạnh trong năm nay được cho sẽ khó xảy ra do lực cầu của nền kinh tế hiện đang rất yếu. Nhóm phân tích của Cty Maybank Kim Eng cho hay, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực tế chỉ tăng 4,9% trong 7 tháng qua so với 6,7% của cùng kỳ năm 2012. Chính vì vậy, nhiều khả năng chỉ số CPI có thể dao động xung quanh mức 8% trong năm nay.
Theo Lao Động